Bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp từ cây vụ Đông

16:01, 16/10/2022

BHG - Với phương châm “Nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất từ cây vụ Đông”, tỉnh ta đang tập trung các giải pháp đảm bảo tăng trưởng ngành Nông nghiệp, quyết tâm tạo đột phá từ cây vụ Đông.

Người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) làm đất, chuẩn bị gieo trồng cây vụ Đông.
Người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) làm đất, chuẩn bị gieo trồng cây vụ Đông.

Ngành Nông nghiệp của tỉnh giữ vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Vụ Mùa năm nay, các địa phương triển khai sản xuất theo khung thời vụ; chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, linh hoạt. Toàn tỉnh chuyển đổi trên 114 ha diện tích đất lúa không chủ động được nguồn nước sang trồng ngô, lạc, rau đậu để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Mùa ước đạt trên 117 nghìn ha; diện tích lúa gieo trồng đạt trên 28 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 164 nghìn tấn (tăng 791 tấn so với cùng vụ năm trước); ngô gieo trồng đạt trên 34 nghìn ha, sản lượng trên 130 nghìn tấn (tăng 226 tấn); đậu tương trồng trên 8,5 nghìn ha, sản lượng ước trên 13,5 nghìn tấn (tăng 210 tấn); lạc trồng trên 3,5 nghìn ha, sản lượng ước trên 9,8 nghìn tấn (tăng 465 tấn); rau, đậu các loại trồng trên 5,7 nghìn ha, sản lượng ước trên 37 nghìn tấn (tăng 885 tấn)… Đây chính là tiền đề để tỉnh ta đặt quyết tâm tạo đột phá từ cây vụ Đông.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Để tập trung sản xuất vụ Đông, ngành chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thu hoạch nhanh, gọn diện tích cây trồng vụ Mùa; tích cực thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phòng, chống dịch hại trên cây trồng; chuẩn bị các điều kiện về giống, phân bón; lựa chọn cơ cấu các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Duy trì chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cam, chè để nâng cao năng suất, chất lượng, đặc biệt là diện tích cam đang nhiễm bệnh vàng lá, khô đầu cành tại huyện Bắc Quang, Quang Bình. Chỉ đạo chăm sóc tốt sản phẩm cam Sành niên vụ 2022-2023; tiến hành thu hái và bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn để đảm bảo chất lượng, tiếp cận các thị trường tiêu thụ...

Với mục tiêu hạn chế đất nông nghiệp bỏ trống trong vụ Đông, phát huy tối đa tiềm năng đất đai, khí hậu, nhân lực, vật lực của từng vùng; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; hình thành vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, các địa phương trong tỉnh đang chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương. Phấn đấu vụ Đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng trên 12,6 nghìn ha, trong đó trên 2 nghìn ha ngô với khoảng 1,4 nghìn ha cho sản phẩm thu bắp và trên 600 ha ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi theo hình thức liên kết tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên; cây Tam giác mạch trồng khoảng 463 ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn để phục vụ Lễ hội hoa Tam giác mạch. Diện tích còn lại tập trung trồng Khoai tây, Khoai lang, rau, đậu các loại.

Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Hoàng Thanh Tịnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất cây vụ Đông, huyện huy động sự tham gia chỉ đạo sản xuất của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; phân công lãnh đạo và cán bộ có liên quan chỉ đạo từng xã và yêu cầu các xã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể; tăng cường cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp xuống cơ sở tuyên truyền, tập huấn và chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công tác thủy nông, bảo vệ thực vật. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tham gia mở rộng diện tích sản xuất.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang xác định quy mô, loại cây trồng, địa điểm triển khai để đảm bảo đủ diện tích cho sản xuất các loại cây trồng vụ Đông. Bà con nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Mùa sớm; vệ sinh đồng ruộng và trồng cây vụ Đông theo phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ Đông”. Các địa phương ưu tiên các khu vực đất tốt, chủ động thủy lợi để chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như rau, củ, quả; bố trí trồng ngô sinh khối ở những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi, trồng tập trung để thuận tiện cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Triển khai dồn điền, đổi thửa, mượn đất để hình thành vùng sản xuất vụ Đông tập trung, tạo điều kiện áp dụng máy móc, cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Các tổ quản lý thủy nông chủ động tiêu úng đầu vụ, đáp ứng yêu cầu nước cho giữa và cuối vụ; đảm bảo cây trồng vụ Đông được tưới, tiêu chủ động khi có diễn biến thời tiết bất thường.

Để bảo đảm sản xuất vụ Đông hiệu quả, tỉnh ta khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư dịch vụ ứng trước giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật cho sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ Đông. Tăng cường công tác khuyến nông, triển khai tập huấn kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đối với từng loại sản phẩm vụ Đông theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Nâng cao vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất làm dịch vụ nông nghiệp để thực sự là cầu nối giữa nông dân, nhà nước, khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dịch vụ trực tiếp đến nông dân như: Dịch vụ làm đất, giống, vật tư, phân bón, tiêu thụ sản phẩm, bảo quản nông sản...

“Hiện tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo hướng nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã; tạo mối liên kết trong việc xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh thu hút đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để bảo đảm các khâu sản xuất của người dân được hiệu quả, nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản vụ Đông, tránh tình trạng được mùa mất giá” – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết thêm.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ rừng

BHG - Thời gian qua, cùng nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng (BVR), Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân không vi phạm các quy định về BVR. Nhờ đó, công tác quản lý, BVR của đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng nâng lên rõ rệt.


16/10/2022
Phát triển nông nghiệp thông minh ở Hà Giang
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, với 86% dân cư là lao động nông thôn. Do địa hình bị chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra thiên tai, bão lũ và tập quán canh tác còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, cho nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, tỉnh thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm để thay đổi tư duy tập quán canh tác của người dân...
16/10/2022
Đổi thay trong lao động sản xuất của người dân biên giới
BHG - Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, cùng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân khu vực biên giới trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh ta chú trọng, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và hộ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp đồng bào có công việc, thu nhập ổn định và từng bước nâng cao đời sống.
16/10/2022
Động lực giúp hộ nghèo xã Thượng Phùng vươn lên
BHG - Được sở hữu căn nhà mới kiên cố, khang trang theo Chương trình xây dựng nhà ở 1953 của Tỉnh ủy cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế đã tạo động lực lớn giúp nhiều hộ khó khăn xã biên giới Thượng Phùng (Mèo Vạc) vươn lên thoát nghèo.
16/10/2022