Bê bối rò rỉ dữ liệu

07:57, 06/04/2018

Facebook đang đối mặt với làn sóng chỉ trích của dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Mỹ và châu Âu, liên quan vụ việc hãng tư vấn Cambridge Analytica thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng trang mạng xã hội này.

Nhà sáng lập Facebook M.Dúc-cơ-bớc.
Nhà sáng lập Facebook M.Dúc-cơ-bớc.

Các nhà chức trách đang điều tra trách nhiệm của Facebook trong việc bảo vệ thông tin cá nhân người dùng khi để hãng Cambridge Analytica thu thập trái phép dữ liệu. Quan chức Liên hiệp châu Âu (EU) đã yêu cầu Facebook có thông báo chính thức về những ảnh hưởng của vụ bê bối với người dùng châu Âu và thúc đẩy mở một cuộc điều tra khẩn cấp. Lãnh đạo EU sẽ sớm ban hành quy định cứng rắn hơn đối với các hãng công nghệ lớn trong việc bảo mật thông tin.

Trong khi đó, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) của Mỹ đang tiến hành điều tra việc Facebook vi phạm thỏa thuận phải nhận được sự đồng ý của người dùng khi thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân. Nếu FTC kết luận Facebook phá vỡ điều khoản này, hãng có thể phải nộp phạt 40 nghìn USD cho mỗi lần vi phạm. Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã triệu tập Giám đốc điều hành Facebook M.Dúc-cơ-bớc tới phiên điều trần về vấn đề bảo mật dữ liệu dự kiến diễn ra ngày 10-4.

Ðứng trước sự dò xét từ các nhà làm luật và dư luận thế giới, trong tuyên bố mới đây, M.Dúc-cơ-bớc thừa nhận vụ việc nêu trên đã gây ra tổn thương nghiêm trọng tới niềm tin của người dùng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người sử dụng. Nhà sáng lập Facebook nhấn mạnh bảo mật thông tin khách hàng là trách nhiệm cơ bản của trang mạng xã hội với hơn hai tỷ người dùng hằng tháng. Theo nhà sáng lập Facebook, ông sẵn sàng ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và hãng sẽ tuân thủ quy định siết chặt của chính phủ sau sự việc này.

Ðể giảm thiệt hại và quan trọng hơn là khôi phục lòng tin người dùng, Facebook khẳng định sẽ có các biện pháp mới nhằm bảo vệ thông tin cá nhân bằng cách ngăn chặn các nhà phát triển và ứng dụng của bên thứ ba tiếp cận trái phép, đồng thời trao nhiều công cụ bảo mật hơn cho khách hàng. Ngoài ra, hãng cũng đang lên kế hoạch điều tra những ứng dụng chạy trên nền tảng của mình.

Lời xin lỗi công khai và cam kết tăng cường bảo mật thông tin của nhà sáng lập Facebook chưa thể dập tắt làn sóng tẩy chay của người dùng, chỉ trích của dư luận cũng như giải tỏa sức ép từ các nhà chức trách Mỹ và châu Âu. Vụ bê bối không chỉ khiến uy tín của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới giảm sút mà còn làm giá trị tài sản của hãng giảm nhanh chóng. Kể từ khi vụ bê bối bị phát hiện đến ngày 31-3, cổ phiếu của Facebook đã giảm gần 18%, nhiều công ty lớn cũng rút quảng cáo khỏi mạng xã hội này, khiến giá trị trên thị trường của hãng mất gần 100 tỷ USD. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 2-4, M.Dúc-cơ-bớc cho biết, Facebook sẽ cần vài năm để vượt qua tình thế khó khăn và khắc phục các vấn đề liên quan vụ rò rỉ dữ liệu này.

Liên quan đến vụ bê bối, Cambridge Analytica bác bỏ cáo buộc hãng sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook với mục đích sai trái. Ðồng thời, hãng tư vấn cũng khẳng định đã xóa toàn bộ những thông tin này năm 2014, khi nhận ra hành động này trái với quy định bảo vệ dữ liệu. Ðể chứng minh sự nghiêm túc trong việc xử lý các vi phạm, Cambridge Analytica đã đình chỉ công tác A.Ních, Giám đốc điều hành của hãng, để phục vụ cuộc điều tra. Giới chức Anh đã khám xét văn phòng Cambridge Analytica có trụ sở tại Luân Ðôn và cho biết hãng này có thể phải nộp phạt 700 nghìn USD, thậm chí nhiều hơn khi luật bảo vệ dữ liệu mới có hiệu lực vào tháng 5.

Vụ bê bối đang gây sốt dư luận, là lời cảnh báo nhà chức trách, cần thắt chặt hơn quy định với các công ty truyền thông xã hội; tập đoàn công nghệ phải có chính sách bảo mật chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng, tránh sử dụng vào mục đích sai trái. Bên cạnh đó, người dùng cần cẩn trọng hơn khi cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Theo nhandan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thái Lan muốn trở thành thành viên CPTPP trong năm 2018

Theo TTXVN tại Bangkok, ngày 29/3, Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách kinh tế, ông Somkid Jatusripitak thông báo nước này mong muốn trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm 2018. Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Bộ Thương mại xem xét chi tiết về cách thức gia nhập hiệp định nói trên. Phát biểu với báo giới, ông Somkid nhấn mạnh: "Đây là một vấn đề quan trọng. Nếu không có vấn đề gì, chúng tôi sẽ gia nhập vào năm nay."

30/03/2018
Tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba được dự báo trước từ hơn một thế kỷ

BHG - Lịch sử quan hệ Quốc tế, dường như chưa từng có hai dân tộc ở cách xa nhau về địa lý tới nửa vòng trái đất mà lại tạo dựng được mối tình đoàn kết hữu nghị bền vững, thủy trung, trong sáng, hết lòng vì nhau như Cuba và Việt Nam. Các bạn Cuba có lý khi cho rằng, tình hữu nghị ấy đã được nhà yêu nước vĩ đại, nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà văn lớn của mình là Hôsê Macti (José Martí, 1853 - 1895) dự báo và đặt nền móng từ thế kỷ 19. 

28/03/2018
Chủ tịch Trung Quốc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bắc Kinh

Hãng tin Tân Hoa ngày 28/3 xác nhận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm không chính thức tới Trung Quốc từ ngày 25-28/3 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. 

28/03/2018
Phòng trào kiểm soát súng đạn ở Mỹ gia tăng áp lực với giới lập pháp

Ban tổ chức các cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên Mỹ khẳng định tiếp tục chiến dịch nhằm yêu cầu giới lập pháp có biện pháp cụ thể hơn để ngăn chặn bạo lực súng đạn. 
Phát biểu trong chương trình "Đối mặt quốc gia" của đài CBS ngày 25/3, Emma Gonzalez, người đứng đầu cuộc tuần hành quy mô lớn diễn ra ngày 24/3 tại Washington D.C. với sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh và những người ủng hộ, cho hay những cuộc tuần hành vừa qua chỉ là sự khởi đầu cho chiến dịch yêu cầu siết chặt súng đạn. 

26/03/2018