Tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba được dự báo trước từ hơn một thế kỷ

16:40, 28/03/2018

BHG - Lịch sử quan hệ Quốc tế, dường như chưa từng có hai dân tộc ở cách xa nhau về địa lý tới nửa vòng trái đất mà lại tạo dựng được mối tình đoàn kết hữu nghị bền vững, thủy trung, trong sáng, hết lòng vì nhau như Cuba và Việt Nam. Các bạn Cuba có lý khi cho rằng, tình hữu nghị ấy đã được nhà yêu nước vĩ đại, nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà văn lớn của mình là Hôsê Macti (José Martí, 1853 - 1895) dự báo và đặt nền móng từ thế kỷ 19.

Nung nấu lý tưởng giải phóng Tổ quốc Cuba khỏi ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha, Hôsê Macti bôn ba tới hầu hết các nước châu Mỹ cũng như nhiều thủ đô ở châu Âu, nhằm nghiên cứu và vận động cách mạng. Chưa từng đến nước ta, mới chỉ tham quan cuộc triển lãm Pari (thủ đô nước Pháp) - trong đó có gian về Việt Nam, ông đã cảm tình với con người, cảnh vật nơi đây. Tình cảm ấy được thể hiện trong tác phẩm Một cuộc dạo chơi qua đất nước An Nam (Un paseo por la tierra de los anamitas). Tác phẩm được viết dưới dạng truyện ký, đăng trên tạp chí Tuổi vàng (Edad de orro) - ấn phẩm dành cho trẻ em Mỹ Latinh do Hôsê Macti sáng lập và trực tiếp làm chủ bút.

Nói chuyn với những người dân An Nam bình dị mà tác giả gặp trong triển lãm, họ bảo rằng: Bây giờ, người Pháp là chủ của chúng tôi, nhưng mai sau ai biết được! Suy từ đây, các bạn Cuba  cho rằng, Lãnh tụ tinh thần của họ đã tiên đoán từ rất sớm: Trong tương lại, Việt Nam sẽ được giải phóng, trở thành Anh hùng!

Xu hướng thời đại cũng như hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước đã đưa hai dân tộc Việt Nam và Cuba kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu cùng lý tưởng, chống kẻ thù chung. Năm 1959, Cách mạng Cuba thành công. Ngày 2.12.1960, Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao. Đã qua 58 năm với biết bao biến động của tình hình thế giới, khó khăn do địch họa, thiên tai… nhưng tình đoàn kết hữu nghị của hai nước vẫn son sắt, thuỷ chung, ngày một vững bền.

Nhân dân ta không bao giờ quên lời nói của Lãnh tụ Fidel Castro như đã tạc vào lịch sử ngoại giao: Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến cả máu của mình! Ông phát biểu như trên tại Quảng trường Hôsê Macti ở trung tâm Thủ đô La Habana trước hàng vạn người dự mít tinh kỷ niệm 7 năm Cách mạng Cuba thành công. Sau đó, những tiếng hô: "Việt Nam muôn năm!", "Cuba - Việt Nam đoàn kết nhất định thắng"… ào ạt nổi lên như sóng cồn. Ngày đó vào năm 1966, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc với tuyên bố sẽ đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

Chủ tịch Cuba Fidel Catro thăm chính thức Việt Nam ngày 21.2.2003
Chủ tịch Cuba Fidel Catro thămViệt Nam ngày 21.2.2003. ẢNh : Tư Liệu

Theo lời hiệu triệu của vị Tổng tư lệnh tối cao của mình, nhân dân Cuba đã làm hết sức mình để ủng hộ Việt Nam. Tháng 9.1973, chiến trường miền Nam vừa tạm ngưng tiếng súng theo Hiệp định Pari, khắp nơi còn đầy vết tích chiến tranh, Chủ tịch Fidel Castro là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và là duy nhất đã tới thăm vùng Giải phóng. Đứng giữa vòng tay của hàng trăm chiến sỹ Quân giải phóng (có người hãy còn khoác súng trên vai), ông phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và dõng dạc hô lớn như tryền mệnh lệnh chiến đấu: Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn! Hẹn gặp lại khi Việt Nam thống nhất!

Chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba cùng những cử chỉ, lời nói của Chủ tịch Fidel Castro làm tăng uy tín của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân ta.

Vào dịp này, thay mặt nhân dân Cuba, ông đã quyết định tặng Việt Nam 5 công trình có giá trị kinh tế lớn và rất thiết thực: Khách sạn Thắng Lợi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba ở Đồng Hới (Quảng Bình), đường cao tốc Xuân Mai, trại gà Lương Mỹ, trại bò sữa Mộc Châu. Ngoài ra, Cuba còn nhận đào tạo thêm hàng trăm lưu học sinh, cử cán bộ kỹ thuật cầu đường sang giúp mở đường Trường Sơn và viện trợ 5 triệu USD để mua thiết bị, máy móc, thuốc men và nhu yếu phẩm.

Trên mặt trận ngoại giao, Cuba luôn luôn đứng bên cạnh Việt Nam; là Quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cử Đại sứ sang trình Quốc thư tại "Thủ đô" trong vùng Giải phóng. Cuba cũng là nước kiên trì, tích cực nhất trong việc vận động để Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc.

Vào năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro có chuyến thăm Ba Lan và một số nước XHCN Đông Âu trong bối cảnh ở đó có biểu hiện chịu tác động của Mỹ. Tại Thủ đô Vacsava, trong cuộc chiêu đãi trọng thể do Bộ chính trị ĐCS Ba Lan khi đó tổ chức, ông đã đọc bài diễn văn mà báo Granma (Cơ quan Trung ương của ĐCS Cuba) đăng toàn văn với hàng tít lớn: Ngày nay, Việt Nam là thước đo lòng của Chủ nghĩa Quốc tế vô sản!

