Thìa gỗ nhà đám

09:39, 30/09/2013
                                                        Truyện ngắn: Chu Thị Minh Huệ

Mình chưa bao giờ tự nói lời cho mình. Khi là đàn bà một con mình vẫn chưa biết đến tình yêu. Phủ gắn bó với mình như một nghĩa vụ. Vì của hồi môn mình mang theo từ họ Sùng quá lớn, cộng với của hồi môn của đứa con dâu họ Vàng này nữa nên mình không được yên. Bây giờ mình đang rất muốn nói lời cho chính mình mà không mở lời được. Đã là đàn bà qua hai lần goá, là con dâu nhà này bao nhiêu năm mình không nghĩ gì đến của hồi môn đã dùng vào việc gì, còn bao nhiêu bạc, bao nhiêu thuốc. Giờ mình muốn ở yên trong nhà này, làm cháu dâu hay con dâu, cũng không có gì khác, giờ mang thân phận gì cũng không sao. Mình muốn đi địu nước và nấu rượu nốt phần đời còn lại.

 

Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành bà chủ của cái dinh này. Ngày trước là Dịp, ngày sau là Phủ, cũng chưa ai nghĩ đến việc thay cha làm chủ vùng này. Vậy mà mọi người cứ sắp đặt cuộc sống của hai đời chồng mình, để thành ra ai cũng chưa được làm gì đã bị hại chết.

Phủ à, anh là con trai dòng Vàng, là cậu chủ vùng Đồng Văn. Phủ làm chồng tôi mà không sống để tôi nhờ. Tôi và anh sống với nhau trong dinh thự này nhưng không khác những người khác. Mẹ Ba nhà anh, thân là đàn bà mà tham vọng quá lớn. Con trai của mẹ Ba còn nhỏ mà đã được sắp chỗ ngồi là chủ chính của dinh. Ai cũng biết điều đó, nhưng có ai tranh giành đâu chứ. Tất cả chúng ta không ai so đo với em, với mẹ Ba, vậy mà đều không thoát được chén nước độc của bà. Giờ tôi biết làm sao, kể tội mẹ Ba hay âm thầm chịu đựng nỗi tủi hận của đứa đàn bà cao số hại hai đời chồng, rồi sẽ hại cả nhà chồng?

Nói với bố chồng thì không đủ lý lẽ và cũng không đủ bằng cớ. Đành chịu thôi. Nhưng chịu liệu có được không? Rồi đây mình muốn làm thân con ngựa già cũng không được. Mình đã là cái gai nhọn mọc ra khỏi cành rồi. Người ta phải bẻ đi nếu không muốn bị đâm thủng tay.

Có lúc mình muốn bị tống ra khỏi nhà Vàng, làm thân con chó ghẻ bị xua lên rừng, như thế dù không biết đi đâu thì cũng tránh được chén thuốc độc.

Đã rất nhiều đứa đàn bà Mèo ăn lá ngón để chết đi cho hết nghĩ, mà sao mình chưa từng muốn chết. Thật lạ là mình lại chưa từng muốn chết, mặc dù đúng là có lúc mình thấy mình khổ hơn con chó, nhục nhã hơn con chó, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến cái chết.

Nhớ cái ngày về làm dâu nhà này. Trời hôm ấy mưa. Cô dâu là mình ngồi trên lưng ngựa, che cái ô to tướng, nhưng mưa vẫn hắt ướt hết váy. Ngựa vừa đi vừa thở phì phì, lội bì bõm qua những vũng nước. Đi trước ngựa, là một thằng trai. Thằng trai cao lừng lững, vai bè như cánh cửa. Thằng trai cắm cúi đi, chốc chốc quay lại quát ngựa khi nó định dừng dưới một tán cây ven đường. Mỗi lần quay lại quát ngựa, mình lại nhìn thấy cái mặt ướt sũng, dưới chiếc mũ nồi rách một lỗ. Cái mặt vuông, râu ria mọc lởm chởm. Về đến cổng nhà chồng, thằng trai đỡ mình xuống ngựa. Mình đã vịn vào vai nó, một cái vai cứng như đá, nóng như than bên dưới lớp áo tà pủ ướt sũng. Nóng bỏng tay. Nhưng vẫn không bỏng bằng ánh mắt. Ô, thật là bất kính. Thằng dắt ngựa lại dám nhìn cả vào mắt cô dâu nhà chủ.

