Khó khăn tại các điểm trường của huyện Quản Bạ

08:07, 18/09/2014

HGĐT- Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện Quản Bạ có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bộn bề khó khăn, nơi các bản làng trên núi cao, xa xôi, heo hút thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp tạm bợ, thiếu cả về đội ngũ giáo viên (GV) nhất là tại những điểm trường vùng sâu, vùng xa... Hơn tất cả là tấm lòng của các thầy cô vượt qua những khó khăn, vất vả để bám trường, bám lớp đưa tri thức đến với các em học sinh (HS) dân tộc thiểu số.


Vượt qua 12km đường quanh co, gập ghềnh, chúng tôi đến điểm trường Nhíu Lủng, thôn Pản Hò, xã Quản Bạ. Đây là điểm trường xa nhất của xã, thầy trò bám lớp có nhiều thiệt thòi, thiếu đồ dùng học tập và đồ chơi. Những đôi chân trần lem luốc bùn đất, những đôi tay còn vương nhọ nồi chưa kịp rửa sạch của các em HS là động lực các thầy cô bám lớp, bám bản. Điểm trường có 4 lớp: 1 lớp học mầm non, 1 lớp 1, 1 lớp 4, 1 lớp ghép trình độ lớp 2 và lớp 3... Tất cả ngồi học trong những “phòng” được ghép bằng những tấm gỗ, ngăn cách bởi những tấm ván sơ sài. Mỗi khi các lớp học cùng vang lên những âm thanh của tiết học đánh vần thì tất cả trở nên là một dàn âm thanh hỗn độn, khiến các em rất khó tập trung. Điểm trường không có sân chơi, bốn bề là núi, khi giải lao các em lại quanh quẩn đi từ “lớp” nọ sang “lớp” khác... Khó khăn không chỉ đến với thầy cô khi đứng trên bục giảng mà ngay cả khi trở về với những phút giây nghỉ ngơi cuộc sống đời thường. Để đảm bảo tốt vấn đề duy trì sĩ số tại các điểm trường, các trường đều phải thực hiện việc phân công GV bám điểm trường vì vậy mà cuộc sống của thầy cô tại đây cũng gặp không ít khó khăn (không điện, thiếu nước sinh hoạt và thiếu cả sóng thông tin liên lạc). Đồng chí Dương Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ cho biết: Trước tình hình trên của điểm trường, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc để phần nào sẻ chia, tháo gỡ những khó khăn cùng với nhà trường, thông qua công tác xã hội hóa giáo dục, song cũng chưa được là bao, bởi cuộc sống, hoàn cảnh kinh tế của bà con nơi đây cũng còn quá nhiều vất vả.



Lớp ghép 4 và 5 của thầy, trò điểm trường Thượng Sơn II, thị trấn Tam Sơn.


Chia tay với cô và trò điểm trường Nhíu Lủng, chúng tôi đến điểm trường Thượng Sơn II của thị trấn Tam Sơn. Tiếng là địa bàn của thị trấn nhưng điểm trường cũng còn nhiều khó khăn, so với điểm trường Nhíu Lủng, điểm trường này được xây từ năm 2008 nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, tường đã bị nứt nẻ, cửa sổ hư hỏng nặng, còn thiếu 2 phòng học (PH) cho lớp học mầm non và lớp 1, thiếu phòng nhà công vụ cho GV. Thầy giáo Lê Văn Tuấn, công tác tại điểm trường được 3 năm mong muốn được các ngành, các cấp quan tâm xây dựng thêm PH cho các em, tu sửa tường nhà lớp học vì đang bị hư hỏng nặng, mất an toàn cho các em HS... Bên cạnh đó, nhiều em học đến lớp 2 rồi nhưng việc phát âm, viết chữ còn chưa rõ, thể hiện sự gian truân khi mang cái chữ đến cho con em đồng bào các dân tộc.


