Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành, nghề nông thôn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011 – 2020”:

“Bức tranh quê” hội nhập với những “chiếc cần câu” thoát nghèo bền vững

08:45, 27/09/2012

HGĐT- Đến nay, toàn tỉnh có 13.732 cơ sở/hộ hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề nông thôn với tổng giá trị sản xuất 661,55 tỷ đồng; đóng góp khoảng 6%/năm tổng GDP của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn với mức thu nhập 1.940.000 đồng/người/năm...; trong đó, đã có 12 làng nghề được tỉnh công nhận...


Để tiếp tục tạo đà tăng trưởng của khu vực này, thông qua hoạt động hiệu quả từ các ngành, nghề; ngày 1.6.2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã ký Quyết định số 1026/ QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành, nghề nông thôn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011 – 2020”; do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư; với tổng vốn 11.834,1 tỷ đồng cùng quy mô thực hiện trên toàn bộ khu vực nông thôn tỉnh nhà. Riêng cụm cơ sở ngành, nghề đã được quy hoạch là 248 ha, tại 11 huyện, thành phố với tổng vốn đầu tư 297,3 tỷ đồng, theo Thông tư số 113/2006/TT-BTC, ngày 28.12.2006, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 60% tổng vốn dự án - cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh.

 

Có thể coi đây như một “bức tranh” tươi sáng của những làng quê dưới lũy tre trong xu thế công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn và tiến trình hội nhập, với nhiều chủng loại “cần câu” giúp nhà nông thoát nghèo bền vững.

 

Theo đó, mục tiêu tổng quát Đề án hướng tới là sử dụng hợp lý và nâng cao giá trị các nguồn tài nguyên, nguyên liệu tại chỗ để giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường; tạo chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, lao động khu vực này; khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề gắn khai thác tốt tiềm năng du lịch, mở rộng xuất khẩu; đồng thời, xây dựng các làng nghề mới có thế mạnh về nguyên liệu và triển vọng thị trường. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2011 – 2015 đạt 15,78%/ năm; giai đoạn 2016 – 2020 đạt 15,11%/năm; đến năm 2015 giải quyết được khoảng 50,7 nghìn lao động, đến 2020 con số này khoảng 67,2 nghìn. Lộ trình thực hiện được định hướng phát triển theo các giai đoạn: Từ 2011 – 2015, tập trung vào các nhóm ngành nông, lâm, thủy sản (chủ yếu chế biến thô); sản xuất vật liệu xây dựng; hàng thủ công mỹ nghệ; xây dựng, vận tải liên xã; phát triển một số ngành, nghề mới, trồng và chế biến, bảo quản cây dược liệu, hoa, cây cảnh, chế biến, bảo quản cây đậu tương, cây có dầu... Từ 2016 – 2020, chủ yếu chế biến tinh nông, lâm, thủy sản; phát triển cơ khí nông nghiệp; làng nghề truyền thống gắn du lịch cộng đồng và ngành, nghề dịch vụ công nghệ cao.

 

Có thể ví các nhóm ngành, nghề mà Đề án quy hoạch phát triển giống những “chiếc cần câu” giúp nhà nông thoát đói, nghèo bền vững và tự tin hội nhập từ chính nội lực:

 

1. Bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản:

Đến 2015, giá trị sản xuất đạt 164,07 tỷ đồng theo giá so sánh (tăng trưởng 18,4%/năm) và đến 2020 đạt 285,9 tỷ đồng (tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 đạt 15,03%/năm). Tới 2015, có khoảng 10,1 nghìn cơ sở tham gia nhóm ngành này, thu hút trên 15,6 nghìn lao động và đến 2020 có 11,2 nghìn cơ sở, thu hút gần 21 nghìn lao động.

 

2. Sản xuất vật liệu xây dựng, mây tre đan, dệt may và cơ khí nhỏ:

Đến năm 2015, giá trị sản xuất đạt 212,6 tỷ đồng theo giá so sánh (tăng trưởng 17,41%/năm) và tới 2020 đạt 395,2 tỷ (tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 đạt 13,20%/năm). Tới 2015, có khoảng 2.679 cơ sở, thu hút trên 5,7 nghìn lao động và đến 2020 có 3.570 cơ sở, thu hút gần 10,3 nghìn lao động.

 

3. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ:

Phát triển các sản phẩm hiện có của tỉnh như đồ gỗ có chạm, chạm bạc, làm khèn Mông... Đến năm 2015, toàn tỉnh có 60 cơ sở và tới 2020 có 90 cơ sở, thu hút khoảng 230 – 300 lao động.

 

4. Xây dựng, vận tải nông thôn và các dịch vụ:

Bao gồm các ngành xây dựng, vận tải và thương mại dịch vụ. Đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 352 cơ sở và tới 2020 có khoảng 595 cơ sở, thu hút từ 700 – 1.400 lao động.