 Và đứa đàn bà là mình không đành lòng bỏ con trai yếu ớt mà đi. Mình đi rồi, ngày một ngày hai nó cũng sẽ được một chén thuốc độc. Có khi cũng tốt, nhưng dù tốt hơn bây giờ thì mình cũng chưa bao giờ muốn vậy.

Mình biết Vàng không muốn đứa con dâu này chết. Cháu trai, con trai chết rồi, nhà nát rồi, Vàng vẫn cố duy trì cái họ này. Song nếu mình chết, Vàng sẽ mất nhiều hơn những gì đã mất. Cha mình – chúa đất vùng Đường Thượng sẽ không nghe Vàng nói lý về cái chết của mình. Ông sẽ làm phản, ít ra ở một vùng. Ông sẽ đòi lại “hạt lanh đẹp” đã gả cho dòng họ danh giá nhất vùng đá. Không đòi được ông cắt tình thông gia thì thế mạnh của Vàng sẽ yếu đi rất nhiều.

Chính vì vậy mà mẹ Ba cũng không thể hại được nên mình càng khổ. Làm thân đàn bà rất khổ, thân đàn bà là vật kết giao còn khổ gấp vạn lần.

 

*

Đây là lần thứ hai mình chịu tang chồng. Mình đã từng thấy vinh hạnh khi được làm cháu dâu của Vàng. Chồng là cháu được ở với vua Mèo từ nhỏ nên không khác gì con trai. Dịp là thằng con trai bao nhiêu đàn bà vùng này mơ ước. Là vợ Dịp như được làm thân con ngựa trắng. Dịp là bao nhiêu nương bằng, bao nhiêu thuốc tốt. Được Dịp là được trăm ngàn con ngựa tốt. Vùng này chỉ mình xứng với Dịp. Mình là công chúa con quan, là tiên nữ một vùng, bởi là con Chúa đất. Mình lấy chồng có mang theo của hồi môn đủ để mỗi bước chân mỗi bước nhạc. Dịp và mình là đôi chim gù chim gáy hát vang một vùng. Đôi mình sẽ nắm tay nhau chảy chợ thong dong trên chính cõi trần chứ không cần mơ đến cõi tiên. Nhưng đúng là câu ca đã vận là vận đúng chứ không cho chệch. “Đôi ta nắm tay nhau chảy chợ thong dong, khạc nhổ xuống trần con đường nóng bỏng…”. Để ta phải buồn như thân con châu chấu đói. Dịp đi gặp tổ tiên rồi không đợi mình cùng nắm tay chảy chợ thong dong.

Dịp đi làm mình khổ. Vàng đã đưa mình về làm dâu thì không thể để sang tay nhà khác được. Vàng có con đường rất tốt để giữ mình là tục nối dây. Thực không thiếu điều gì làm đau khổ cho đàn bà hơn điều này. Mình không cần hồi môn. Mình muốn trở về làm con gái mẹ yêu. Đứa con trai mình xin mang về Đường Thượng để cả đời làm con ngựa không chủ, nhưng nào có được thoả lòng.

Bởi đã là vật kết giao, Vàng bắt mình lấy em chú họ - con của Vàng. Mình được làm thân đàn bà danh giá hơn, từ cháu dâu trở thành con dâu Vàng. Bây giờ mình mới thực sự là mặt trời sáng rỡ. Dịp đã từng thích câu “mặt nàng trắng như mặt trời”. Mình là mặt trời của Dịp, giờ lại sang làm mặt trời của Phủ.

Nhưng mặt trời không toả sáng mãi mãi. Giờ mặt mình có khi còn đen hơn mặt trâu Hán. Không phải là “khi ta yêu nhau, tôi trông mặt cô trắng như mặt trời. Giờ cô đi lấy chồng tôi trông mặt cô đen như mặt trâu Hán”, chỉ là tự thấy mặt mình giống như hai vế của câu ca mà thôi.