Khó có thể kể hết nỗi nhọc nhằn mà những GV vùng cao phải vượt qua để đưa niềm tin, ánh sáng văn hoá đến với mỗi HS, mỗi bản làng. Phần lớn đường đến các điểm trường trên địa bàn huyện Quản Bạ đều là dốc núi chênh vênh. Các lớp học và nhà ở cho giáo viên tạm bợ, có những nơi vẫn phải mượn tạm nhà văn hóa thôn để làm PH, HS nhiều lớp phải học ghép trong một phòng rất bất tiện, phần lớn HS vẫn giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với các GV ở điểm trường đó là phải gác lại nỗi nhớ gia đình, rời xa tổ ấm thân yêu. Đây cũng là một bài toán khó đang được Phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ từng bước tháo gỡ.


Trong những năm gần đây, công tác giáo dục trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Quy mô mạng lưới trường lớp phát triển đến tận các thôn bản xóa bỏ được tình trạng “trắng điểm”. Tuy nhiên, sự nghiệp “trồng người” của huyện Quản Bạ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các xã, thôn vùng giáp biên, vùng sâu, vùng xa. Năm học 2014 – 2015, toàn huyện có 40 trường HS 15.370 HS (trong đó Mầm non 5.428 cháu, Tiểu học 6.129 HS, THCS 3.751 HS) tăng 800 HS so với năm trước. Trong tổng số 835 phòng học (kiên cố là 406 phòng, cấp 4 là 309 phòng và 120 phòng học tạm) vẫn còn thiếu 277 phòng; 369 phòng nhà công vụ; 116 PH c bộ môn, phòng thiết bị... so với yêu cầu thực tế giáo dục. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có trên 107 điểm trường trong đó nhiều điểm thuộc các xã, xóm vùng đặc biệt khó khăn, trong đó chủ yếu là HS thuộc vùng dân tộc, có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là một trong những thách thức lớn mà ngành Giáo dục huyện Quản Bạ phải đối mặt. Đặc biệt, tại nhiều xã như Cán Tỷ, Thái An, Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn... khó khăn không chỉ dừng lại ở vật chất, để các em học sinh đến trường, các thầy, cô giáo ở những điểm trường này còn phải đấu tranh với những hạn chế về nhận thức, tập tục lạc hậu...


Để duy trì bền vững và phát huy những kết quả đạt được, đồng thời từng bước tháo gỡ những khó khăn trong những năm tới, huyện Quản Bạ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với từng địa bàn... Song để thực hiện điều đó, ngành Giáo huyện cần nhiều hơn nữa sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp, để những ngôi nhà kiên cố sẽ mọc lên thay cho những điểm trường khó khăn hôm nay, để thầy và trò tự tin bám lớp, để con chữ đến với các em học sinh nơi đây ngày một dễ dàng hơn.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường THPT Chuyên tỉnh: Trên 70% học sinh thi đỗ đại học theo nguyện vọng 1
HGĐT- Kỳ thi Đại học vừa qua, Trường THPT Chuyên tỉnh có tổng số 171 em học sinh tham dự. Tính đến ngày 22.8.2014, trường đã có trên 70% số học sinh dự thi đỗ đại học theo nguyện vọng 1.
28/08/2014
Nỗ lực “trồng người” ở xã nghèo Pả Vi
HGĐT- Có lẽ chưa bao giờ cán bộ, giáo viên (GV) và những người nông dân ở xã nghèo Pả Vi (Mèo Vạc) lại đón một niềm vui lớn như vậy, khi lần đầu tiên một xã (không phải thị trấn) của huyện Mèo Vạc có trường Mầm non được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Nỗ lực không biết mệt mỏi suốt thời gian qua, hứa hẹn mang đến nhiều thành quả trong sự nghiệp “trồng người” nơi đây.
17/09/2014
Báo Tiền Phong tặng quà trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thanh Thủy
HGĐT- Chiều 14.9, Báo Tiền Phong và các nhà tài trợ đã trao tặng phòng đọc sách, đồ dùng học tập và chăn ấm cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Dự buổi trao tặng có lãnh đạo Tỉnh đoàn; UBND huyện, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Vị Xuyên và Đảng ủy, chính quyền xã Thanh Thủy.
15/09/2014
Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” 6 tỉnh Việt Bắc
HGĐT- Tối ngày 12.9, tại sân Quảng trường 26.3 (TP Hà Giang) diễn ra Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” 6 tỉnh Việt Bắc thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 379 của Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
14/09/2014