Làng Văn hóa du lịch - những vấn đề cần quan tâm

08:15, 23/07/2013

HGĐT- Trong những năm qua, cơ chế thị trường mở ra đã nhanh chóng hoà nhập với nền kinh tế thương mại Quốc tế, không riêng gì tỉnh ta mà ngành du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho nhiều vùng miền trong cả nước.



    Nhà sàn truyền thống tại thôn Thanh Sơn (Vị Xuyên) phục vụ khách du lịch.

Sự kiện tổ chức Unesco công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu; Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là di sản văn hoá đã trở thành động lực cho “ngành công nghiệp không khói” ở tỉnh nhà phát triển. Đó là nền tảng để mỗi xã, mỗi huyện và toàn tỉnh có quy hoạch cụ thể cho ngành du lịch, dịch vụ trong cộng đồng 22 dân tộc ở các vùng miền tham gia hoạt động kinh tế du lịch hiệu quả.


Kể từ khi Đảng và Nhà nước ta “Đổi mới nền kinh tế đất nước” đã gần 27 năm, Hà Giang đã đi từ “không đến có”, vượt lên chính mình mở ra một nền kinh tế đa thành phần, phù hợp với vùng miền, phù hợp với các dân tộc và những tập quán canh tác của từng dân tộc nhằm phát triển hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã nêu rõ “Ngành du lịch là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế bền vững”. Thực hiện các Nghị quyết cũng như định hướng phát triển kinh tế địa phương, nhiều huyện, nhiều xã đã xây dựng “Làng văn hoá du lịch”, nhất là từ khi thực hiện chương trình “Xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ. Có thể nói, có rất nhiều “Làng du lịch” ra đời trong thời điểm hiện tại và cũng không thể phủ định sự thành công của mỗi “Làng du lịch” của từng địa phương, ít nhiều đã mang lại việc làm cho nhiều lao động, khơi gợi lại truyền thống văn hoá, truyền thống dân tộc cả về văn hoá vật thể và phi vật thể.


Từ Làng du lịch văn hoá trên Lũng Cú của người dân tộc Lô Lô, người Mông, làng du lịch văn hoá ở phố cổ Đồng Văn, làng du lịch của người Tày ở Phương Độ, Phương Thiện thuộc thành phố Hà Giang, làng du lịch văn hoá của người Dao ở Nậm Mu huyện Bắc Quang, hay làng du lịch văn hoá của người Pà Thẻn ở Tân Bắc huyện Quang Bình... Thông qua những hoạt động cụ thể của từng làng du lịch văn hoá đã phần nào giới thiệu một cách tổng quan với khách du lịch trong nước và nước ngoài biết đến Hà Giang, biết đến các dân tộc, đời sống tinh thần và vật chất của người dân vùng đá. Tuy nhiên khi nhìn lại, chúng ta không khỏi băn khoăn về các Làng du lịch văn hoá và sự phát triển bền vững của nó, khi những làng du lịch văn hoá đó không đủ điều kiện hay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.


Chỉ đơn cử đi khắp thành phố Hà Giang không thể tìm ra một quầy hàng giới thiệu và bán đồ lưu niệm Công viên địa chất toàn cầu hay Di tích bậc thang Hoàng Su Phì ngoài Trung tâm giới thiệu du lịch tại sở Thương mại và Du lịch tỉnh, cùng một số dịch vụ lẻ tẻ tự phát của những hiệu ảnh, không có những “giới thiệu” tổng quan hay sơ lược, không phục vụ cho ngành kinh tế du lịch. Rồi những Làng du lịch văn hoá hay du lịch cộng đồng cũng không thực sự tập trung được những nét văn hoá của dân tộc ấy. Ví dụ như ở Làng du lịch văn hoá Thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang của dân tộc Tày. Đây chỉ là tu bổ lại một số nhà ở của người dân tộc Tày và quy hoạch lại làng bản, nhưng thiếu đi cái vốn văn hoá phi vật thể, ẩm thực thì pha trộn, không có đủ những yếu tố cơ bản cho văn hoá một tộc người, hay bản địa phát triển. Hay ở Làng du lịch văn hoá Hạ Thành thì khi quy hoạch đã làm mất đi những chiếc cối giã gạo nước ngay lối vào đập suối Số Sáu, một văn hoá vật thể được coi là sinh hoạt “chính thể” khởi nguồn cho ẩm thực, và cũng là một phát minh của cư dân lúa nước vùng rừng núi. Nhất là mấy năm gần đây, việc dùng máy tuốt lúa chạy máy nổ, đã làm mất đi máy tuốt lúa đạp chân, mất đi cái quạt hòm mà người Tày tự đóng rất lâu đời gắn với “Văn hoá lúa nước vùng cao”. Đặc biệt như ở thôn Lâm Đồng của xã Phương Thiện, với những mái nhà sàn tuyền thống là chưa đủ giữ chân khách du lịch, họ chỉ lướt qua và có thể dừng lại để ăn uống, mà ăn uống cũng thiếu sắc màu dân tộc Tày trong thưởng thức. Như vậy khách du lịch, nhất là khách nước ngoài sẽ cảm thấy khó chịu bởi “Làng du lịch văn hoá” mà không mang lại nét văn hoá tương đối đầy đủ về một dân tộc của làng ấy.


