Cô gái vùng cao "Tài sắc vẹn toàn"

08:22, 03/01/2020

BHG - Từng giành danh hiệu “Người đẹp Cao nguyên đá” năm 2014 và lọt vào Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam; nhưng với khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình, Lưu Thị Hòa, cô gái Cờ Lao  (sinh 1992) tại thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn), đã “bỏ phố về núi” và quyết tâm khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại Po Mỷ (HTX Po Mỷ) được ra đời. Đây cũng là mô hình đầu tiên của thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Lưu Thị Hòa (trái) bên gian hàng giới thiệu đặc sản Hà Giang.
Lưu Thị Hòa (trái) bên gian hàng giới thiệu đặc sản Hà Giang.

Gặp gỡ Lưu Thị Hòa, ấn tượng đầu tiên là một cô gái thông minh, xinh đẹp và vô cùng thu hút. Trong câu chuyện của chúng tôi, Hòa đã chia sẻ về những dự định, ý tưởng, những ngày tháng đau đáu giữa “ở và đi”; cuối cùng cô chọn “bỏ phố về núi” để hoàn thành ước mơ của bản thân và cũng là ước mơ của nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) khác.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cao nguyên đá nhọc nhằn, định hướng ban đầu của Hòa cũng như nhiều thanh niên trẻ là lựa chọn một trường đại học rồi ổn định cuộc sống. Hòa chọn thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với thành tích nổi bật và ngoại hình thu hút, Hòa đã tham gia và đạt nhiều thành tích tại các cuộc thi nhan sắc dành cho sinh viên. Năm thứ 2 đại học, Hòa tham gia và giành ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Người đẹp Cao nguyên đá; lọt vào Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Nhưng khi được hỏi vì sao không tận dụng những cơ hội đó để phát triển xa hơn, Hòa cười chia sẻ: “Mặc dù may mắn có được những giải thưởng về nhan sắc, nhưng với mình đó chỉ là những trải nghiệm rất tuyệt vời mà tuổi trẻ mình có được; mình chưa bao giờ cảm thấy bản thân phù hợp với lĩnh vực đó, có vẻ như làm nông nghiệp với mình hợp hơn”.

Sau khi ra trường, Hòa đã có 2 năm làm ở vị trí maketing cho các tập đoàn trong nước và nước ngoài. Trong suốt thời gian đó, Hòa đã tham gia rất nhiều hội thảo, các chương trình, các cuộc giải cứu nông sản… Từ những chuyến đi đó, và thực tế tại quê hương; cô đã ý thức được việc bắt tay vào xây dựng một hệ thống cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng chính từ nguồn nông sản sạch mà người dân quê hương cô đã và đang làm ra. Những sản phẩm mặc dù được nhiều người yêu thích nhưng lại chưa được thị trường chú ý tới, cũng như chưa có những phương pháp quảng bá phù hợp. Tháng 11.2017, HTX Po Mỷ đã ra đời với 7 thành viên, đều là người DTTS; kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Hà Giang.

Tuy nhiên, “Vạn sự khởi đầu nan”, quá trình biến ý tưởng thành thực tế của cô gái vùng cao cũng không hề dễ dàng; Hòa cho biết: “Mình chưa có nhiều kiến thức về nông nghiệp nhưng lại lao vào sản xuất, xây dựng hệ thống trồng rau an toàn,… cái giá phải trả là toàn bộ số rau bị hỏng. 5 tháng đầu tiên, HTX bị thua lỗ, vốn cạn kiệt; điều đó buộc tôi phải kiểm điểm lại bản thân và tìm ra hướng đi mới. Sau đó, tôi tạm thời chuyển từ sản xuất sang bao tiêu sản phẩm, chỉ nhập sản phẩm của bà con về và bán. Suốt thời gian này, tôi cùng các thành viên trong HTX đã xin tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm, đi cùng các đoàn đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm. Quay trở lại, chúng tôi bắt đầu kêu gọi các thanh niên DTTS trên địa bàn cùng liên kết sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra ổn định. Từ đó, nhận định đúng hướng đi cho HTX”.

