Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cờ Lao thông qua Lễ hội văn hóa truyền thống

09:22, 16/09/2017

BHG - Hà Giang có 6/16 dân tộc dưới 10.000 người trong cả nước, gồm các dân tộc Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá và Pà Thẻn. Các rất tộc ít người được Đảng, Nhà nước quan tâm, phát triển thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc...

Trong dịp tham dự Lễ hội Văn hóa truyền thống dân tộc Cờ Lao năm 2017, do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với huyện Yên Minh tổ chức tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, chúng tôi được đồng chí Sầm Xuân Giang, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Huyện Yên Minh có 16 dân tộc, trong đó dân tộc Cờ Lao có 110 hộ với 588 khẩu, chiếm 0,65% dân số toàn huyện, sinh sống tại các xã Mậu Duệ, Ngọc Long, Mậu Long, Phú Lũng, Bạch Đích, Thắng Mố và Na Khê. Đời sống văn hóa, tinh thần của người Cờ Lao khá phong phú, đa dạng với những nét văn hóa truyền thống như các điệu hát mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, hát giao duyên... và các lễ cúng đặc sắc như cúng ngày Tết, cúng Rằm tháng 7, cúng Bếp lò, cúng Ngô mới, cúng Nhà mới... 

Lễ cúng Ngô mới của người Cờ Lao.
Lễ cúng Ngô mới của người Cờ Lao.

Lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc Cờ Lao năm nay gồm các đại biểu và bà con là dân tộc Cờ Lao sinh sống tại các xã Mậu Duệ, Ngọc Long, Mậu Long, Phú Lũng, Bạch Đích, Thắng Mố và Na Khê. Lễ hội gồm các nội dung chính như giao lưu văn hóa - văn nghệ, Lễ cúng Ngô mới và các hoạt động thể thao. Tại đêm giao lưu văn nghệ, các đại biểu và bà con nhân dân được thưởng thức 12 tiết mục múa hát, do các diễn viên Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Yên Minh, xã Phú Lũng và xã Bạch Đích thể hiện, gồm các thể loại như hát mừng Đảng, hát giao duyên, hát đối đáp nam, nữ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước... Đêm giao lưu văn nghệ đã đem đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, vui tươi, tạo cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, phấn khởi.

Người Cờ Lao có rất nhiều lễ cúng, trong đó nổi bật là Lễ cầu mùa hay còn gọi là cúng Ngô mới. Lễ cầu mùa năm nay được tổ chức tại gia đình ông Cáo Mình Dình, ở thôn Sà Ván, xã Phú Lũng. Buổi lễ bắt đầu, những người giúp việc bày lên bàn gà luộc và các sản phẩm nông nghiệp khác do chính người dân sản xuất như xôi, mèn mén, rượu trắng, hoa quả và thứ không thể thiếu đó là cây ngô. Thầy cúng tiến hành cúng mời thần linh chứng giám buổi lễ của dân làng và xin thần linh bốn phương trời phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng tươi tốt. Lễ cầu mùa là một sinh hoạt văn hoá hướng thiện mang tính tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng của dân tộc Cờ Lao. Đây là dịp để đồng bào Cờ Lao tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, sản xuất thuận lợi.

Sôi động và hào hứng nhất trong Lễ hội là các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh cù... Không chỉ những thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến các môn thể thao này, mà những người lớn tuổi, người già cũng háo hức tham gia. Trong tiếng reo hò cỗ vũ của khán giả, các vận động viên đến từ các đội cùng nhau thi đấu hết mình. Với thể thức thi đấu vòng tròn, các đội tham gia đều phải trải qua nhiều vòng thi để chọn ra đội nhất, nhì, ba. Các trò chơi dân gian này không những rèn luyện sức khỏe và mang tính giải trí mà còn khuyến khích nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh và tính sáng tạo trong lao động sản xuất.

Chị Lưu Thị Hà, xã Bạch Đích và anh Hồ Mí Cho, đến từ xã Mậu Long chia sẻ: Tham dự Lễ hội văn hóa truyền thống, chúng tôi được phát mỗi người một bộ quần áo để mặc trong những ngày lễ, tết và được tham gia giao lưu văn nghệ, thể thao chúng tôi vui lắm. Qua lễ hội giúp chúng tôi hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Đình Nhiêu, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm là dịp để cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nâng cao ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tự hào, phát huy cái hay, cái đẹp trong phong tục tập quán. Thông qua lễ hội, bà con có dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, cất lên lời ca, tiếng hát với các làn điệu dân ca, dân vũ và các trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thông minh, khéo léo, góp phần gìn giữ và duy trì nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các huyện, các xã có nhiều người dân tộc Cờ Lao sinh sống để phục dựng và duy trì các lễ hội.

THANH THỦY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đóng góp tích cực của Hội Nghệ nhân dân gian xã Bằng Lang

BHG - Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống (VHTT) đặc trưng và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, những năm gần đây, xã Bằng Lang (Quang Bình) đã đẩy mạnh hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG). Từ khi ra đời đến nay, Hội đã thực sự trở thành "cầu nối" trong việc bảo tồn, phát huy và lưu truyền các nét đẹp văn hóa dân tộc tại địa phương. 

16/09/2017
Chung tay vì niềm tự hào Công viên đá!

BHG - Qua hơn 7 năm, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC), Công viên đá đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. 

16/09/2017
Hoàng Su Phì sẵn sàng cho tuần văn hóa du lịch năm 2017

BHG- Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đang gấp rút hoàn thành các công việc chuẩn bị cho "Đại hội thể dục thể thao các dân tộc toàn huyện lần thứ VI" và "Tuần văn hóa du lịch năm 2017".

14/09/2017
Góp phần thúc đẩy quy hoạch và phát triển các đô thị

BHG - Là tỉnh miền núi, biên giới với 11 huyện, thành phố. Thành phố Hà Giang là tỉnh lỵ được T.Ư công nhận là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh năm 2010. Các đô thị còn lại đang trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng với nhiều khó khăn. Với vai trò là cơ quan tuyên truyền, những năm qua Báo Hà Giang đã tích cực và chủ động phát huy vai trò của mình tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh. 

13/09/2017