Người bác sỹ về bản vùng cao

17:27, 25/02/2011

HGĐT- Là chàng trai quê tận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, nhưng bác sỹ trẻ Đỗ Ngọc Dũng lại lên công tác ở Hà Giang và về “cắm bản” tại xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên. Càng ngạc nhiên hơn khi bác sỹ trẻ này về công tác ở 2 xã khó khăn thì chỉ sau một thời gian ngắn, cả 2 xã đều được công nhận Chuẩn quốc gia về Y tế.


 
Bác sỹ Nguyễn Duy Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên, cho biết: “Là một chiến sỹ biên phòng chuyển về ngành Y tế từ năm 2005, Dũng đã được đơn vị phân công nhiệm vụ về công tác tại trạm y tế xã Thanh Đức, rồi học nâng cao và ra trường lại nhận nhiệm vụ về xã khó khăn nhất của huyện là Lao Chải, nhưng Dũng vẫn không từ chối. Ngược lại, người bác sỹ trẻ này còn luôn gần dân, bám dân, bám bản và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Không những thế, Dũng còn là hạt nhân tiêu biểu trong việc đưa các Chuẩn về y tế để phối hợp cùng UBND xã triển khai thành công ở xã. Cả 3 xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ và Lao Chải là những nơi Dũng đã từng về công tác đều đượcUBND tỉnh công nhận Chuẩn Quốc gia về Y tế xã”.


Về công tác tại các bệnh viện lớn tuyến trung ương, tuyến tỉnh hay chí ít cũng là những bệnh viện tuyến huyện là mơ ước của hầu hết tất cả những y, bác sỹkhi vừa ra trường, đó là điều hoàn toàn chính đáng. Bởi ở các cơ sở y tế lớn vừa có đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men và bệnh nhân để đáp ứng đúng trình độ chuyên môn cao của người bác sỹ. Nhưng gặp người bác sỹ trẻ này mới nhận thấy, mơ ước đó không hoàn toàn đúng hẳn, Bác sỹ Dũng tâm sự: “Nếu bác sỹ, y sỹ nào tốt nghiệp ra trường cũng muốn có một chỗ công tác tốt, thì người dân đang sinh sống ở vùng khó khăn, những thôn bản vùng cao, vùng biên giới biết bao giờ mới có được dịch vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ tốt. Bây giờ các trạm y tế cũng đã được đầu tư nâng cấp với các trang thiết bị tương đối phù hợp với trình độ của bác sỹ cơ sở rồi. Vì vậy mình nhận thấy những người bác sỹ trẻ mới ra trường như mình cũng cần có một thời gian nhất định về công tác tại cơ sở. Qua đó, vừa nâng cao được tính chủ động trong hoạt động chuyên môn, vừa chia sẻ khó khăn với người dân nghèo không có điều kiện đến các cơ sở chuyên sâu để điều trị”.


Nằm cách trung tâm huyện Vị Xuyên tới gần 70Km, nhưng về được Lao Chải cũng phải mất hơn ba giờ đồng hồ vừa đi ô tô, đi xe máy và đi bộ. Ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt biển, trạm Y tế Lao Chải nằm chênh vênh trên một sườn núi mờ mịt sương mù bao phủ. Ở đây, một năm có 12 tháng thì cũng có tới 6 tháng sống trong cảnh mây mù. Điều đó không chỉ khó khăn trong việc vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân mà còn khó khăn cả trong khâu bảo quản thuốc và trang thiết bị y tế của Trạm. Hỏi chuyện những người y sỹ, nữ hộ sinh công tác tại trạm chúng tôi được biết thêm, từ trước đến nay không chỉ riêng trạm y tế xã Lao Chải mà các trạm y tế lân cận như: Thanh Đức, Xín Chải đều chưa từng có bác sỹ lên công tác. Trong đó, Lao Chải là xã khó khăn nhất với địa hình đồi núi cao, 3/4 thôn đều giáp biên giới, với 100% đồng bào Mông sinh sống. Toàn xã có 295 hộ với gần hai nghìn nhân khẩu đều ở rải rác trên các sườn núi cao, thôn gần nhất đi bộ cũng mất hơn một giờ đồng hồ, thôn xa cả đi cả về cũng mất cả ngày đường, phong tục tập quán lạc hậu, đói ăn, đói mặc, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, kéo theo đó là những mặt hạn chế về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ như: nuôi thả gia súc gần nhà, ăn ở mất vệ sinh, bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, không chịu đến cơ sở y tế khám chữa bệnh… Vì vậy, việc bác sỹ Dũng về tăng cường cho trạm y tế là một điều vô cùng cần thiết cho lực lượng cán bộ của trạm và đáp ứng niềm mong mỏi là được khám chữa bệnh với chất lượng tốt hơn của cán bộ và nhân dân trong xã. Từ khi bác sỹ Dũng về, ngoài việc khám chữa bệnh tại trạm y tế, anh còn phải thực hiện chọn vẹn tới hơn chục chương trình mục tiêu y tế khác ở thôn bản, từ vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, phun thuốc phòng bệnh, bảo vệ môi trường đến kiểm soát dịch bệnh, tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình... Không những thế, bác sỹ Dũng luôn nhiệt tình, lăn lộn với công việc, thường xuyên về bản để gần gũi, học tiếng, học phong tục tập quán, khám chữa bệnh và vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chính sách y tế. Anh luôn chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra những giải pháp kịp thời và tham mưu cho UBND về các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giám sát dịch bệnh, triển khai các phương án phòng dịch và báo cáo lên tuyến trên.


