Nâng cao ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ rừng

16:00, 16/10/2022

BHG - Thời gian qua, cùng nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng (BVR), Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân không vi phạm các quy định về BVR. Nhờ đó, công tác quản lý, BVR của đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng nâng lên rõ rệt.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Bắc Mê phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ rừng và cấm săn bắt động vật hoang dã.
Cán bộ Kiểm lâm huyện Bắc Mê phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ rừng và cấm săn bắt động vật hoang dã.

Bắc Mê có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp; giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh; diện tích rừng tự nhiên lớn và có nhiều loại gỗ quý hiếm có giá trị cao. Lực lượng BVR còn mỏng, nên chưa đảm bảo để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã trong lĩnh vực BVR. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, phát rừng sản xuất để trồng rừng mới vẫn còn xảy ra tại một số địa bàn; hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý. Hoạt động tuần tra BVR của chủ rừng và các tổ đội quần chúng tại thôn, bản tuy được triển khai thực hiện nhưng chưa duy trì thường xuyên, dẫn đến việc một số khu vực rừng tự nhiên bị xâm hại nhưng chủ rừng chưa kịp thời kiểm tra phát hiện; Ban quản lý rừng chưa thành lập được lực lượng chuyên trách BVR. Vì vậy, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn huyện hết sức nặng nề.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê, Nguyễn Trung Kiên cho biết: Đơn vị phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ BVR vì phụ trách địa bàn rộng lớn, giao thông đi lại khó khăn, nhất là khu vực tiếp giáp với 2 tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang. Bên cạnh đó, hàng ngàn hộ dân sinh sống ở trong lâm phận rừng, đời sống của nhiều người còn khó khăn do không có đất canh tác, không nghề nghiệp ổn định. Một số người ý thức chưa cao và sống lệ thuộc vào tài nguyên rừng... Do đó, chúng tôi luôn xác định công tác quản lý, BVR là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, hàng năm Hạt Kiểm lâm huyện chủ động tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét khép kín địa bàn, đặc biệt chú trọng vào các dịp lễ, Tết, mùa nông nhàn, mùa có các loại lâm sản; bố trí lực lượng thường xuyên túc trực tại các khu vực có nhiều loài động vật rừng hay tại các khu vực nhiều cây gỗ lớn có giá trị cao về kinh tế. Đồng thời, phối hợp giữa các lực lượng thực hiện nghiêm túc công tác phối hợp theo quy chế; cùng với việc thường xuyên tuần tra, BVR, các lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân…

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền về công tác BVR được 4.300/4.500 lượt người, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022. Ký cam kết BVR với 4.300 hộ gia đình; cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng tại 13/13 xã, thị trấn… Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức lực lượng trực gác suốt 24/24h tại các cửa ngõ quan trọng nhằm kiểm soát phương tiện ra, vào rừng và kịp thời ngăn chặn, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Cụ thể, qua công tác tuần tra, kiểm tra đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã và Ban quản lý rừng phòng hộ phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, canh gác BVR, lực lượng Kiểm lâm còn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân sinh sống trong lâm phận. Đơn vị xác định, mỗi kiểm lâm viên là một tuyên truyền viên. Do vậy, ngoài tham gia các chuyên đề do đơn vị tổ chức, lực lượng Kiểm lâm còn dành thời gian đến từng hộ dân, thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; đồng thời vận động, nhắc nhở bà con chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc không được phép săn bẫy động vật hoang dã cũng như thu hái các loài lâm sản quý hiếm trong rừng…

Ông Lù Văn Minh, thôn Bản Khun, xã Yên Cường - một trong những người sống lâu năm trong lâm phận rừng cho biết: Từ khi được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện đến tuyên truyền pháp luật thì bà con đã hiểu và bỏ thói quen không còn vào rừng săn, bẫy động vật hoang dã và không khai thác rừng đem bán để kiếm thu nhập như trước. Nhiều người đã tìm, chọn công việc khác như đi làm công nhân, chăn nuôi, chăm sóc đàn trâu, bò… Cuộc sống nhờ đó cũng ổn định hơn.

Với sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền công tác quản lý, BVR, ý thức của người dân huyện Bắc Mê được nâng lên cũng là lúc diện tích rừng ngày càng được giữ vững, góp phần bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển nông nghiệp thông minh ở Hà Giang
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, với 86% dân cư là lao động nông thôn. Do địa hình bị chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra thiên tai, bão lũ và tập quán canh tác còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, cho nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, tỉnh thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm để thay đổi tư duy tập quán canh tác của người dân...
16/10/2022
Đổi thay trong lao động sản xuất của người dân biên giới
BHG - Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, cùng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân khu vực biên giới trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh ta chú trọng, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và hộ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp đồng bào có công việc, thu nhập ổn định và từng bước nâng cao đời sống.
16/10/2022
Động lực giúp hộ nghèo xã Thượng Phùng vươn lên
BHG - Được sở hữu căn nhà mới kiên cố, khang trang theo Chương trình xây dựng nhà ở 1953 của Tỉnh ủy cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế đã tạo động lực lớn giúp nhiều hộ khó khăn xã biên giới Thượng Phùng (Mèo Vạc) vươn lên thoát nghèo.
16/10/2022
Phát triển bền vững cam Sành Hà Giang – Kỳ 2: Giải mã hiện tượng suy thoái vùng cam
BHG - Năm 2000 là thời kỳ phát triển hoàng kim của cây cam Sành khi tổng diện tích đạt mốc 8.000 ha. Song sau đó, diện tích suy giảm nhanh chóng, chỉ còn trên 1.700 ha vào năm 2011. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2012 – 2021, cây cam phục hồi mạnh mẽ với tổng diện tích lên đến gần 7.100 ha. Nhưng ngay năm sau, diện tích cam Sành có dấu hiệu suy giảm khi hàng nghìn ha nhiễm bệnh, khó có khả năng phục hồi. Điều này cho thấy, sản xuất cam Sành chưa thực sự bền vững.
13/10/2022