Hơn thế nữa, những làng du lịch văn hoá Tày lại quá gần nhau, để cho không gian du lịch bị “loãng”, nếu không muốn nói là nhạt nhoà trong các làng bản khác gần kề. Thậm chí có những khách du lịch còn tâm sự khi vào làng du lịch văn hoá Tày, họ bảo: “Biết thế này mình vào các bản Tày mình coi là khả dĩ, tự tìm hiểu còn sâu hơn, thú vị hơn...”.


Thiết nghĩ trong quy hoạch du lịch văn hoá cần có một định hình cụ thể để những Làng du lịch văn hoá phát triển bền vững. Những yếu tố cơ bản của ba Làng du lịch văn hoá Tày ở Phương Thiện, Phương Độ nên dồn vào một làng, khách du lịch sẽ nhìn được tổng quan hơn về đời sống tâm linh, đời sống tinh thần, phi vật thể và vật thể của tộc người Tày ở Hà Giang một cách đầy đủ hơn.


Đặc biệt khi qui hoạch chương trình Xây dựng nông thôn mới phải gắn luôn với du lịch văn hoá bản địa. Đó là cách làm để bảo tồn được văn hoá mà vẫn thực hiện được chương trình, như việc mở rộng đường nhưng đừng bỏ đi những con đường ngoằn ngèo của ngõ xóm. Đừng xây bờ rào mà phải trồng bờ rào như những bờ rào vùng thôn bản cổ xưa. Rất đau xót khi những bờ rào xếp đá trên Cao nguyên đá mất đi, chúng ta sẽ mất luôn sự kế thừa của những nghệ nhân xếp đá. Bởi hiện nay không ít gia đình người Mông trên Cao nguyên đá đã đóng hay mua gạch bi để xây bờ rào, xây cổng. Đặc biệt những cánh cổng sắt hoa văn hiện đại sơn xanh, sơn vàng thì còn đâu một không gian sống của người Mông trên Công viên địa chất toàn cầu...


Còn nhiều chuyện để nói, còn nhiều việc để làm, nhưng trong khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nếu không biết thực hiện “Hai trong một” thì chúng ta sẽ đánh mất đi những điểm du lịch được coi là hấp dẫn nhất đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài của nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh.


Hữu Thụy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh lần thứ II, năm 2013
HGĐT - Ngày 28.6, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh lần thứ II, năm 2013. Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban
28/06/2013
Người đẹp Thanh Hóa đăng quang Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013
Người đẹp đến từ tỉnh Thanh Hóa –Nguyễn Thị Ngọc Anh (SBD 04), dân tộc Kinh đã vượt qua 61 thí sinh để đăng quang ngôi vị Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 trong Đêm chung kết và Lễ đăng quang diễn ra tối 26-6 tại TP Hội An.
27/06/2013
Thí sinh Hoa hậu Dân tộc nổi bật trong Lễ hội đường phố Hội An
Các thí sinh Hoa hậu Dân tộc 2013 đã có trải nghiệm thú vị và làm nổi bật Lễ hội hành đường phố với với tên gọi “Sắc màu Festival Di sản Quảng Nam” vào ngày 22-6.
24/06/2013
Quản Bạ nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
HGĐT- Nằm ở “cửa ngõ” Cao nguyên đá, huyện Quản Bạ là vùng đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc - nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử truyền thống. Với 14 dân tộc cùng chung sống, những năm gần đây, đồng bào ở Quản Bạ có sự kết tinh và du nhập nhiều loại văn hóa của nếp sống hiện đại nhưng không vì thế mà làm mai một nét bản sắc riêng của địa phương.
22/06/2013