Chương trình 120 ở Mèo Vạc: “Bài toán” chưa có... lời giải

17:18, 24/09/2013

HGĐT - Với đặc thù là huyện biên giới nên việc thực hiện theo nội dung Chương trình 120 của Chính phủ luôn được Mèo Vạc coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để không chỉ giúp người dân yên tâm lao động sản xuất mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biên. Tuy nhiên, đối với chính quyền sở tại, chuyện sau khi hoàn thành xây dựng nhà nhưng không có người ở lại đang trở thành một bài toán chưa có lời giải...


Theo đó, huyện Mèo Vạc đã thực hiện quy tụ dân cư sống rải rác, vùng có nguy cơ sạt, lở về sống tập trung ở thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng. Tuy nhiên, trong tổng số 15 hộ gia đình được quy tụ thì hiện nay cũng chỉ có 2 hộ đang sinh sống, còn lại luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Thậm chí nhiều ngôi nhà bị gió lốc làm thủng mái không được sửa chữa khiến cảnh tượng chẳng khác gì “nhà hoang”. Còn nhớ cách đây không lâu, có dịp về Mỏ Phàng, được chứng kiến người dân xây dựng nhà trên mảnh đất được san ủi bằng phẳng, những ngôi nhà mới mọc lên khang trang, từng đường gạch phẳng phiu khiến ai nhìn cũng phải ấn tượng với “tay nghề” của những anh thợ xây người Mông nơi đây. Nhiều người còn tin tưởng đây sẽ là một “điểm sáng” trong việc quy tụ dân cư. Lúc đó, mỗi hộ được hỗ trợ 30 triệu đồng, có 13 hộ làm xong, còn 2 hộ đang chuẩn bị vật liệu và tiến hành thi công. Nay đã hoàn thiện xong nhà ở và bể nước 200 mét khối. Có thể nhận thấy, Chương trình 120 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ gia đình. Qua tìm hiểu, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình 120 ở thôn Mỏ Phàng, người dân đã rất đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình, nhiều hộ gia đình còn bỏ thêm tiền để xây nhà khang trang hơn. Thế nhưng, hiện nay hầu hết các ngôi nhà đều bỏ hoang lại đang đặt ra câu hỏi lớn về tính hiệu quả của công trình?!



Nhiều ngôi nhà trong Chương trình 120 ở thôn Mỏ Phàng không người ở, mái nhà bị hư hỏng không sửa chữa.
 

Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Phùng Vũ Văn Sơn cho biết: “Thượng Phùng là xã có tới 5 thôn giáp biên nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tương đối phức tạp. Bên cạnh đó do địa hình hiểm trở, nhiều hộ sống rải rác ở những nơi có nguy cơ sạt, lở cao nên việc nắm bắt địa bàn cũng gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, quy tụ dân cư về sống tập trung là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong hoàn cảnh người dân còn nhiều khó khăn”. Ngay từ khi thực hiện Chương trình 120, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu lợi ích mang lại và được bà con đồng tình ủng hộ. Vì thế việc xây dựng các hạng mục công trình không gặp nhiều khó khăn, nhà ở cơ bản hoàn thành trong năm 2012. Được biết, từ sự đồng thuận của người dân, xã Thượng Phùng đã tổ chức họp xóm và tiến hành cho người dân đăng ký cam kết chắc chắn về nơi ở mới sau khi hoàn thành nhà ở. Vậy vì sao hiện nay người dân vẫn không về nơi ở mới? Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tuy các hạng mục cơ bản như nhà ở, bể nước đã hoàn thành nhưng chưa đồng bộ. Quan trọng nhất là khó khăn về đường giao thông đi lại, chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh, điện vẫn... chưa có. Mặt khác, do thói quen sản xuất, sinh hoạt tại nơi ở cũ có nhiều yếu tố “giữ chân” người dân vì đã có chuồng trại, gần nương rẫy. Trưởng thôn Mỏ Phàng, Vừ Mí Hờ cho rằng: “Người dân ai cũng biết về nơi ở mới ngay gần chợ đầu mối chắc chắn sẽ phát triển nên ai cũng mừng. Nhưng nay chợ không hoạt động, bà con về không biết làm gì để ăn. Cũng giống như bỏ nơi ở cũ về chỗ mới nhưng chưa có chuồng trại thì không thể trông gia súc trong khi chuyện mất trộm trâu, bò vẫn còn diễn ra”.



Chợ đầu mối Thượng Phùng đi vào hoạt động vẫn đang là niềm mong mỏi của người dân địa phương.
 

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Hầu Minh Lợi cho biết: “Quy tụ dân cư theo Chương trình 120 ở thôn Mỏ Phàng luôn được huyện quan tâm sát sao. Đặc biệt, ngay sau khi giông lốc gây thiệt hại nhà cửa của người dân huyện đã hỗ trợ kịp thời để các hộ sửa chữa. Việc khắc phục hậu quả cũng như vận động bà con về nơi ở mới đang được huyện tích cực triển khai. Nằm trong lộ trình nâng cấp cặp cửa khẩu Săm Pun – Điền Bồng, huyện đang huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và đưa chợ đầu mối Thượng Phùng đi vào hoạt động. Như vậy có thể khẳng định việc quy tụ dân cư ở thôn Mỏ Phàng trong thời gian tới sẽ thực sự phát huyhiệu quả”.

 

Có thể tin tưởng vào những hiệu quả mang lại từ Chương trình 120 ở Mỏ Phàng trong thời gian không xa nhưng với một thực tế như hiện nay vẫn rất cần sớm có sự vào cuộc của chính quyền địa phương để nhanh chóng giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, tránh tình trạng “mang con bỏ chợ”!.

 


Bài, ảnh: KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi mới một vùng nông thôn
HGĐT - Là một thôn vùng cao, đặc biệt khó khăn của xã Thượng Sơn (huyện Vị Xuyên) nhưng thôn Bó Đướt có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, như suối nước nóng, chè Shan tuyết cổ thụ. Xã xác định cây chè là cây mũi nhọn cây có giá trị kinh tế cao, bởi đặc điểm chèthôn Bó Đướt có vị thơm ngon hơn các thôn khác ở xã.
24/09/2013
Xung kích tình nguyện chung sức cùng cộng đồng
HGĐT - Mỗi chuyến đi hoạt động tình nguyện, mỗi ngày ở cơ sở là một trải nghiệm thực tế của tuổi trẻ, là nơi để đoàn viên thanh niên được chia sẻ và cống hiến. Phát huy tính xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ; Công an Hà Giang luôn chung sức cùng cộng đồng, vì an sinh xã hội, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2013 theo 4 khối thi đua đã đem lại hiệu quả thiết thực,
24/09/2013
Vị Xuyên cấp phát 50 tấn gạo cho những hộ bị thiệt hại do bão lũ
HGĐT - Những ngày cuối tháng 9, huyện Vị Xuyên đã tiến hành cấp phát 50 tấn gạo cho 291 hộ với 1.337 khẩu của 6 xã bị thiệt hại do bão lũ là: Việt Lâm, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức.
24/09/2013
Thầm lặng vai trò hòa giải viên
HGĐT - Đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện, phòng ngừa vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở... đó chính là vai trò quan trọng đối với mỗi hòa giải viên ở thôn, bản trong nhiều năm qua.
24/09/2013