Hoàng Su Phì - gỡ khó trong giải quyết việc làm cho người lao động

08:29, 10/10/2013

HGĐT - Qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện về giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ), trên địa bàn Hoàng Su Phì, con số thực hiện được, kém xa mục tiêu đề ra. Nguyên nhân, ngoài tác động của các yếu tố ngoại cảnh, vấn đề tính toán số liệu, xây dựng kế hoạch chưa sát với thực tế cũng có nhiều chuyện đáng bàn.


Tại thời điểm xây dựng nghị quyết (năm 2011), huyện nghèo Hoàng Su Phì có trên 12 nghìn hộ, 61 nghìn khẩu, trên 31 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 51% dân số. Cơ cấu lao động tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng do đặc điểm đất đai, khí hậu nên nông nghiệp chỉ sản xuất 1 vụ. Điều này dẫn đến áp lực việc làm cho lao động khu vực này rất lớn, bởi lẽ số người thiếu việc trong thời gian nông nhàn nhiều. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, huyện đã xây dựng Nghị quyết về giải quyết việc làm, XKLĐ với kỳ vọng tạo chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần lao động trong nông nghiệp; tăng thu nhập cho nhân dân; cải thiện, nâng cao đời sống cho lao động và hộ gia đình có người XKLĐ; mỗi năm đưa ít nhất 100 lao động đi xuất khẩu; khoảng 1.300 lao động được giải quyết việc làm tại huyện thông qua các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

 

Thực hiện Nghị quyết này, từ năm 2011 đến giữa năm nay, Hoàng Su Phì mở được 100 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 19 lớp tổ chức ở trung tâm huyện và 81 lớp học tại các xã. Ngoài ra, huyện còn liên kết với các trung tâm dạy nghề của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh, trường Cao đẳng Nghề, trường Trung cấp Nghề Bắc Quang hỗ trợ tổ chức các lớp dạy nghề tại địa bàn xã. Đến nay, có 3.383 lao động nông thôn được học nghề, trong đó trung cấp nghề 125 người, 3.258 người học nghề dưới 3 tháng. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề, học viên có thể tham gia làm việc tại các cơ sở, xí nghiệp hoặc tự lập nghiệp bằng nghề được học.

 

Đối với công tác XKLĐ, huyện đã giao các phòng chức năng tổ chức triển khai, thực hiện tuyển và đưa lao động đi xuất khẩu, làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các thủ tục hành chính như làm chứng minh thư nhân dân, cấp hộ chiếu, lý lịch tư pháp được ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh gọn, thuận tiện, kịp thời. Ban chỉ đạo XKLĐ huyện tăng cường phối hợp với cơ sở, tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người dân tham gia XKLĐ. Trong hai năm, đã có gần 2 nghìn lượt người tham gia tập huấn, nghe tuyên truyền XKLĐ.

 

Mặc dù đã rất nỗ lực, triển khai nhiều hoạt động, nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, nhưng kết quả đạt được còn rất khiên tốn so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Qua 2 năm triển khai, chỉ có 19 người đi làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc; số lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành trong cả nước cũng chỉ dừng lại ở hai con số - 65 người; có 2.617 người được giải quyết việc làm tại các công trình xây dựng, hoạt động dịch vụ, chế biến chè, làng nghề truyền thống... nhưng tính ổn định không cao, thu nhập còn thấp.

 

Tại hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết mới được tổ chức, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế, đồng thời chỉ ra những hạn chế: Kết quả XKLĐ không đạt so với chỉ tiêu đề ra. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XKLĐ chưa thực sự mang lại hiệu quả, việc hoàn thiện các thủ tục XKLĐ còn lúng túng; nhiều lao động sau khi học nghề xong, không tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong huyện. Bên cạnh đó, phần lớn lao động của huyện chưa qua đào tạo, chỉ tham gia được vào thị trường có thu nhập trung bình. Công tác giải quyết việc làm tại các xã, thị trấn chưa được chú trọng về giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động. Những lao động tạo được việc làm tại huyện chủ yếu thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp như kỹ thuật điện dân dụng, xây dựng, sửa chữa xe gắn máy. Còn lao động qua đào tạo nghề nông - lâm nghiệp chưa phát huy, vận dụng được kiến thức đã học vào thực tiễn hoạt động sản xuất, chăn nuôi của gia đình.

 

Quãng thời gian còn lại của giai đoạn 2011-2015 không nhiều, áp lực trong việc thực hiện Nghị quyết rất lớn, vì vậy huyện đã yêu cầu Ban chỉ đạo XKLĐ các xã, thị trấn, cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; lập danh sách theo dõi lao động thiếu việc làm, lao động có nhu cầu đi làm việc tại các doanh nghiệp, lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về có nhu cầu đi làm tại các doanh nghiệp trong nước, hoặc tiếp tục đi nước ngoài; cần định hướng cho số lao động đã học nghề để họ tự tạo việc làm tại chỗ, hoặc giới thiệu việc làm theo nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc xác định nghề học phải phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương, để người lao động phát huy hiệu quả; củng cố và có kế hoạch phát triển các làng nghề truyền thống...

 

Hy vọng các giải pháp đề ra sẽ hóa giải được những bất cập thời gian qua, để công tác giải quyết việc làm, XKLĐ theo tinh thần Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện được triển khai hiệu quả, thực sự tạo thành nguồn nội lực quan trọng cho sự phát triển của huyện nghèo Hoàng Su Phì.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trao tặng quà của Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) cho trường Tiểu học xã Tùng Vài (Quản Bạ)
HGĐT- Sáng 30,9, tại xã Tùng Vài (Quản Bạ), Đoàn cán bộ Trung tâm Y tế Quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) do đồng chí Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm dẫn đầu có chuyến thăm, tặng quà cho các em học sinh trường Tiểu học xã Tùng Vài. Cùng dự buổi tặng quà có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh.
30/09/2013
Tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới ở Pố Lồ
HGĐT - Pố Lồ (Hoàng Su Phì) - một xã biên giới, nghèo, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với xuất phát điểm thấp, nguồn nội lực yếu. Nhưng sau 3 năm, Pố Lồ đạt 5/19 tiêu chí. Điều mọi người cảm nhận rõ nét khi đến xã vùng biên Pố Lồ là đường làng khang trang, sạch sẽ, môi trường sống trong lành, văn minh, khuôn viên gia đình được sắp xếp ngăn nắp.
30/09/2013
Cháy mãi “ngọn lửa Trường Sơn”!
HGĐT - Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ, lớp lớp cha anh đã cùng nhau tình nguyện viết đơn ra trận, mở đường Trường Sơn đi cứu nước. Xuyên suốt Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây trong bom đạn, biết bao người con trai, con gái của cả nước, trong đó có Hà Giang đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Để đến hôm nay, ngọn lửa Trường Sơn, “con đường máu và
27/09/2013
Đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm hưởng bảo hiểm
LTS: Gần đây Báo Hà Giang nhận được một số thông tin từ Bạn đọc hỏi về chế độ chính sách khi đối tượng đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ năm công tác hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội. Để bạn đọc nắm được thông tin, Phòng Bạn đọc- Báo Hà Giang đã trực tiếp trao đổi với Phòng Chế độ BHXH tỉnh. Dưới đây là nội dung câu hỏi và trả lời bạn đọc:
27/09/2013