 

5. Đào tạo, truyền nghề và tư vấn sản xuất, kinh doanh:

Giai đoạn 2011 – 2015, đào tạo nghề cho 75.000 lao động (cao đẳng, trung cấp nghề 7.500 lao động, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 67.500 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 15.000 lao động); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 45%, trong đó qua đào tạo nghề 36%.

 

Hệ thống dạy nghề công lập: Từ 2011 – 2015, hoàn thành nâng cấp trường Trung cấp Nghề tỉnh lên trường Cao đẳng Nghề; Trung tâm Dạy nghề các huyện Bắc Quang, Yên Minh và Vị Xuyên lên trường Trung cấp Nghề; hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở dạy nghề.

 

Hệ thống dạy nghề ngoài công lập: Khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh thành lập cơ sở dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động; ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

 

Nhằm đạt được các mục tiêu này, Đề án đã đưa ra các giải pháp và chính sách thực hiện cụ thể đối với từng lĩnh vực:

 

Vốn đầu tư: Huy động từ các nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia, hỗ trợ theo mục tiêu, cân đối ngân sách, sự nghiệp... Vốn sản xuất là một phần đóng góp của nhân dân cùng ngân sách Nhà nước.

Đào tạo nhân lực: Phương thức, thời gian đào tạo phù hợp từng đối tượng, phát huy đào tạo hợp đồng; cơ sở được hỗ trợ kinh phí đào tạo tại các trường Cao đẳng Nghề, Trung cấp Nghề và Trung tâm Dạy nghề. Khuyến khích mời Nghệ nhân truyền nghề cho lao động trẻ. Gửi lao động đến một số trường kỹ thuật có ngành, nghề địa phương đang phát triển để đào tạo theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khuyến khích các làng, cơ sở nghề truyền thống mở lớp đào tạo cho lao động địa phương và vùng lân cận. Lao động học nghề được hỗ trợ kinh phí; được vay vốn Chương trình Quốc gia giải quyết việc làm, thông qua Quỹ Khuyến công Quốc gia và Trung tâm Xúc tiến thương mại...

 

Chính sách: Quy hoạch mặt bằng thuận lợi cho các cơ sở được thuê đất hoạt động tại xã, hoặc cụm xã; miễn thuế thuê đất 3 – 5 năm đầu cho cơ sở mới thành lập nằm ngoài điều kiện hưởng ưu đãi về miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất áp dụng trong Luật Đầu tư; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án quan trọng. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng; tăng vốn tín dụng ưu đãi, chương trình kích cầu của Nhà nước; vốn ODA cùng nguồn tài trợ của các tổ chức Chính phủ và Phi Chính phủ; khuyến khích đầu tư nước ngoài và từ khu vực thành thị; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển ngành, nghề nông thôn. Những cơ sở được miễn thuế 3 – 5 năm (tùy thuộc loại nghề, sản phẩm), sau đó nếu thấy còn nhiều khó khăn, có thể tiếp tục xét giảm 50 – 70% thuế trong 2 – 3 năm tiếp theo; áp dụng khoán thuế hàng năm, thời hạn 3 –5 năm, để khuyến khích cơ sở mở rộng sản xuất trong thời hạn được khoán thuế. Hỗ trợ cơ sở trong các hoạt động xúc tiến thương mại theo các chính sách hiện hành. Các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả được hưởng ưu đãi theo Luật Đầu tư; được vay vốn Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm; được Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng và được hưởng chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng như của tỉnh.

 

Về khoa học-công nghệ, xử lý chất thải và vệ sinh, môi trường:

Chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu; các dây chuyền thiết bị quy mô nhỏ và vừa, từng bước thay thế công nghệ lạc hậu; hỗ trợ các công nghệ mới để tăng hàm lượng sản phẩm chế biến sâu, tiến tới xuất khẩu; tăng cường công tác khuyến nông và hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Đánh giá hiện trạng môi trường toàn bộ các cụm tiểu thủ công nghiệp – làng nghề, cơ sở sản xuất; kiểm soát nghiêm ngặt nguồn ô nhiễm; khuyến khích các cơ sở đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, hiện đại hóa công nghệ truyền thống theo phương châm kết hợp; tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở phát triển sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái sinh; đưa nội dung thẩm định tác động môi trường của các cơ sở, đặc biệt là cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng... trước khi cho phép hoạt động.

 

Nguồn nguyên liệu:

Tích cực triển khai các chương trình trọng điểm của ngành Nông nghiệp nhằm ổn định nguồn nguyên liệu; ưu tiên các nguồn nguyên liệu phát triển ngành, nghề thế mạnh; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn các nhà máy chế biến, khuyến khích người sản xuất nguyên liệu góp vồn (hoặc đóng cổ phần) với nhà máy, các nhà máy phải xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô và tính chất phù hợp; hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi cũng như sơ chế, vận chuyển sau thu hoạch.

