Vàng Chá Thào - “Ngọn đuốc” sáng giữa bản làng

15:05, 23/12/2022

BHG - Trong “cuộc chiến” bài trừ hủ tục, xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh là một trong những lực lượng tiên phong. Nơi miền đá Phố Cáo (Đồng Văn), nghệ nhân dân gian, NCUT Vàng Chá Thào được ví như “ngọn đuốc” giữa bản làng.

Nghệ nhân Vàng Chá Thào (người cầm Khèn) tuyên truyền nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Nghệ nhân Vàng Chá Thào (người cầm Khèn) tuyên truyền nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, có 19 dân tộc cùng sinh sống; mỗi dân tộc có nền văn hóa khác nhau, tạo nên bức tranh đa sắc màu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều tập quán đã không còn phù hợp và trở nên lạc hậu, trở thành “rào cản” cho sự phát triển chung của cả cộng đồng và cần loại bỏ. Với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, phấn đấu để người dân Hà Giang có đời sống vật chất no đủ, có nếp sống văn minh, ngày 10.5.2021, BTV Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Chỉ thị số 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, giai đoạn 2021-2025; ngày 1.5.2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27 về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là những định hướng vô cùng đúng đắn, kịp thời, góp phần đưa Hà Giang phát triển và hội nhập.

Những năm qua, NCUT trên địa bàn tỉnh phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển KT-XH, giữ vững AN-QP, giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua vai trò, tiếng nói của NCUT, một số hủ tục đã được bài trừ, tư duy của người dân dần đổi thay. Người đi đầu, góp sức đẩy lùi hủ tục ở Phố Cáo phải kể đến ông Vàng Chá Thào, sinh năm 1965 - người con của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Giống như nhiều đứa trẻ khác, ngày nhỏ ông được theo học thổi khèn Mông và các bài cúng. Đến năm 13 tuổi, ông đã trở thành thầy dạy khèn, 18 tuổi thành thạo các bài cúng của dân tộc mình. Năm 1986, ông tham gia công tác tại xã Phố Cáo, trải qua nhiều chức vụ như: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã; Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn; Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian huyện Đồng Văn. Ông rất am hiểu về người Mông và văn hóa dân tộc Mông. Hiện, ông tham gia Tổ tư vấn, sưu tầm các giá trị văn hóa dân tộc của tỉnh; là tác giả của 3 đề tài nghiên cứu tại bảo tàng tỉnh: Lễ đặt tên; lễ vào nhà mới; nguồn gốc cây khèn Mông.

Ông Vàng Chá Thào chia sẻ: “Trong suốt quá trình công tác, tôi nhận thức rõ những cái cần thay đổi trong văn hóa của đồng bào. Đặc biệt, sau khi tham gia một đám tang, tôi thấy thời gian diễn ra quá lâu, quá tốn kém nên đã nung nấu muốn làm gì đó để cải tiến, thay đổi. Năm 2015, BTV Tỉnh ủy ra Chỉ thị 30 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, trên cơ sở đó, BTV Huyện ủy Đồng Văn ra Chỉ thị 08 về xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang. Tôi cùng với cấp ủy, chính quyền xã Phố Cáo tuyên truyền cho thầy cúng, trưởng dòng họ những gì phải bỏ, những gì cần giữ”.

