Từ Lễ cúng rừng đến việc bảo vệ rừng của người dân Bản Nhùng

16:38, 21/08/2013

HGĐT - Khi con gà cất tiếng gáy đầu tiên trong thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì cũng là lúc người dân nơi đây chuẩn bị xong mâm lễ cúng thần rừng, một lễ cúng mang đậm nét văn hóa độc đáo của dân tộc Nùng và rất hiệu quả trong việc bảo vệ rừng của người dân nơi đây. Với mong muốn cầu cho gia đình, người thân không ốm yếu, bệnh tật, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu... Mà lễ cúng này đã có từ bao đời nay được gìn giữvà phát huy đến tận bây giờ.



Một Lễ cúng rừng độc đáo

 

Chúng tôi đến Ma Lù Súng khi mặt trời chưa ló, những giọt sương còn đọng lại trên lá lúa xanh của những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ trải dài như làn sóng men theo các sườn núi. Bỏ lại sau lưng chặng đường khó khăn từ trung tâm xã đến thôn Ma Lù Súng, trước mắt chúng tôi là khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ to sừng sững hiên ngang, bảo vệ cho những người dânhiền lành, chất phác nơi đây.

 


                                   Thầy cúng đang làm lễ

Lễ cúng thần rừng của người dân Ma Lù Súng được tổ chức trong một ngôi miếu rộng chừng 8m2 đơn sơ, xung quanh miếu là những cây gỗ to quanh năm mát mẻ. Người dân ở đây chỉ biết miếu này có từ rất lâu rồi, hằng năm miếu vẫn được bà con đóng góp tiền tu sửa để cho thần rừng trú ngụ mỗi khi người dân làm lễ cúng rừng.

 

Thời gian tổ chức Lễ cúng thần rừng là vào ngày thìn đầu tiên của tháng 2 và tháng 7 âm lịch hằng năm. Lễ cúng bao gồm một con lợn, 3 con gà và 2 con ngan. Trước khi mổ các con vật này thầy cúng thắp hương và xin thần rừng, xin xong rồi mới đem đi giết mổ. Sau khi mổ xong sắp nguyên cả con cùng với nội tạng bày lên mâm cúng. Người Nùng quan niệm rằng con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm, chính vì vậy trên mâm cúng gồm có 12 cái chén, 12 đôi đũa và 12 cái bát. Lễ vật cúng đều được bà con trong thôn đóng góp, ngoài ra mỗi gia đình còn mang theo 5 que hương và 1 tờ giấy bản.

Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ cúng, thầy cúng thắp 5 nén hương mời các vị thần linh về dự lễ cúng của dân làng. Sau đó thầy cúng sẽ đọc tên tất cả các dòng họ trong thôn để thần rừng bảo vệ cho họ tránh khỏi những tai ương, điềm xấu trong cuộc sống.

 

Đến nơi diễn ra lễ cúng thần rừng, tất cả những người đến tham dự phải tuân thủ theo một số tục lệ mà người dân ở đây đề ra đó là phải bỏ dép đi chân đất để tỏ lòng tôn kính đối với thần rừng. Không được nói tục, chửi bậy, không được tiểu tiện bừa bãi. Phụ nữ không được đến gần miếu nơi bày lễ cúng.

 

Người Nùng quan niệm, sau khi ăn no thần Rừng sẽ quay trở về nơi cũ. Vì vậy, lúc này thầy cúng phải thực hiện một nghi lễ nữa, đó là cúng một bài đưa tiễn thần Rừng về. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng cùng mọi người quây quần bên nhau để hưởng lộc, ăn cơm tại nơi cúng. Có một nét độc đáo đó là khi thụ hưởng lễ, cứ gắp ăn 1 miếng thì phải gắp thêm 1 miếng thức ăn khác cho vào túi đã được chủ hộ chuẩn bị sẵn để mang về cho những người thân ở nhà.