Dãy phản gỗ dài như đường mòn xếp đầy mèn mén, thắng cố, rượu ngô. Ai đến cũng ăn đủ hai bữa mới về. Cứ ra đám nương trước cổng ngồi một chỗ cầm cái thìa gỗ để sẵn xúc một thìa mèn mén, rồi múc một thìa thắng cố mà ăn. Rượu cạn lại tràn. Mèn mén vơi lại đầy. Thắng cố hết lại thêm. Mấy ông việc bếp không thể nghỉ trong đám ma nhà Vàng. Khách viếng vùng trên vùng dưới, khách bản xa bản gần, khách quen và không quen đều phải đến.

Cái thìa gỗ qua mồm bao nhiêu người. Trẻ già, lớn bé, trai gái đều cầm đến thìa gỗ cho no bụng để còn vào khóc đám. Lúc nào ngót bụng lại ra đám nương cầm thìa gỗ mà ăn.

Thìa gỗ mấy ngày chẳng cần rửa. Đêm cũng không cần dọn phản ăn. Đám người giúp việc càng cần ăn. Thầy chỉ đường, thầy kèn, thầy khèn đều phải ăn. Mấy ngày rồi, ai đồ mèn mén cứ đồ. Ai đun thắng cố cứ đun. Ai uống cứ uống và ai ăn cứ ăn. Mình cũng phải ăn, cũng cầm đến cái thìa gỗ mà đút vào mồm. Lợm giọng quá! Từ bé vẫn ăn bằng thìa gỗ, vậy mà hôm nay lại có cảm giác này. Vì là lần thứ hai ta thành gái goá. Thật đúng là số hổ vồ.

 

*

Mấy ngày nữa là đến ngày thứ mười ba của Phủ. Vàng đã định làm ma khô ngay sau ngày mười ba. Sao phải vội thế chứ, mình có muốn ra khỏi nhà này đâu. Cũng không muốn quên Phủ thì cớ gì phải làm ma khô nhanh như vậy. Con trai chết rồi cũng hết tình luôn. Làm ma khô để cắt đứt mọi liên hệ đây mà. Sau lễ ma khô thì không phải nghĩ nhiều đến con trai nữa. Lấy danh nghĩa để mình đỡ buồn, đỡ áy náy về cái chết của chồng ư? Mình có buồn, nhưng người khác mới phải áy náy. Người ta vội làm lễ này để hồn Phủ gặp được tổ tiên mà đi đầu thai kiếp khác, để người ta an lòng rằng dù hại anh nhưng cũng đã đưa về nguồn cội. Những việc đó chỉ có thầy chỉ đường mới biết, còn tự lòng ai nghĩ thế nào thì thành ra như vậy.

Trong khi làm lễ ma khô mẹ Ba lại trốn đi với đám lính. Đàn bà là giống hổ cái. Ngửi thấy mùi đực mới là không chịu được. Tự bà ta đi tìm chứ chưa đợi chúng đi ve gái. Đám lính trước chuyển lời đám lính sau. Đứa nào lên cũng phải được ngửi mùi bà Ba thì mới gọi là lính dõng cao nguyên. Bản chất ve gái được thoả mãn, lại được thoả mãn với người đàn bà có tiếng thì thằng nào chẳng thích.

Mình chán nhìn vẻ mặt lẳng lơ, chán nghe những chuyện lẳng lơ của mụ ta lắm rồi. Nhưng cả vùng này chỉ mình mụ sống thoải mái. Những người đàn bà khác chỉ biết vùi đầu vào củi, vào cỏ, vào nồi mèn mén, nồi rượu, nào ai biết đến niềm vui khác. Lúc nào cũng nghĩ phải thế này, phải thế kia. Sao không ai nhìn đến bà Ba nhà này chứ. Người đàn bà đầu tiên trên vùng đá muốn gì được nấy.

