Nỗi lo thiếu giáo viên ở trường THPT Mèo Vạc

06:59, 11/09/2014

HGĐT- Hai năm trở lại đây, việc huy động học sinh (HS) học hết bậc THCS theo học tiếp bậc THPT được xem là bước “đột phá” ở huyện nghèo Mèo Vạc; nhưng cũng ngần ấy thời gian, tình trạng thiếu giáo viên (GV) đã trở thành rào cản lớn trong công tác dạy và học nơi đây.



                     Một buổi học của học sinh trường THPT Mèo Vạc.


Khó khăn chồng chất

Tỷ lệ học sinh đăng ký đi học THPT, bổ túc THPT và học nghề lên tới 44% là kết quả đáng mừng với ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc nói riêng và tỉnh ta nói chung. Mặc dù đã bước vào năm học mới 2014 - 2015, nhưng trên gương mặt của mỗi cán bộ, GV trường THPT Mèo Vạc vẫn không giấu được sự lo lắng, trăn trở. Những khó khăn của năm học cũ còn chưa được giải quyết thì nay, nhà trường lại phải đối mặt với một “thách thức” mới khi số HS đăng ký nhập học năm nay tăng đột biến mà lượng GV thì vẫn giữ nguyên.


Nhìn lại năm học 2013 – 2014, trường THPT Mèo Vạc có tổng số 14 lớp với 477 HS, tăng thêm 5 lớp so với năm học 2012 – 2013. Tuy nhiên vào thời điểm này, nhà trường mới chỉ có 21 GV tham gia giảng dạy và 3 GV do Sở GD&ĐT tỉnh tăng cường đến, vẫn còn thiếu 8 GV so với định mức biên chế 2,25 giáo viên/lớp. Để đảm bảo công tác giảng dạy, lãnh đạo nhà trường buộc phải “xoay sở” bằng cách cho HS học 2 ca, phân công các GV dạy thêm giờ và thuê 5 GV hợp đồng với mức lương 3 triệu đồng/1 tháng. Công tác dạy và học tạm thời được đảm bảo. Vấn đề nảy sinh lúc này là khó khăn về tài chính, khi chưa được bổ sung biên chế thì đương nhiên không thể có kinh phí để chi trả cho việc dạy vượt giờ cũng như chi trả cho GV thuê ngoài. Nhằm duy trì chất lượng dạy và học, nhà trường đành “mượn tạm”một phần lương cơ bản của những GV biên chế để trả cho GV hợp đồng. Đến cuối năm học 2013 – 2014, tổng số tiền nhà trường còn “nợ” GV lên tới hơn 300 triệu đồng. Cô giáo Vi Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Mèo Vạc cho biết: Ngay từ đầu năm học 2013 – 2014, nhà trường đã gửi báo cáo đề nghị Sở GD&ĐT bổ sung biên chế, cấp kinh phí đảm bảo cho công tác dạy và học. Sau một thời gian chờ đợi, tháng 4.2014, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 813/QĐ-UBND về việc điều chỉnh biên chế cho trường THPT Mèo Vạc 32 GV, tăng thêm 12 GV so với trước. Thế nhưng, cho tới nay, nhà trường vẫn chưa nhận được GV bổ sung cũng như kinh phí hoạt động.


Bước sang năm học 2014 – 2015, nhà trường càng lo lắng hơn vì số lượng HS đăng ký vào trường THPT Mèo Vạc lại tăng vọt, tổng số HS lên đến 697 em (19 lớp), gấp 2 lần so với năm học 2012 – 2013. Theo quy mô, nhà trường cần phải có 43 GV nhưng hiện vẫn chỉ có 21 người, thiếu tới hơn 50% biên chế. Để có thể đảm bảo được hết nội dung trong chương trình học, trung bình một GV phải dạy tới 36 tiết/1 tuần, trong khi đó nếu theo quy định của Bộ GD&ĐT thì mỗi GV chỉ dạy 17 tiết/1 tuần. Cô giáo Vừ Thị Hoa, đang phải dạy 9 tiết/1 ngày tỏ ra lo lắng: “Cả trường hiện chỉ có một mình tôi là GV lịch sử, với cường độ lên lớp như vậy tôi không dám chắc chất lượng giảng dạy không bị ảnh hưởng. Mong rằng tình trạng này sẽ sớm được các cơ quan cấp trên giải quyết”. Qua tìm hiểu, không chỉ khó khăn về nhân lực và tài chính, việc số lượng HS tăng đột biến khiến cho cơ sở vật chất của trường cũng trở nên quá tải, thiếu trầm trọng. Đa phần HS đều ở các xã ra học, đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên cần phải có nhà lưu trú. Trong tổng số gần 700 HS thì nhà trường chỉ đáp ứng chỗ nghỉ cho 170 em, số còn lại phải thuê trọ ở ngoài, gây khó khăn trong công tác quản lý. Những khó khăn đó còn khiến cho nhà trường phải trăn trở khi một số học sinh chuyển trường và bỏ học giữa chừng. Theo tìm hiểu, năm học 2013 – 2014, số học sinh vào lớp 10 huy động được 341 em nhập học, đến cuối năm đã có tới có tới 76 học sinh chuyển trường và bỏ học (trong đó học sinh bỏ học chiếm tới trên 60 em). Năm học mới này, cũng đã có tới 13 học sinh không đi học theo hồ sơ đăng ký.