 

Để tỏ lòng kính trọng với Thần Rừng thì ngày hôm sau người dân trong thôn phải kiêng kỵ như: Không ai đi làm gì, không chặt cây, không ai cuốc đất, nếu vi phạm phải mang lễ vật đem ra miếu cúng tạ lỗi.

Sau khi cúng thần rừng xong, thầy cúng và những người có uy tín trong thôn sẽ lấy 6 cái chân của 3 con gà, bóc hết da và thịt, đem ra xem, nếu thần rừng phù hộ thì người dân trong thôn phải kiêng 1 ngày, còn khi thần không phù hộ thì phải kiêng 2 ngày.

 

      
          Nhờ có Hương ước của thôn Ma Lù Súng, nên rừng ở đây còn rất nhiều cây gỗ to và quý hiếm

Bảo vệ rừng hiệu quả

 

Theo đồng chí Lù Thanh San, Bí Thư Đảng ủy xã Bản Nhùng cho biết: Toàn xãhiện nay có 451,3ha rừng phòng hộ, 364,4 ha rừng sản xuất. Xã có 8 thôn, bản đều có phong tục lễ cúng thần rừng, từ nét truyền thống này mà rừng ở đây được bảo về khá tốt, nhiều cây gỗ to, quý hiếm vẫn còn nguyên, không ai được phép khái thác như Pơ mu, Ngọc am, Lát... Điều đặc biệt đó là công tác quản lý và bảo vệ rừng được người dân các thôn, bản đưa vào Quy ước, Hương ước của thôn nên ai cũng chấp hành, chẳng hạn như: Cây trong rừng là để phục vụ nhân dân trong thôn, khi nhà nào có nhu cầu khai thác phải họp thôn và được sự nhất trí của mọi trong thôn đó. Trưởng thôn sẽ hướng dẫn cho hộ gia đình đó làm đơn xin cấp phép khai thác gửi UBND xã, khi được phép rồi thì người dân mới được chặt cây mang về. Còn nếu nhà nào tự ý chặt một cây từ rừng về thì theo Hương ước của thôn thì nhà đó phải trồng một cây mới, chăm sóc cây đó lớn lên. Ngoài ra, phải mổ lợn, mổ gà đến miếu cúng thần Rừng, nhận lỗi với thần Rừng. Chính vì có những việc làm thiết thực, gắn với trách nhiệm của người dân nên rừng ở xã Bản Nhùng nói chung và thôn Ma Lù Súng nói riêng được bảo vệ rất nghiêm.

 

Có thể khẳng định, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Nùng ở xã Bản Nhùng nói riêng và Hà Giang nói chung, tục cúng thần Rừng của người Nùng còn mang một ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, đó là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống xung quanh con người... Với ý nghĩa như vậy, tục cúng rừng của người Nùng ở xã Bản Nhùng là một trong những nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy.


Bài, ảnh: Lê Lâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo tàng Chứng tích lọt vào tốp hấp dẫn nhất châu Á
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã được trang web TripAdvisor bình chọn vào tốp 5 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2013.
31/07/2013
Chặng đường vinh quang
HGĐT - Ngày 1.8.1930, Ban cổ động tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phát hành tài liệu tuyên truyền đại cương “Ngày quốc tế đỏ 1-8”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức.
31/07/2013
BTC Hoa hậu Dân tộc Việt Nam báo cáo kết quả minh bạch
BTC cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 đã có cuộc làm việc, báo cáo kết quả cuộc thi Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2013 với Ủy ban Dân tộc. Theo đó, tính minh bạch của cuộc thi một lần nữa được khẳng định.
29/07/2013
Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông: “Dù khó khăn cũng khẩn trương tu sửa khu phố cổ Đồng Văn”
HGĐT- Đó là ý kiến chỉ đạo trọng tâm của Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông trong buổi kiểm tra thực tế tình trạng xuống cấp của những ngôi nhà cổ trong khu phố cổ thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) vào chiều 23.7. Cùng đi có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo huyện Đồng Văn.
24/07/2013