Ông Thào còn có thời gian ở xã Lũng Phìn khi đó là “điểm nóng” về truyền đạo trái phép, lấy uy tín của mình để nói chuyện với người dân và 6 tháng sau, số người theo đạo đã quay trở lại sinh hoạt bình thường theo phong tục địa phương. Ông còn chủ động tới các đám ma, đám cưới để xem người dân tổ chức và tuyên truyền, vận động bỏ việc rườm rà. Ông Thào tâm sự thêm: “Sống ở thời kỳ giao thoa văn hóa nên nhận thấy rõ hủ tục ban đầu xuất phát từ văn hóa truyền thống của bà con. Ví dụ như quan niệm để người chết lâu ngày không chôn cất là do con cái nghĩ rằng cha, mẹ đã chịu 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, nên khi mất muốn cha, mẹ ở lại lâu hơn với con cháu… Tuy nhiên, theo thời gian, tập quán ấy không còn phù hợp, cần phải thay đổi để hướng tới cuộc sống văn minh hơn”. Vì vậy, đến nay, khi đã nghỉ hưu, là NCUT tiêu biểu của huyện, ông thường xuyên đi các xã mạn đàm về văn hóa, phong tục của đồng bào. Năm 2022, ông nhận lời mời của Ban Dân vận Tỉnh ủy lên lớp tại 3 huyện vùng cao để nói chuyện về phong tục, tập quán của bà con. Tuyên truyền cho bà con rút ngắn thời gian, không mang theo trâu, bò, dê khi tổ chức đám cưới, đám ma; hướng dẫn các thầy cúng rút ngắn bài cúng…

Đồng chí Vừ Mí Dính, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo cho biết: Trước đây, người dân thường truyền nhau câu nói sau mỗi đám tang “Phải nghèo 3 năm mới trở lại bình thường” vì những hủ tục đã dẫn đến cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng. Ông Thào là người am hiểu tường tận văn hóa truyền thống của đồng bào Mông và cũng là người có tiếng nói trong cộng đồng nên đã giúp cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Toàn xã Phố Cáo có 12 dòng họ, đến nay đã có 7 dòng họ cho người chết vào áo quan; 16/18 thôn rút ngắn thời gian đám tang; 95% đám cưới thực hiện văn minh. Từ khi hủ tục được xóa bỏ, đời sống người dân từng bước nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn Dương Ngọc Đức cho biết: Sau khi tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, huyện Đồng Văn lựa chọn đội ngũ nghệ nhân dân gian, NCUT là lực lượng nòng cốt, đi đầu cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền cho nhân dân. Đối với nghệ nhân Vàng Chá Thào, mỗi cuộc nói chuyện ông đều lấy ví dụ một cách thực tế, chính xác nên mọi người rất tin tưởng và nghe theo. Không chỉ tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn về xóa bỏ hủ tục, ông còn định hướng cho họ lối sống hiện đại, văn minh, giúp người dân thay đổi nhận thức; góp phần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang: “Đồng bào phải chú ý vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động sản xuất mới tốt”.

Với những cống hiến không ngừng, năm 2019, ông Vàng Chá Thào được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Trước đó, khi là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phố cáo, ông được nhận Bằng khen của BTV Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 30; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 25 về công tác tôn giáo.

Có thể nói, “bóng đen” của những hủ tục suốt hàng trăm năm đã bao trùm lên các thôn, bản vùng cao. Nghệ nhân Vàng Chá Thào được ví như “ngọn đuốc” sáng làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây. Ông thực sự là một “chiến binh” đúng nghĩa trong “cuộc chiến” loại bỏ hục tục, xây dựng nếp sống văn minh. Những nghệ nhân như ông Vàng Chá Thào đã góp phần tích cực trong công cuộc đưa Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh:  MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công nhận xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đạt tiêu chí đô thị loại V
BHG - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công nhận xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đạt tiêu chí đô thị loại V.
23/12/2022
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường
BHG - Bạo lực học đường (BLHĐ) trong xã hội hiện nay liên tục xảy ra, là nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, gây tổn thương về tinh thần và thể xác, để lại hậu quả nặng nề cho học sinh (HS). Giải quyết tình trạng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực trong HS, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
22/12/2022
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023
BHG - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, ngày 21.12, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn số 4173/UBND-KTTH gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan T.Ư trên địa bàn tỉnh; Ủy ban MTTQ VN tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; UBND các huyện, thành phố. 
22/12/2022
Thành phố Hà Giang xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư
BHG - Với sự vào cuộc của các cấp, ngành và sự hưởng ứng tích cực của người dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở thành phố Hà Giang có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội.
22/12/2022