Cần được quan tâm, giải quyết kịp thời

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh công tác huy động HS tốt nghiệp THCS đăng ký đi học THPT, bổ túc THPT và học nghề. Kết quả số học sinh vào cấp 3 đã tăng đột biến, đạt 44%, cao nhất từ trước tới nay. Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện đã ưu tiên đầu tư cho giáo dục trên 37 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, ủng hộ hơn 21 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.


Đối với Trường THPT Mèo Vạc, để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã trích ngân sách gần 1 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp phòng học; xây mới 1 bể nước hơn 20m3, làm thêm nhà vệ sinh; thay lại mái tôn nhà 2 tầng; tu sửa nhà lưu trú cho HS tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; tu sửa Trạm y tế thị trấn cũ làm chỗ ở cho cán bộ, GV và mua hơn 70 bộ giường cho HS bán trú... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng hỗ trợ trên 100 bộ bàn ghế HS nhằm giảm bớt những khó khăn cho nhà trường. Tuy nhiên, Mèo Vạc là một huyện nghèo, nguồn lực còn hạn chế nên việc bổ sung biên chế và kinh phí cho trường vượt quá khả năng cũng như thẩm quyền của địa phương. Chính quyền huyện Mèo Vạc đã nhiều lần gửi tờ trình tới các cơ quan liên quan đề nghị xem xét, giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Rất mong các cơ quan chức năng xem xét, quan tâm kịp thời để công tác dạy và học trên địa bàn huyện được thuận lợi, đạt kết quả cao.


Đồng chí Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã nắm được tình trạng thiếu GV của trường THPT Mèo Vạc và cũng đang tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, muốn bổ sung biên chế cho trường thì Sở phải báo cáo Sở Nội vụ trình với UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Vừa qua, Sở đã đề nghị với tỉnh xem xét giao cho Sở GD&ĐT trực tiếp điều chỉnh biên chế đối với các đơn vị trực thuộc, để việc sắp xếp nhân lực được nhanh chóng và thuận tiện. Trong thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, điều động GV (có thể thừa) ở các trường khác lên tăng cường có thời hạn cho trường THPT Mèo Vạc, tạm thời đảm bảo nguồn nhân lực trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền bổ sung biên chế.


Việc huy động HS đăng ký đi học THPT, bổ túc THPT và học nghề đạt tỷ lệ cao là thành tích đáng ghi nhận của cấp ủy chính quyền huyện Mèo Vạc. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, quan tâm kịp thời để ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc nói chung và trường THPT Mèo Vạc nói riêng giảm bớt khó khăn, đồng thời khích lệ đội ngũ GV an tâm giảng dạy, thực hiện tốt mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần vào công cuộc phát triển KT – XH, XĐGN bền vững tại địa phương.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường THPT Chuyên tỉnh: Trên 70% học sinh thi đỗ đại học theo nguyện vọng 1
HGĐT- Kỳ thi Đại học vừa qua, Trường THPT Chuyên tỉnh có tổng số 171 em học sinh tham dự. Tính đến ngày 22.8.2014, trường đã có trên 70% số học sinh dự thi đỗ đại học theo nguyện vọng 1.
28/08/2014
Đón năm học mới, ngành GD-ĐT Quang Bình đã sẵn sàng
HGĐT- Chỉ còn vài ngày nữa năm học mới 2014 – 2015 sẽ đến. Để chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào năm học mới một cách tự tin, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Quang Bình đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, bố trí giáo viên tại các trường, chốt quân số học sinh các ngành học và sẵn sàng cho ngày khai trường.
27/08/2014
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cắt băng khánh thành Trường Mầm non xã Sính Lủng (Đồng Văn)
HGĐT- Ngày 21.8, huyện Đồng Văn tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình trường Mầm non xã Sính Lủng. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và lãnh đạo huyện Đồng Văn.
22/08/2014
Yên Minh quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới
HGĐT- Ngày khai trường năm học 2014 – 2015 đang đến gần, đánh dấu năm học đầu tiên thực hiện Nghị Quyết số 29 NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập Quốc tế”, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Yên Minh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quyết tâm
22/08/2014