Là bác sỹ trẻ vùng xuôi lên công tác tại vùng cao nhưng Đỗ Ngọc Dũngkhông ngại khó, ngại khổ, mà ngược lại anh luôn sống hoà đồng, gần gũi và chân tình với đồng bào, luôn bám dân, bám địa bàn, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp. Nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã nhận được sự yêu quý của đồng nghiệp, lãnh đạo trung tâm Y tế, lãnh đạo xã và nhân dân trong thôn bản gần xa. Bác sỹ Nguyễn Duy Hoa tâm sự: “Vì làm được những điều đó nên Trung tâm luôn tin tưởng giao cho Dũng những công việc khó là luân phiên về các xã vùng sâu, vùng cao trong huyện để vực dậy và hoàn thành các chương trình Chuẩn y tế xã theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đề ra, để các xã vùng cao, vùng khó khăn tiến kịp các xã vùng thấp trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Dũng xứng đáng với tên gọi thân thương “bác sỹ của bản làng vùng cao”. Và người vùng cao cũng rất mong mỏi là ngày càng có nhiều người bác sỹ tận tâm với nghề, sẵn sàng lên phục vụ và hết lòng vì nhân dân vùng cao như bác sỹ Dũng”.


KIM HUỆ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cháng Kháy Sấn: Tấm gương điển hình về học tập và làm theo Bác của ngành Bảo hiểm Xã Hội
HGĐT- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Thu Tà huyện Xín Mần, thấu hiểu nỗi vất vả của gia đình nên anh Cháng Kháy Sấn, dân tộc Nùng không ngừng vượt khó, vươn lên trong học tập với ước muốn mang kiến thức về phục vụ quê hương, phát triển kinh tế gia đình. Chăm chỉ học tập,Cháng Kháy Sấn vào học Quản lý của ngành Lao động TB-XH tại Hà Nội.
31/12/2010
Huyền An – HTX hướng về cộng đồng
HGĐT- Nguyễn Tháp Huyền sinh ra trong một gia đình đông anh em. Trải qua một thời gian dài trong quân ngũ đóng quân trên mảnh đất miền Tây nghèo khó, khi ra quân Nguyễn Tháp Huyền ở lại Xín Mần tìm cách làm ăn rồi thành lập HTX Huyền An năm 2004. HTX đã giải quyết việc làm cho 150 lao động thường xuyên và gần 50 lao động thời vụ.
24/01/2011
Bác sỹ Dương Hồng Chuyên, thầm lặng một tấm lòng
HGĐT- Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Hoàng Su Phì trong một gia đình giàu truyền thống, cô bé người dân tộc Mông Dương Hồng Chuyên sớm ảnh hưởng tính cách vui vẻ, hòa đồng và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ người mẹ (bà Ly Thị Chía, nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang). Với giọng hát trời phú, ngay từ khi còn là học sinh trường phổ thông Dân tộc
23/02/2011
Bác sỹ Vũ Mạnh Hà, gương mặt trẻ xuất sắc
HGĐT- Được kết nạp Đảng từ thời sinh viên, sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2003 bác sỹ Vũ Mạnh Hà được nhận về công tác tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Nhưng, với tinh thần xung kích, anh lập tức lên đường tham gia phục vụ công tác phân giới cắm mốc tại những địa bàn biên giới khó khăn trong suốt 2 năm từ 2004 - 2006.
23/02/2011