Đời sống vùng đồng bào Mông thêm khởi sắc

16:27, 22/11/2019

BHG - Là dân tộc chiếm tỷ lệ lớn nhất, với trên 32% dân số toàn tỉnh, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt từ khi triển khai Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 23.9.1994 của BCH T.Ư Đảng về một số công tác ở vùng dân tộc Mông; đến nay, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đã có những tiến bộ rõ rệt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào được duy trì và phát huy.

Phụ nữ Mông xã Bản Péo (Hoàng Su Phì) thi thêu hoa văn truyền thống.
Phụ nữ Mông xã Bản Péo (Hoàng Su Phì) thi thêu hoa văn truyền thống.

Đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh ta sống tập trung ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá phía Bắc và 2 huyện vùng núi đất phía Tây, với 4 nhóm, gồm: Mông trắng, Mông hoa, Mông xanh và Mông đen. Đồng bào Mông thường sinh sống tập trung thành dòng họ, chính vì vậy, văn hóa người Mông ở tỉnh ta được bảo tồn và phát huy rất tốt. Cùng với đó, người Mông có tính cần cù, chịu khó, siêng năng và đặc biệt là tâm lý cố kết dòng tộc rất mạnh nên dù sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng đồng bào vẫn kiên trì bám trụ, đoàn kết xây dựng quê hương.

Tuy nhiên, phần lớn đồng bào Mông sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, nên nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt. Trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Bên cạnh đó, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng đồng bào Mông có nhiều biến động, phức tạp; vẫn còn một số tập tục cần cải tiến trong tang ma, cưới xin và vấn đề bình đẳng giới…

Thực hiện Chỉ thị 45 của BCH T.Ư Đảng, tỉnh ta đã quán triệt và cụ thể hóa bằng các văn bản, như: Nghị quyết số 08 của BTV Tỉnh ủy về hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm; Chương trình “Một mái nhà, một bể nước, một con bò”; trong đó, đồng bào Mông cũng là đối tượng được thụ hưởng; ban hành các văn bản tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, trở thành cuộc vận động lớn, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, giúp đồng bào xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế; Đề án 09 của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, giai đoạn 2017 – 2020…

Đến nay, sau 25 năm thực hiện Chỉ thị của BCH T.Ư, các công tác dân tộc trong vùng đồng bào Mông tỉnh ta được triển khai kịp thời, hiệu quả; góp phần cải thiện đời sống của đồng bào. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã mở nhiều lớp bồi dưỡng chữ viết và tiếng Mông cho cán bộ, công chức, viên chức với hàng nghìn lượt người tham gia. Qua đó, đã trang bị kiến thức về ngôn ngữ, giúp đội ngũ cán bộ công tác cơ sở vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Mông. Trong thực hiện chính sách người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ 2012 – 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt 11.697 lượt người có uy tín, bố trí kinh phí trên 21,4 tỷ đồng thực hiện các chính sách liên quan.

Đối với chính sách định canh, định cư, tỉnh đã bố trí lồng ghép nhiều nguồn vốn thực hiện các dự án, như: Định canh, định cư xen ghép đã hoàn thành 4 dự án cho 247 hộ, với số vốn 12,4 tỷ đồng; đối với dự án định canh, định cư tập trung đã thực hiện 10 dự án cho 439 hộ với tổng số vốn trên 86 tỷ đồng; trong đó, có 4 dự án tập trung đầu tư riêng cho người Mông tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc… Từ đó, đã giúp các hộ ổn định chỗ ở, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Công tác tôn giáo trong vùng đồng bào Mông cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm; triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình tự quản về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo như: Làng Mông kiểu mẫu, điểm nhóm Tin lành tự quản về an ninh trật tự, dòng họ văn minh không tội phạm tệ nạn xã hội… Qua đó, đã giúp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng người Mông được duy trì ổn định.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 45 và những dự báo tình hình vùng dân tộc Mông trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách, giúp đồng bào Mông phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định đời sống; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực người Mông gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào; đi đôi với đó là chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông…

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lê Viết Công và những bữa cơm có thịt cho học sinh miền núi

BHG - Tháng 10 năm nay, Lê Viết Công thực hiện bữa cơm có thịt đầu tiên của năm học 2019 - 2020 tại các điểm trường Cốc Càng, Gì Thàng, Lủng Pô, Cốc Đông, xã Chế Là (Xín Mần) và 5 điểm trường tại xã Thanh Vân, Cán Tỷ (Quản Bạ). Những bữa cơm ấm lòng, tiếp tục hành trình đưa cơm có thịt đến với những em nhỏ thuộc các điểm trường còn nhiều khó khăn trên địa bàn 2 huyện Xín Mần, Quản Bạ.           

22/11/2019
Trao tặng 10 máy tính cho Trường PTDT Nội trú Mèo Vạc

BHG - Ngày 21.11, trong chuyến nghiên cứu thực tế tại tỉnh Hà Giang, Lớp Bồi dưỡng ngạch Chuyên viên cao cấp khóa XIII - 2019, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã đến thăm và tặng quà Trường PTDT Nội trú huyện Mèo Vạc. Đoàn đã thăm, giao lưu văn nghệ tìm hiểu đời sống sinh hoạt, học tập của học sinh của trường

22/11/2019
Xác minh thân nhân liệt sỹ hi sinh trong trận đánh phố Ghẽ (Hải Dương) năm 1946 – 1947

BHG - Vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn số 3966/UBND-VP về việc xác minh thân nhân thờ cúng liệt sỹ hi sinh trong trận đánh phố Ghẽ (Hải Dương) thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1946 – 1947.

22/11/2019
Hội thảo thực trạng kết hôn trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em

BHG - Ngày 21.11, tại Nhà khách Hà An, Sở Lao động – TB&XH phối hợp với tổ chức Plan tại Hà Giang tổ chức Hội thảo thực trạng kết hôn trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em và chia sẻ kế hoạch triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

 

22/11/2019