Đến Mèo Vạc

17:14, 11/01/2010

HGĐT- Nói đến Mèo Vạc, mọi người sẽ nghĩ đến vùng đất đầy gian khó. Nhưng bù lại, tạo hóa cũng đã ban cho Mèo Vạc những vẻ đẹp và hùng vĩ của tự nhiên. Chính những nương đá tai mèo sắc nhọn, lạnh lẽo lại tạo nên những điều lý thú đối với du khách.


 
 Hồ treo Há Pống Cáy (Sủng Trà - Mèo Vạc) giải quyết tình trạng thiếu nước cho nhiều hộ dân trong khu vực.

Đá chồng đá, lớp lớp xám xịt như muốn nói lên rằng, những người dân nơi đây đời này qua đời khác chính là những chủ nhân anh hùng. Quả thật vậy, nếu không có sức sáng tạo và bản lĩnh, thì chắc chắn con người không thể sinh tồn và phát triển trên vùng sa mạc đá mênh mông này.


Ẩn chứa trong những thung lũng đá là sức sinh sôi đến kỳ diệu. Phải cuốc bộ qua những rặng đá tai mèo, leo những con dốc đứng và nếm những giọt mồ hôi mặn chát, ta mới có thể bắt gặp được những nếp nhà quần tụ, những bản làng trong những thung lũng đá yên bình. Trên nền đá xám ấy bật lên sức sinh sôi mãnh liệt của con người và vạn vật. Tạo hóa là vậy, bất kỳ một thử thách nào cũng có cách hóa giải và sự sống trên vùng đá Mèo Vạc chính là một điều lý giải mà ta phải đi tìm để biết rõ được về cuộc sống của người dân nơi đây.


Với rất nhiều dân tộc cùng chung sống, nhưng đông nhất vẫn là người Mông chiếm gần như cơ bản, rồi kế đến là người Lô Lô, người Dao, người Giấy… Vì thế, vùng đất Mèo Vạc cũng có thể coi là một bông hoa với những màu sắc sặc sỡ và lung linh. Sự đoàn kết, phát triển lâu đời của cư dân nơi đây đã tạo nên những bản sắc truyền thống hết sức độc đáo. Bởi vậy, nếu đến các làng bản vào mùa xuân, mùa lễ hội, không khó để có thể được nghe một điệu hát, một tiếng khèn, tiếng sáo Mông, điệu múa Lô Lô hết sức đầm ấm trong sắc hoa đào, hoa lê sáng rực. Giữa chợ tình Khau Vai 27.3 âm lịch, bát rượu ngô chếnh choáng trong cái lạnh đêm vùng cao cùng với sự thân tình, trọng bạn của người dân nơi đây làm nên những nét đặc trưng cho vùng đá biên cương…


Đến với Mèo Vạc, không thể bỏ qua những món ăn truyền thống như thịt lợn treo gác bếp, mèn mén, tẩu chúa, lại đầy bất ngờ bởi sự xuất hiện của các món rau xanh như rau cải, rau bí, rau su su, các món đậu… rất ngon, được trồng trên chính những nương đá khô cằn. Mèo Vạc còn là nơi có món thịt bò, thịt gà Mèo thơm ngon nổi tiếng. Nhận thấy được những thế mạnh và tiềm năng, những năm qua, với sự năng động của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã xác định mục tiêu đẩy mạnh chăn nuôi. Vì vậy, việc chăn nuôi bò, dê đã được phát triển khá mạnh. Vào các gia đình trong các làng, bản, nhà nào cũng có 1 vài chú dê, bò nhốt chuồng. Hình thức nuôi bò nhốt chuồng thường được gọi vui là “nuôi bò trên lưng”. Những nơi có điều kiện chăn thả tốt như xã Pải Lủng, trên xóm Mùa Lài Lủng cao ngất, nhiều hộ dân nơi đây là chủ nhân của những đàn dê, bò đông đúc, có những đàn dê của một gia đình nhung nhúc đến hơn 80 con. Buổi chiều tà, lũ dê, bò phục phịch đi về chuồng trong tiếng lục lặc đeo cổ rền vang cả một vùng.