Mình là thứ đàn bà bỏ đi. Mình không nói được lời cho mình thì nên sống cho mình chứ. Cứ sống mãi như đã từng sống buồn lắm. Hai đời chồng cũng chẳng còn ai, thì giờ chẳng cần vì ai. Mạng mình không ai quẳng đi được. Mình là người tự do, miễn là không ra khỏi dòng họ này thì làm gì cũng không ai nói được.

Mình sẽ thử sống như mẹ Ba. Sẽ chẳng ai dám nói lời xấu sau lưng. Lẳng lơ sao? Cái từ đàn bà vùng này mới biết đến. Ai cũng bảo mẹ Ba nhà này như vậy. Nhưng như vậy là sướng mà. Ăn đâu, nằm đâu có ai dám nói vào mặt. Đàn bà lẳng lơ. Đàn bà hổ vồ. Chẳng sao cả. Muốn không bị hổ ăn thịt thì phải để cho nó vồ. Nó vồ rồi quen mùi, quen hơi sẽ không làm gì nữa, rồi mình sẽ quay lại vồ chúng. Mình cần làm điều khác những điều từ trước đến giờ vẫn làm.

Muốn sống như mẹ Ba thì phải bắt đầu từ những việc bà ta đang làm. Hôm qua bà đã lên Phó Tráng. Ở đó thật vui. Nhiều người biết vậy, mình sẽ thử.

Nhưng mẹ Ba đúng là hổ cái già. Đứng kia làm gì chứ? Biết mình muốn gì sao? Mình đang ăn mặc đẹp, lại muốn đi tự do, tránh đường này thì tốt hơn. Chạm mặt bà ta thì biết nói là đi đâu chứ.

Mình vòng đường nhỏ, qua nương đậu sẽ đến ngay phố chợ, chẳng cần qua đường này làm gì. Đám đậu tương vàng xuộm chưa ai thu. Nương này gần, bao giờ cũng được thu sau cùng. Nhưng mặt mình vàng hơn cả nương đậu. Sao chứ? Sao không là màu hồng hay đỏ tía lên cũng được. Mình có xấu hổ không? Có chứ! Đây là việc mới mẻ đầu tiên mình muốn làm mà. Việc này sẽ biến mình thành con người khác để không dễ bị sắp đặt. Mình làm được một lần thì sẽ làm được nhiều lần. Đã làm được thì không ai trong cái dinh kia dám nói ta, kể cả mẹ Ba kia.

Nhưng… “Mẹ…. làm gì thế?”

- Không phải hỏi. Tôi đang muốn hỏi con dâu làm gì mà đến chỗ này?

- Đi chơi.

- À, giỏi thật! Biết chỗ này là chỗ nào mà chơi?

- Mẹ cũng đi chơi đây thôi.

- Này, tôi đi làm việc cho ông nhà. Có nhìn thấy những lỗ châu mai kia không? Bọn lính thấy người lạ lại bắn cho một phát thì chết à.

-  Tôi không phải người lạ.

- Thôi, không phải nói nhiều. Về đi. Tôi biết con dâu lên đây làm gì rồi. Đàn bà cả, thằng Phủ mới chết không lâu cô đã động lên thế không được đâu, phải giữ cho ông Vàng, cho cả dòng họ này chứ. Về đi!

- …!

Mình muốn nói qúa. Muốn cãi mấy câu, nhưng thực sự cái mặt vàng màu đậu tương thật xấu hổ. Bà ấy đoán được điều mình muốn. Mình đi đường thẳng đã chặn, vòng đường bé cũng đứng đón. Đồ đàn bà vồ hổ. Đấy! Mình cũng chỉ chửi thầm được câu cửa miệng. Giá như có thể nói vào mặt câu ấy thì tốt quá, rồi sau ra sao thì ra.

Mình đành ôm nỗi xấu xa quay về. Bà ta cũng đi đường lớn về dinh. Hôm nay cả bà ta cũng không được thoả mãn rồi sẽ phát cuồng. Sẽ lồng lộn như con hổ cái già bị hổ cái trẻ cướp hổ đực. Bố chồng là Thống lý một vùng, nhưng con hổ đực già này không đủ sức làm thoả mãn hổ cái.