Đến nay, HTX Po Mỷ đã dần ổn định về sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. HTX phát triển với quy mô 5.700 m2 nông trại với quy trình khép kín; trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản Hà Giang như: Mật ong Bạc hà, thịt lợn treo, cây ăn quả lâu năm (đào, lê), rau, củ ngắn ngày (bắp cải, củ cải); bước đầu được trang bị máy móc hiện đại; sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận VSATTP. Bên cạnh đó, Hòa đã duy trì chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội, là địa điểm để giới thiệu, liên kết, quảng bá sản phẩm đặc sản Hà Giang, để người tiêu dùng có thể đến mua trực tiếp; đồng thời, hệ thống bán hàng được liên kết tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Đến nay, HTX Po Mỷ duy trì ổn định, mang lại doanh thu 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động với thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/tháng. Tại trang trại, Hòa ưu tiên tuyển lao động tại địa phương; tại chuỗi cửa hàng “Về bản”, cô cũng ưu tiên cho sinh viên người DTTS tới làm thêm theo ca để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống và học tập.

Sau những nỗ lực không ngừng, vừa qua, Hòa đã vinh dự đại diện cho thanh niên Hà Giang nhận giải thưởng Lương Định Của; phần thưởng cao quý của TƯ Đoàn trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề bảo vệ môi trường và xây dựng NTM.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Hòa cho biết sẽ đẩy mạnh tiến độ xây dựng mô hình kinh doanh Farmstay – Du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa. Đây là hình thức kết hợp giữa 3 lĩnh vực: Du lịch – Nông nghiệp – Văn hóa. Trong đó, sẽ chú trọng việc bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người của Hà Giang như: Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô… Thông qua dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng về mọi mặt như: Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; tạo việc làm ổn định cho người dân... Đồng thời, mô hình kiểu mẫu làm động lực cho thanh niên khác mạnh dạn làm theo. Được biết, dự án nằm trong 11 dự án, ý tưởng khởi nghiệp khả thi để ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh sẽ nhận được sự kết nối nguồn đầu tư, có cơ hội phát triển thành các doanh nghiệp thành công.

Mặc dù còn rất trẻ, nhưng cô gái vùng cao xinh đẹp, giỏi giang Lưu Thị Hòa đã và đang đại diện cho thanh niên Hà Giang nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung từng ngày nỗ lực khẳng định mình; chúc cho Hòa sẽ đạt được ước mơ, cùng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ghi chép của: MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tuổi trẻ Quang Bình với phong trào khởi nghiệp

BHG - Bằng ý chí và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, những năm gần đây, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Quang Bình đã tích cực khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, tạo  việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

31/10/2019
Hoàng Tiến Cường khởi nghiệp từ nuôi giun quế

BHG - Thời gian gần đây, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ngày càng lan tỏa sâu rộng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Hoàng Su Phì. Một trong những mô hình khởi nghiệp hiệu quả đó là nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi tổng hợp của anh Hoàng Tiến Cường, sinh năm 1990, đoàn viên Chi đoàn thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì).

 

27/09/2019
Hoàng Văn Duy, thành công từ chăn nuôi gà thương phẩm

BHG - Trong những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế, khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình ngày càng được đông đảo giới trẻ hưởng ứng tích cực. Nhiều thanh niên với hai bàn tay trắng đã trở thành những tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi tại địa phương, điển hình trong phong trào này đó là mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của anh Hoàng Văn Duy, thôn Tân Bể, xã Tiên Yên (Quang Bình).

 

26/09/2019
Tập huấn kỹ năng quản trị kinh doanh và kết nối cố vấn khởi nghiệp

BHG - Sáng 26.9, tại Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), Tỉnh đoàn và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng quản trị kinh doanh và kết nối cố vấn khởi nghiệp cho hơn 40 đoàn viên, thanh niên có các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và quan tâm về khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

26/09/2019