Vải lanh – sản phẩm văn hóa độc đáo trong đời sống người Mông ở Mèo Vạc

08:01, 24/10/2013

HGĐT- Nói đến người Mông ở Mèo Vạc là nói đến một cộng đồng dân tộc có nền văn hoá rất phong phú, giàu bản sắc và có truyền thống từ lâu đời. Trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông, bên cạnh một số nét văn hóa đặc sắc thì có lẽ vải lanh là một sản phẩm đặc trưng, chứa đựng một ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự độc đáo không thể pha trộn.


        

                         Giặt vải lanh.      Ảnh: Đỗ Bình (TTXVN)


Huyện Mèo Vạc có 16 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Mông chiếm 78% dân số. Nếu như đàn ông dân tộc Mông có tài khéo léo biểu diễn với cây khèn độc đáo thì phụ nữ Mông lại giỏi nghề làm lanh, may áo váy, thêu dệt thổ cẩm. Hầu hết người con gái Mông cũng đều biết tự trồng lanh, dệt vải, may áo cho mình. Quần áo vải lanh với hoa văn tinh tế không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo của người Mông. Gắn liền với sự phát triển của đồng bào Mông nơi đây thì nghề dệt vải lanh là không thể tách rời. Cho đến tận hôm nay, nghề dệt vải lanh vẫn tiếp tục được lưu truyền và phát huy bản sắc, như một minh chứng về giá trị thẩm mỹ của một dân tộc giàu văn hóa. Chính vì thế, khi đến với Mèo Vạc, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Mông lưng đeo quẩy tấu, chân đạp đá núi nhưng đôi tay chai sần vẫn miệt mài với công việc nối, cuộn sợi lanh. Tuy đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng người Mông vẫn giữ cho mình bản lĩnh kiên cường. Dù “sống trên đá, chết nằm trong đá” nhưng “vẫn anh hùng vượt khó đi lên” và có ý thức về việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Với người Mông ở Mèo Vạc, vải lanh không chỉ đơn thuần chứa đựng tính thẩm mỹ mà nó còn chứa đựng về quan niệm tâm linh riêng biệt. Bởi người Mông vẫn luôn nhớ rằng “chỉ có mặc vải lanh mới không lạc tổ tiên”.

 

Cây lanh chiếm một vị trí quan trọng trong cả đời sống thường nhật cũng như đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Bởi đó chính là chất liệu làm nên bộ trang phục truyền thống của đồng bào nơi đây. Người Mông biết cách tận dụng thiên nhiên làm nét đẹp của thổ cẩm thông qua việc lấy những sản phẩm có từ thiên nhiên để chế tác. Ðó là cây lanh cho sợi dệt, cây chàm cho màu nhuộm. Ðể có được tấm vải đẹp, người Mông phải nhuộm lanh, phơi lanh, làm đi làm lại hàng tháng trời, bền bỉ và kiên nhẫn. Vì thế mà người Mông thông qua khả năng thêu, dệt thể hiện trên những bộ trang phục để đánh giá tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ. Để làm ra được một tấm vải lanh, người phụ nữ Mông thường tranh thủ lúc nhàn rỗi, bởi để hoàn thành một tấm vải lanh phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi hạt lanh được gieo trồng đến độ thu hoạch được cắt thành từng bó rồi đem phơi. Bó lanh được phơi nắng khoảng 1 đến 2 tuần là vừa đủ. Đặc biệt, để làm cho sợi lanh được dai, mềm, người phụ nữ Mông lại phải mang bó lanh ra phơi sương nhiều ngày. Sau đó, vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm và được người phụ nữ Mông nối với nhau một cách khéo léo. Sợi lanh phải được nối dài và tuốt đều, không tạo thành mấu ở chỗ nối. Sau đó, người ta mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn tròn và mang đi giặt. Để làm cho sợi lanh trắng, người Mông cho lanh vào luộc bằng nước tro đến khi lanh mềm, trắng thì mang ra phơi rồi guồng chia sợi. Lúc này, những sợi lanh đã xoắn kết lại thành một sợi dài và rất dai. Lanh được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải lớn. Khung cửi dệt vải lanh khá đơn giản, được đồng bào tự làm bằng các vật liệu tự nhiên. Người dệt thể hiện sự khéo léo thông qua kết hợp của cả bàn chân và đôi tay. Sản phẩm được làm ra tùy theo trang phục nam hoặc nữ mà người Mông có những hoa văn riêng biệt. Thường thì vải lanh nhuộm chàm đen dùng để may váy. Bên cạnh những trang phục trên, họ dùng vải lanh để may một số vật dụng khác sử dụng trong gia đình...

 

Để phát huy nghề truyền thống đặc sắc này, huyện Mèo Vạc thường lồng ghép vào các ngày lễ hội, tạo thành một cuộc thi để không chỉ động viên tinh thần người dân mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa độc đáo. Đó là cơ sở để huyện tiếp tục phát huy tính đậm đà bản sắc văn hóa ở địa phương.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

54 năm Con đường Hạnh phúc (10.09.1959 - 2013)
Lời Tòa soạn: Những năm 50 của thế kỷ XX, có một câu chuyện như­ huyền thoại về mở đ­ường đi đến ấm no hạnh phúc đã hơn 50 năm không phải ai cũng biết đến; điều mà tác giả muốn gửi đến các bạn như­ một thông điệp và lời biết ơn, kính trọng của các thế hệ sau đối với các thế hệ cha, ông đã góp thêm một kỳ tích vào thế kỷ XX - một con đ­ường mang tên Hạnh Phúc
30/09/2013
Thìa gỗ nhà đám
Truyện ngắn: Chu Thị Minh Huệ
30/09/2013
Bí thư Tỉnh ủy thăm lớp truyền dạy kỹ năng thổi và múa khèn Mông
HGĐT- Ngày 22.10, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm lớp truyền dạy kỹ năng nghệ thuật thổi và múa khèn Mông do Sở VHTT&DL phối hợp với UBND huyện Đồng Văn tổ chức tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Cùng đi có đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sèn Chỉn Ly,
23/10/2013
Sơ kết xây dựng huyện điểm văn hóa Bắc Quang, giai đoạn 2006 – 2013
HGĐT- Ngày 20.10, tại huyện Bắc Quang đã diễn ra Hội nghị sơ kết xây dựng huyện Bắc Quang thành huyện điểm văn hóa (HĐVH), giai đoạn 2006 – 2013. Đến dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía Bộ VHTT&DL có đồng chí Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc...
21/10/2013