Nhưng mình đúng là ngắn nghĩ. Mình không nghĩ ra điều gì, cũng không làm được việc mới, vậy mà bà ta đã nghĩ ra cách để chặn con đường mòn chật hẹp của mình.

Vàng tối nay lại gọi mình vào hậu dinh cơ đấy. Lần đầu tiên mình được phép vào hậu dinh. Nhà này chỉ có bà ta ra vào đó tự do, vì lo việc cho Vàng. Vậy mà mình lại đang được gọi vào. Mình đã từng ở nhà bên Đường Thượng không phải là bé, cái hậu dinh này cũng không phải to, nhưng nó mang uy quyền đối với bất kỳ ai đặt chân vào. Không hiểu Vàng đã tạo ra điều đó bằng cách nào. Hay do những hồn ma bị phạt vạ còn luẩn quẩn trong này làm cho nó u tịch. Mình sợ khi bước chân vào đây, bởi điều xấu đang chờ.

Điều hiển nhiên là mẹ Ba đang ở trên sập. Cái sập đen khói thuốc phiện, trông nặng hơn và nó kéo đầu mình trĩu xuống.

- Quỳ ở đó, đợi ông tỉnh thuốc đã.

Bà ta ra lệnh thay Vàng mỗi khi mở đầu một việc gì đó. Điều này ai cũng biết và tức. Nhưng biết làm thế nào, Vàng còn đang say thuốc thì phải chờ thôi. Sao bắt quỳ? Mình đã làm gì sai nào? Mình lên Phó Tráng là sai sao? Thế thì bà sai bao nhiêu lần? Mà mình chưa lên đến nơi, đã bị chặn rồi. Mình muốn cãi, muốn đứng, không muốn quỳ.

- Có nghe không đấy?

Lời như ma ác. Mình không chịu được, không thể cãi nhau với ma ác, vì những con ma ác ngụ chỗ này quá nhiều. Mình là con gái Chúa đất, là con dâu Thống lý mà phải quỳ sao? Cái lạnh đá lát chạy đến tim, đến óc làm nát lá gan, đứt cuống tim. Giá như chết ngay được lúc này thì tốt. Mình muốn vồ lấy cục thuốc sống kia mà nuốt cho quả tim không đập nữa. Nhưng điều đó là không thể, bà ta ngồi đó, chắn ngay trước hộp thuốc.

Vàng tỉnh nhưng không muốn nói, muốn để mẹ Ba thay lời. Ai nói cũng vậy thôi, là việc gì thì cũng bàn trước với Vàng rồi, đã định sẵn sẽ nói gì, làm gì rồi.

Định phạt mình à? Phạt đánh đòn? Ôm cột đá? Nhốt chuồng ngựa? Quá lắm là đuổi ra khỏi nhà, không cho đòi của hồi môn. Không cho đem của hồi môn, nhưng cho đem theo con trai thì cũng được. Nhưng chắc chả thế, không biết mẹ Ba đang nghĩ gì.

- Con dâu à!...

Sao không nói nữa đi? Ngập ngừng làm gì? Nghĩ xem gọi mình là con dâu có xứng không à? Là mẹ chồng dạy con dâu à? Không xứng nên còn ngập ngừng đây. Dù sao thì cũng phải nói, bà ta chỉ cần một phút đuổi cái xấu hổ đi là có thể làm được mọi việc.

- Con dâu à! Con trai Phủ chết rồi, nhà ta buồn quá. “Con trai chết cửa nhà tan nát hết”, con dâu biết điều đó mà. Ông nhà ta buồn quá mà không nói lên lời. Ta nghĩ cho con dâu quá. Đàn bà chúng ta khổ trăm đường chưa hết. Nay con trai chết, ta thương con dâu ở một mình buồn khổ mà sinh bệnh. Ta muốn cho con dâu một đường mới để đi. Ông và ta tính rồi, để con làm vợ thằng Thào Chứ là tốt nhất.

- Cái gì chứ?