Cùng với viện trợ kinh tế, Cuba còn làm rất nhiều việc trong lĩnh vực văn hóa ủng hộ nhân dân ta. Sách, báo tuyên truyền về Việt Nam anh hùng và chính nghĩa được in với số lượng lớn, hoàn toàn do Nhà nước bao cấp - phát hành rộng rãi trong nước và gửi tặng bè bạn Mỹ Latinh, Caribe. Nhiều văn nghệ sỹ Cuba và Mỹ Latinh (đi qua con đường Cuba) đã sang thăm Việt Nam, lấy cảm hứng sáng tác. Trong số đó có nhà văn Phêlích Pita Rôđrighết (*)- tác giả bài thơ nổi tiếng: Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ.. Đọc tập thơ Nhật ký trong tù qua bản dịch tiếng Pháp, Phêlích Pita Rôđrighết đã nhận xét: Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ của một vị lãnh tụ vĩ đại duy nhất của thế kỷ này đi vào tương lai! (**).

Người anh hùng Chê Ghêvara đã để lại vị trí Bộ trưởng trong Chính phủ Cách mạng Cuba, tình nguyện sang chiến đấu trong hàng ngũ du kích nước Bôlivia và đã anh dũng hy sinh.  Ông đã kịp để lại câu nói bất hủ mà nay vẫn còn được lưu tryền ở Mỹ Latinh: Thế giới cần thêm những Việt Nam! 

Với nhân dân Việt Nam, đoàn kết hữu nghị, ủng hộ và giúp đỡ Cuba luôn từ tình cảm của trái tim. Những năm trước đây khi đất nước còn chiến tranh, nhiều chuyên gia giỏi về nông nghiệp của Việt Nam đã sang giúp Bạn thâm canh lúa nước, cà-fê, chè. Nhiều sinh viên Cuba được nhận sang học tiếng Việt và văn hóa Á Đông…

Sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam tiếp tục giúp Bạn ở các lĩnh vực mà mình có thế mạnh. Nhiều lần, tầu Việt Nam trở hàng ngàn tấn lương thực (có cả đồ dùng học tập) sang tặng Cuba.  

Ngày nay, tình hình thế giới cũng như hoàn cảnh mỗi nước có những biến chuyển - thuận lợi đan xen cùng thách thức. Lãnh đạo cao nhất của hai nước đều đã khẳng định, nêu rõ quyết tâm tiếp tục đưa quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Cuba lên tầm cao mới. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước rất lớn. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, có năng lực và kinh nghiệm phát triển một số ngành công nghiệp (điện tử, tin học, viễn thông, vật liệu xây dựng). Cuba có khả năng cùng kinh nghiệm trong các lĩnh vực như phát triển y tế cộng đồng, sản xuất thuốc chữa bệnh, công nghệ sinh học, du lịch, giáo dục - đào tạo, chăn nuôi… Hai nước đã cử nhiều đoàn công tác chuyên ngành sang trao đổi kinh nghiệm, ký kết các hợp đồng kinh tế, học hỏi lẫn nhau.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới Quốc Đảo Cuba anh hùng vào những ngày cuối tháng 3 năm 2018, theo lời mời của Chủ tịch Raul Castro thêm một dấu son vào lịch sử của tình hữu nghị thủy chung, bền vững Việt Nam - Cuba.

                              CHU HUY SƠN (34, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

(*)   Féliz Pita Rodríguez (1909 - 1991).

(**)   Lời F. P. Rodríguez nói trong buổi tiếp (nhóm phóng viên TTXVN tại nhà riêng ở Thủ đô La Habana, 1970.   


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch Trung Quốc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bắc Kinh

Hãng tin Tân Hoa ngày 28/3 xác nhận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm không chính thức tới Trung Quốc từ ngày 25-28/3 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. 

28/03/2018
Phòng trào kiểm soát súng đạn ở Mỹ gia tăng áp lực với giới lập pháp

Ban tổ chức các cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên Mỹ khẳng định tiếp tục chiến dịch nhằm yêu cầu giới lập pháp có biện pháp cụ thể hơn để ngăn chặn bạo lực súng đạn. 
Phát biểu trong chương trình "Đối mặt quốc gia" của đài CBS ngày 25/3, Emma Gonzalez, người đứng đầu cuộc tuần hành quy mô lớn diễn ra ngày 24/3 tại Washington D.C. với sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh và những người ủng hộ, cho hay những cuộc tuần hành vừa qua chỉ là sự khởi đầu cho chiến dịch yêu cầu siết chặt súng đạn. 

26/03/2018
Hàng trăm nghìn người biểu tình phản đối chủ trương cải cách của chính phủ Pháp

Ngày 22-3, hàng trăm nghìn người gồm công chức, nhân viên ngành đường sắt, y tá, giáo viên, sinh viên, nhân viên ngành hàng không... dưới sự dẫn dắt của bảy nghiệp đoàn lớn gồm: CGT, FO, FSU, CFTC, Solidaires, FA-FP et CFE-CGC đã đổ xuống đường phố trên khắp nước Pháp biểu tình phản đối chủ trương cắt giảm phúc lợi, cải cách lĩnh vực dịch vụ công của chính phủ.

 

23/03/2018
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chính thức bị điều tra

Reuters đưa tin ngày 21/3, các thẩm phán Pháp đã chính thức ra lệnh điều tra cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy về những cáo buộc liên quan đến các khoản tiền tài trợ bất hợp pháp dành cho chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2007. Theo một nguồn tin, ông Sarkozy được đặt dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp sau 2 ngày thẩm vấn liên quan đến những cáo buộc về việc cựu Tổng thống Pháp đã nhận tài trợ từ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2007.

22/03/2018