 

Tổ chức sản xuất, thị trường và xúc tiến thương mại:

Tổ chức sản xuất: Khuyến khích và ưu tiên tối đa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, hộ sản xuất quy mô lớn...; đầu tư chiều sâu các mặt hàng chất lượng cao, từng bước xây dựng một thương hiệu chung của tỉnh, gắn chặt các chuyên gia, nhà khoa học, thiết kế vào khâu phát triển sản phẩm; xây dựng và phát triển các cụm cơ sở ngành, nghề, làng nghề trên cơ sở xác định nhu cầu thực tế...; khuyến khích và tạo điều kiện hình thành các mối liên kết giữa cơ sở sản xuất ở các thành phần kinh tế, thành lập một số Hội ngành, nghề cấp tỉnh...

 

Thị trường và xúc tiến thương mại:

Tổ chức mạng lưới tiêu thụ nội tỉnh trên cơ sở hệ thống chợ và các Trung tâm Thương mại, phát triển mạng lưới tiêu thụ dựa trên tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh; tăng cường quảng bá, tiếp thị và tổ chức các cuộc thi chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển các thị trường truyền thống ngoại tỉnh như: Hà Nội, Lai Châu, Yên Bái, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... đối với các mặt hàng và dịch vụ thực phẩm, rượu, vật liệu xây dựng; quảng cáo sản phẩm qua phương tiện thông tin đại chúng của Hà Nội, giao lưu liên kết kinh tế Lào Cai – Hà Nội và Hải Phòng... Thị trường xuất khẩu định hướng chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, châuu; xây dựng mối liên kết và giao lưu kinh tế, văn hóa với các thành phố có lịch sử lâu đời của các Quốc gia trên thế giới, như Kyoto (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc)...; tham gia xúc tiến thương mại tại các thị trường mục tiêu, các Hội chợ triển lãm chuyên ngành.

 

Xây dựng Bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm của tỉnh căn cứ tiêu chuẩn TCVN của Việt Nam và tham khảo áp dụng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu.

Nâng cao ý thức và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cơ sở sản xuất, làng nghề..., đặc biệt là thương hiệu gắn văn hóa, lịch sử Hà Giang...

 

Định kỳ tổ chức Hội chợ chuyên ngành; tổ chức cho các doanh nghiệp tiềm năng, cán bộ chủ chốt ngành khảo sát thị trường mục tiêu; xây dựng trang web, các tài liệu nhiều ngôn ngữcùng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, làng nghề; đồng thời, hỗ trợ Hiệp hội chuyên ngành tiếp cận thông tin thị trường cũng như hoạt động xúc tiến thương mại...

 

Các ngành, nghề nông thôn toàn tỉnh đã bắt đầu quá trình “lột xác” để khởi sắc; đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt ngay từ bây giờ của các cấp, ngành, địa phương, các binh chủng tuyên truyền, đặc biệt là sự chuẩn bị, sẵn sàng và tích cực, tự tin tham gia từ mỗi người dân trong khu vực, để nhanh chóng đưa Đề án vào cuộc sống.

 


PHAN THIẾT

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều lao động được tiếp cận thông tin thị trường tuyển dụng
HGĐT- Gần 3 nghìn người được tư vấn giới thiệu việc làm, trên 27 nghìn lượt người đã truy cập, tiếp cận thông tin thị trường lao động thông qua trang thông tin điện tử, hàng trăm lao động được đưa đi làm việc ở các doanh nghiệp ngoài tỉnh là con số thực sự ấn tượng, phản ánh nỗ lực rất lớn của Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TBXH) trong thời gian vừa qua.
27/09/2012
Lần thứ 2 Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang Đại hội đồng cổ đông (bất thường)
HGĐT- Như Báo Hà Giang đã đưa tin, ngày 5.9.2012, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Minh Nhâm, Trưởng ban kiểm soát, Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ 1 (bất thường) để thông qua báo cáo tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian qua, đồng thời chất vấn, đề nghị HĐQT, Ban Giám đốc, phòng Kế toán giải trình làm
26/09/2012
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong dịp Tết Trung thu 2012
HGĐT- Tết Trung thu đang đến gần, thị trường bánh kẹo trở nên sôi động. Vấn đề chất lượng các loại bánh, thực phẩm cũng là nỗi lo chung của người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Chi cục QLTT Hà Giang đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát kiên quyết loại trừ các mặt hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
26/09/2012
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential phối hợp với Báo Hà Giang tọa đàm giới thiệu loại hình bảo hiểm mới Phú – An lộc
HGĐT- Sáng 25.9, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential phối hợp với Báo Hà Giang tổ chức Tọa đàm giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, phát triển của Công ty cũng như giới thiệu loại hình bảo hiểm mới Phú – An lộc. Đến dự có đông đảo cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang và đại diện Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam Đại lý tại Hà Giang.
26/09/2012