- Con sẽ không bị thiệt. Nhà ta sẽ để con và thằng Chứ ở trong nhà này, không phải dọn ra ngoài đâu.

Ới giồ, cách nghĩ này mình không bao giờ nghĩ ra. Cả ông bố chồng này cũng không thể nghĩ ra. Thế mà khi nghe đến câu ở trong nhà này, không phải dọn ra ngoài ông ta đã ngóc cái đầu dài như đầu rắn dậy mà nói: “Sẽ không để thằng Chứ dọn chuồng ngựa nữa, cho nó lên gác cổng để đỡ bẩn”.

À, Vàng là con hổ già rụng răng. Thân mình đỡ bẩn hay ông đỡ bẩn? Lại nghĩ được cách cho mình làm vợ thằng mồ côi, thằng mất gốc, thằng dọn chuồng ngựa bẩn thỉu cơ đấy. Đẩy mình từ người được chào thành người phải chào đây.

Cho mình đỡ bẩn thì ông bẩn hơn thôi. Mình và Chứ không phải hay không được dọn ra ngoài ở? Sẽ ở trong phòng dành cho người ở để không mang đi của hồi môn. Bạc, thuốc phiện, chăn áo của mình làm ông ta bẩn hơn, thay cho mình đỡ bẩn vì cứt ngựa.

Tự dưng mình thấy buồn cười, mình cố nín nhưng tiếng cười vẫn lọt qua miệng. Bà Ba không giấu nổi kinh ngạc:

- Cười gì thế?

Mình lắc đầu, càng buồn cười hơn.

Bà Ba lẩm bẩm:

- Điên rồi chắc?

Bà Ba không biết, phải, bà ta chẳng biết gì cả. Về cái ngày mình được đón về làm dâu nhà này, về cái hành động bất kính mà thằng trai dắt ngựa dám làm, là nhìn đắm đuối vào mắt cô dâu. Cái nhìn ấy đã theo mình biết bao ngày, bao tháng, cái nhìn như ngọn lửa cháy mãi trong những đêm dài rét buốt.

Phải, thằng trai ấy chính là thằng Chứ dọn chuồng ngựa này đây. Mình muốn nói, bà Ba ơi, bà tính toán mãi về việc vứt cái thìa gỗ này vào chỗ nào, cuối cùng bà cũng vứt nó vào đúng chỗ của nó rồi đấy.

Đúng là mình muốn nói với bà Ba như thế đấy.

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo tồn, phát huy giá trị làn điệu hát Then – cách làm hiệu quả ở Tân Thành
HGĐT- Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng nói, chữ viết và những làn điệu dân ca, những câu hát, điệu múa... mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Để bảo tồn và phát huy những giá trị làn điệu hát Then, nhất là những làn điệu hát Then cổ của người Tày, những nghệ nhân thôn Tân
30/08/2013
Mê hoặc tiếng “hí” trên sới đấu
HGĐT- Giữa khoảng không trùng điệp của núi rừng, “chàng” tuấn mã tung những pha ra đòn quyết liệt, tất cả chỉ nhằm mục đích chiến thắng đối phương và giành quyền tiếp cận “nàng ngựa hoa hậu” đang được cột dây đứng... chờ. Không chịu đầu hàng đối thủ, “đấu sĩ” quay lại hí một tiếng vang trời, rồi lao vào... “tình địch”. Tất cả bắt đầu...
30/08/2013
Tự hào con đường mang tên “Hạnh Phúc”
HGĐT - Có lẽ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta không chỉ được viết lên bởi những chiến công lẫy lừng chấn động địa cầu mà còn được thế giới biết đến, ca ngợi về huyền thoại mở những con đường. Và một trong số đó, chính là con đường mang tên “Hạnh Phúc”.
26/09/2013
Tưởng niệm 713 năm ngày mất Trần Hưng Đạo
Sáng ngày 24- 9 (nhằm ngày 20 tháng Tám, năm Quý Tỵ), tại đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc và hàng nghìn du khách long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 713 năm ngày mất Trần Hưng Đạo.
25/09/2013