Lên với Mèo Vạc, đâu chỉ có đến chợ tình Khau Vai, nếu không được dịp ghé qua một vài phiên chợ lẻ ở tuyến xã hoặc chợ huyện trong ngày chủ nhật thì có lẽ bạn sẽ chưa hiểu mấy về vùng đất này. Đặc biệt, phiên chợ huyện vào ngày chủ nhật quy tụ khá rõ nét bản sắc văn hóa của các cư dân trên miền đất này. Sau chợ trung tâm huyện là một chợ gia súc mới được hình thành vài năm trở lại đây. Chợ gia súc này có lẽ là duy nhất không chỉ của Hà Giang mà còn cả miền Bắc. Tuần nào cũng vậy, gia súc chính được mang đến đây là bò, dê, lợn, nhưng đa phần vẫn là bò. Bò Mèo Vạc dần được biết đến như một thương hiệu bởi sự thơm ngon của thịt. Chợ bò nổi tiếng đến mức mỗi phiên có hàng chục con bò mộng được xuất bán cho các thương lái đem về dưới xuôi phân phát cho nhiều vùng trong cả nước.


Đời sống phát triển, được sự quan tâm của Nhà nước, cái “khát” của vùng Mèo Vạc cũng dần được xua tan khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư cho Hà Giang 30 chiếc hồ treo. Mèo Vạc may mắn được đầu tư 9 chiếc hồ cộng với 6 hồ treo được đầu tư từ các nguồn vốn khác. Những chiếc hồ treo đang được đẩy mạnh thi công và có nhiều chiếc đã hoàn thành như điểm tô cho vùng sa mạc đá những chiếc mắt ngọc long lanh xanh biếc. Không chỉ riêng hồ treo, trên dòng Nho Quế trong xanh cũng đã được lập nên 3 dự án thủy điện, trong đó có 2 công trình đang được triển khai. Một trong số đó là thuỷ điện Nho Quế 3 được coi là công trình thuỷ điện lớn nhất của Hà Giang với 110MW và mới được ngăn dòng. Từ đó, hứa hẹn sẽ tạo nên những đổi thay tích cực, mang đến nhiều tiềm năng kinh tế, du lịch cho Mèo Vạc.


Hãy dành cho mình chuyến đi Mèo Vạc, sau những bước chân ngao du trên đá gập ghềnh, vượt lên đỉnh Mã Pì Lèng, một đại hùng quan thiên nhiên để thấy được 3 xã Sơn Vĩ, Xín Cái và Thượng Phùng của Mèo Vạc thăm thẳm lưng trời, thấy được ta nhỏ bé so với thiên nhiên và thấy được Tổ quốc ta thật đẹp.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thôn Bản Đả (Na Khê) hết nghèo nhờ trồng dưa hấu
HGĐT- Đến thôn Bản Đả, xã Na Khê (Yên Minh) thời điểm này, ai cũng ngạc nhiên bởi trong tiết Đông giá rét, khô hạn mà ruộng nương nơi đây không còn một thửa đất bỏ trống. Ni lông phủ trắng ruộng, dưới đó là dưa hấu, dưa chuột, bí xanh đang lên mầm xanh tốt. Nhờ biết trồng cây vụ Đông - xuân nên người dân nơi đây đã hết cảnh đói nghèo, nhiều hộ khá giả.
31/12/2009
Vì sự an sinh xã hội
HGĐT- Bảo hiểm xã hội (BHXH) là mộttrong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với người lao động, đồng thời nó cũng có một vai trò to lớn góp phần an sinh xã hội. Chính vì vậy, bước sang năm 2009, BHXH tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động để bắt kịp với yêu cầu chung của cả nước và đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, đa sắc tộc.
31/12/2009
Động lực cho nông dân thoát nghèo
HGĐT- Ông Phạm Quang Trung, Trưởng thôn Thái Hà , phường Ngọc Hà (TXHG) dẫn chúng tôi đến một số hộ gia đình trong thôn, như gia đình bà Đào Thị Vui, gia đình anh Nguyễn Bá Thảo, hay gia đình anh Nguyễn Duy Ninh… Đến đâu cũng thấy vườn rau xanh, vườn mía đang chờ thu hoạch; những chuồng lợn thịt, lợn nái với tiếng kêu ủn ỉn và tiếng gà nhảy ổ cục tác báo hiệu cho sự ấm no.
28/12/2009
Gặp mặt các nạn nhân chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam
HGĐT- Hội CCB tỉnh vừa có buổi gặp mặt 12 CCB bị nhiễm chất độc da cam/điôxin đi điều dưỡng, chữa trị tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Tới dự có lãnh đạo Hội CCB tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đại diện Làng Hữu nghị Việt Nam.
28/12/2009