Triển khai chương trình quy hoạch, bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh

10:32, 26/12/2009

HGĐT- UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Ngay khi có quy hoạch tổng thể, các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai các hạng mục, nội dung theo Quyết định 193. Việc triển khai Quyết định 193 trên địa bàn tỉnh đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống của người dân ở những vùng khó khăn.


 
 Khu vực sạt lở thuộc tổ 5, phường Nguyễn Trãi (thị xã Hà Giang) đang được đầu tư hệ thống kè chống sạt, lở. Ảnh: Thiên Thanh

Là tỉnh miền núi, địa hình Hà Giang bị chia cắt mạnh, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường và gây hậu quả nghiêm trọng. Khi thiên tai xảy ra, mức độ thiệt hại về người, tài sản rất lớn do đa số đồng bào các dân tộc thường sống rải rác trên những triền núi, bên cạnh các dòng suối, những vùng có nguy cơ sạt lở rất cao. Đến nay, tình trạng du canh, di cư cơ bản chấm dứt, các hộ dân đã yên tâm định cư lâu dài, đầu tư phát triển sản xuất nhưng điều kiện kinh tế của nhiều xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Bên cạnh đó, điều kiện đất đai của tỉnh chủ yếu là đồi, núi, rất hiếm đất sản xuất, rất khó tìm được mặt bằng bố trí các khu dân cư mới và mở rộng diện tích canh tác cho các hộ gia đình. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay tại các khu dân cư đang tồn tại nhiều vấn đề đáng quan tâm như: Nhiều hộ nằm trong khu vực dễ xảy ra hiện tượng sạt, lở núi đất, đá lăn, lũ quét, lũ ống; một số hộ thiếu đất ở, đất canh tác, không có thu nhập ổn định dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nhiều điểm dân cư ở phân tán, thiếu cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, văn hóa; hiện còn nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất... Do các khu dân cư của đồng bào dân tộc thường nằm trên địa hình cao, quy mô nhỏ, cách xa nhau nên rất khó đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội. Thực tế trên đòi hỏi cần có quy hoạch bố trí đất ở, đất sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm ổn định dân cư, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và AN-QP trên địa bàn tỉnh.


 
 Điểm sạt lở khu vực Tỉnh ủy (thị xã Hà Giang) đang được xây dựng kè chống sạt, lở. Ảnh: Vĩnh Phúc

Để ổn định dân cư, nhiều chương trình, mục tiêu Quốc gia đã được triển khai như: Chương trình di dân phát triển kinh tế mới; giãn dân nội vùng các dự án định canh định cư; Chương trình 134, 135, 120... Các chương trình này đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nông cụ sản xuất, khai hoang ruộng nương, xoá nhà tạm góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, do biến đổi của khí hậu, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra sạt, lở, lũ quét, lũ ống, ngập úng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống dọc theo ven sông, suối, cạnh núi cao. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân sống ở các vùng quản lý nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ, những vùng thiếu đất, nước sản xuất và sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng nên ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển bền vững và rất cần được tái định cư.


Trong giai đoạn 2007-2009, trên địa bàn tỉnh đã, đang triển khai thực hiện 11 dự án sắp xếp, bố trí dân cư thuộc đối tượng 193. Trong đó, huyện Hoàng Su Phì có 5 dự án, Xín Mần 2 dự án; các huyện Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Mê và thị xã Hà Giang, mỗi huyện triển khai 1 dự án. Tuy nhiên, việc triển khai trong giai đoạn này vẫn hoàn toàn tiến hành tự phát theo diễn biến cụ thể vùng xảy ra sạt, lở của từng địa bàn. Trước thực trạng phân bố dân cư và nhu cầu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống của người dân, tỉnh ta đã lập Dự án quy hoạch tổng thể bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng giáp biên, vùng di cư tự do, vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Vùng quy hoạch tổng thể được triển khai trên địa bàn 11 huyện, thị với tổng vốn đầu tư trên 1.284 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2008 - 2015. Theo đó, trong vòng 8 năm sẽ bố trí, sắp xếp tái định cư và ổn định đời sống cho 18.830 hộ với 94.451 khẩu. Trong đó, có 5.081 hộ thuộc đối tượng thiên tai (88 hộ thuộc đối tượng sạt, lở ven sông; 475 hộ bị ảnh hưởng lũ quét, lũ ống; 4.218 hộ sạt, lở đất đồi, núi; 300 hộ ngập úng); 12.979 hộ thuộc đối tượng đặc biệt khó khăn về đời sống; 655 hộ thuộc đối tượng di dân biên giới; 27 hộ nằm trong vùng xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; 88 hộ thuộc đối tượng có nguy cơ di cư tự do hoặc đã di cư nhưng không ổn định.


Tại các điểm nằm trong vùng quy hoạch, bố trí dân cư, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ lương thực, phát triển sản xuất, khai hoang ruộng nương... Trên cơ sở khảo sát, kết hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện KT-XH, đặc điểm dân cư của từng vùng, từng dân tộc, bố trí ổn định dân cư trong giai đoạn 2008-2015. Cụ thể, bố trí ổn định tại chỗ 12.603 hộ; xen ghép vào các khu dân cư đã có 4.860 hộ; tập trung thành các điểm dân cư mới theo mô hình nông thôn mới 1.367 hộ. Song song với việc bố trí sắp xếp dân cư là các giải pháp quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, tổ chức thực hiện. Dự kiến nhu cầu đất ở, đất đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tái định cư là 279,2 ha; khai hoang, tạo nương thành ruộng, tạo nương cố định trên 1.289 ha.

Việc triển khai Dự án quy hoạch, bố trí dân cư là điều kiện để ổn định dân cư, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đây cũng là cơ sở phát triển KT-XH, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trong vùng; góp phần thay đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là đối tượng hộ cần bố trí sắp xếp lại. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ cho sản xuất và phúc lợi xã hội, người dân sẽ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó còn góp phần nâng độ che phủ rừng, tạo ra và giữ các nguồn sinh thuỷ, cải tạo môi trường sinh thái trong vùng.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực triển khai có hiệu quả các dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Như chúng ta đã biết, Hà Giang có 6 huyện nằm trong 61 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do đặc điểm địa hình và các yếu tố tự nhiên khác nên Hà Giang hình thành 3 vùng rõ rệt: Vùng cao núi đá gồm 4 huyện phía Bắc gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, phân bố dân cư không tập trung do địa hình, tập quán; dân tộc Mông chiếm đa số, hầu hết
26/12/2009
Người dân bản hạ sơn Khau Vạc dần ổn định cuộc sống
HGĐT- Xã Du Tiến (Yên Minh) có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi đất, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt, lở đất là rất lớn. Điều này có thể thấy qua trận lũ lịch sử năm 2004 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản đối với xã.
26/12/2009
Quận Cầu Đất (Hải Phòng) tặng quà xã Bản Phùng
HGĐT- Vừa qua, đoàn đại biểu quận Cầu Đất (thành phố Hải Phòng), do đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND quận Cầu Đất làm trưởng đoàn, đã đến thăm và tặng quà cho xã Bản Phùng, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Hoàng Su Phì.
26/12/2009
Tổng Công ty Giấy Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ huyện nghèo Hoàng Su Phì
HGĐT- Ngày 24.12, đoàn công tác của Tổng Công ty Giấy Việt Nam do ông Võ Sỹ Dẩng, Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn, đã lên thăm và trao tặng hàng hỗ trợ cho huyện Hoàng Su Phì.
26/12/2009