Đặc sắc lễ hội Quỹa Hiéng của người Dao Hoàng Su Phì

11:10, 09/02/2023

BHG - Hàng năm, khi những ngọn gió đầu tiên của mùa Xuân khẽ chạm vào rừng cây, khe suối, lưng đèo... thì cũng là lúc người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì xếp dao, liềm, cuốc, xẻng, gác lại một năm lao động vất vả để chuẩn bị tổ chức lễ hội Quỹa Hiéng (lễ hội Qua năm).

Nghi thức tế lễ trong lễ hội Quỹa Hiéng.
Nghi thức tế lễ trong lễ hội Quỹa Hiéng.

Để chuẩn bị cho lễ hội này, ngay từ 27, 28.12 Âm lịch, mọi nhà đã nhộn nhịp sắm sửa, dọn dẹp lại nhà cửa và chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho vài ngày. Những nhà khá giả thì mổ lợn, hoặc vài nhà chung nhau mổ một con lợn to như kiểu “ăn đụng” của người Kinh.

Ngày 30 Tết - thời gian cuối cùng của năm, các gia đình lập 3 đàn lễ gồm: Bứa Hiéng, Sáng Chà Phin và Sám Háng với những đồ lễ như gà, lợn, rượu, gạo… Đồ lễ chính là những vật phẩm làm ra từ bàn tay lao động của đồng bào Dao. Chủ nhà mời 3 thầy cúng (gọi là Sài ông hoặc Sài cố) đến kêu khấn mời Tổ tiên và các thần linh đã có công phù hộ, bảo vệ cuộc sống bình yên của cộng đồng và mời các vong hồn lang thang không nhà cửa, không người cúng tế về dự lễ. Theo truyền thống của dân tộc Dao thì Tổ tiên là những người có công sinh ra các dân tộc của cộng đồng người Dao thì được dự ở mâm Bứa Hiéng – mâm cúng trang trọng nhất được lập ngay dưới bàn thờ Tổ tiên. Thấp hơn về phía bên phải là mâm Sáng Chà Phin là mâm cúng ông, bà, cha mẹ từ 9 đời trở lại, còn mâm Sám Háng, tức mâm cúng cơm được lập ở phía trước và là mâm thấp nhất dành cho các vong hồn những người vô danh và Tổ tiên của nghề thầy cúng (gọi là Sài tía Miến).

Sau khi tổ chức cúng tế xong, người ta dọn 2 đàn lễ Sám Háng và Sáng Chà Phin cho hoạt động ăn uống, còn đàn lễ Bứa Héng được để lại đến khi hết hội mới thôi; đồng thời mọi người tham gia vào các trò hội hết sức độc đáo được tổ chức ngay sau đó. Mở đầu là hoạt động ăn uống, thức ăn được dùng trong lễ hội Quỹa Hiéng của người Dao đỏ gồm bánh chưng (dùa pêu), bánh dầy (dùa chông), thịt lợn, thịt gà (chay o, Tùng o), cơm (hiéng), rượu (tiu)…

Vào buổi tối, khi cái vui của ngày hội làm mọi người rạo rực thì cũng là lúc các trò chơi dân gian độc đáo như nhảy lửa (Pút tồng), vật chày (stính tờ chùi), múa mắt rùa (piéo tổ) được tổ chức. Thường thì các hoạt động này được tổ chức suốt đêm đến sáng.

Vào buổi sáng mùng Một Tết, một việc không thể thiếu trong Lễ hội Quỹa Hiéng là nghi thức xuất hành đầu năm. Trước khi xuất hành, thầy cúng sẽ chọn giờ tốt và hướng tốt nhằm đem lại nhiều tài lộc may mắn cho cả năm, tránh mất mùa đói kém. Thầy cúng sẽ chọn hướng xuất hành phù hợp cho các thành viên trong gia đình. Trong lễ xuất hành, chủ nhà thực hiện nghi thức mua nước bằng 1 que hương và 1 gói muối nhỏ và ít tiền được làm từ giấy bản để cảm ơn Thần nước đã cung cấp nước cho cả gia đình trong năm cũ và tiếp tục cấp nước cho năm mới.

Sau lễ xuất hành, mọi người quay vào nhà xếp hàng lạy Tổ tiên và các thần đang thờ trong nhà để cầu may mắn, năm mới mạnh khỏe, nhiều tiền tài, của cải, trâu bò, lợn gà không bệnh tật, mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy bồ, bốn mùa đại lợi... Trong dịp này, mọi người ai nấy đều thay những bộ áo mới và chỉ dùng những lời tốt đẹp để cả năm được hòa thuận, hạnh phúc, không được cãi nhau, nói điều xấu…

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2015, lễ hội Quỹa Hiéng của dân tộc Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì được đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bài, ảnh: Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Du lịch Đồng Văn khởi sắc những ngày đầu năm
BHG - Trong năm 2022, tổng lượng khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Đồng Văn đạt 690.550 lượt khách, bằng 1.534,6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt 765,7 tỷ đồng, bằng 455,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó từng bước khẳng định vị thế của “ngành công nghiệp không khói”, nâng cao đời sống cho nhân dân
31/01/2023
Giá vàng giảm nhẹ trong ngày vía thần Tài
BHG - Trong tín ngưỡng phương Đông, thần Tài là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền của, tài lộc cho gia chủ, mang lại nhiều may mắn. Chính vì vậy, ngày vía thần Tài (mùng 10 tháng Riêng) được những người làm kinh doanh và nhiều người dân coi trọng. Vào ngày này, bên cạnh việc sắm sửa lễ vật cúng thần Tài, việc mua vàng cầu may cũng diễn ra rất sôi động. Bởi quan niệm dân gian tin rằng, hoạt động này giúp đem lại nhiều may mắn, tài lộc, giúp công việc buôn bán được hanh thông, thuận lợi. Năm 2023, ngày vía thần Tài rơi vào thứ Ba, ngày 31.1 dương lịch.
31/01/2023
6 cung đường đẹp nhất Việt Nam để ngắm cảnh

Cung Hà Giang, Cao Bằng - Bản Giốc hay đèo Hải Vân là những đoạn đường ngắm cảnh thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam. “Dài và ngoằn ngoèo như rắn thần trong truyền thuyết, Việt Nam uốn quanh bờ biển phía đông của Đông Nam Á. Hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM trải dài trên cung đường hơn 1.100 km với núi non, rừng rậm, bãi biển cùng nhiều di tích lịch sử. Nói cách khác, đây là đất nước hoàn hảo cho những chuyến đi phượt”, tạp chí du lịch Australia Lonely Planet miêu tả về Việt Nam.

31/01/2023
Khám phá nét đặc sắc trong đám cưới của người Mông
BHG - Hiện nay, người Mông ở Hà Giang chiếm trên 31% trong số các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su phì, Xín Mần. Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
30/01/2023