Phát triển bền vững cam Sành Hà Giang – Kỳ 2: Giải mã hiện tượng suy thoái vùng cam

10:37, 13/10/2022

BHG - Năm 2000 là thời kỳ phát triển hoàng kim của cây cam Sành khi tổng diện tích đạt mốc 8.000 ha. Song sau đó, diện tích suy giảm nhanh chóng, chỉ còn trên 1.700 ha vào năm 2011. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2012 – 2021, cây cam phục hồi mạnh mẽ với tổng diện tích lên đến gần 7.100 ha. Nhưng ngay năm sau, diện tích cam Sành có dấu hiệu suy giảm khi hàng nghìn ha nhiễm bệnh, khó có khả năng phục hồi. Điều này cho thấy, sản xuất cam Sành chưa thực sự bền vững.

Các nhà khoa học lấy mẫu rễ, phân tích nguyên nhân suy thoái vùng cam Sành.
Các nhà khoa học lấy mẫu rễ, phân tích nguyên nhân suy thoái vùng cam Sành.

Xuất hiện bệnh vàng lá, khô đầu cành

Bắc Quang là thủ phủ cam Sành của tỉnh, với tổng diện tích lên đến gần 3.100 ha. Cam Sành đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giúp nhiều nhà vườn vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú. Nhưng nay, không ít vườn cam Sành vốn xanh mướt, trù phú bỗng điểm sắc vàng, thiếu sức sống. Rải rác nơi góc vườn, không ít cây cam đang trĩu quả “gục đổ” trước hiện tượng vàng lá, khô đầu cành, trở thành đống củi khô khiến không ít nhà vườn lo lắng, xót xa.

Trước đây, vườn cam Sành rộng 8 ha của gia đình chị Lý Thị Điệp, thôn Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Hảo) được nhiều người biết đến như một vườn mẫu, trở thành địa chỉ tham quan du lịch, học tập kinh nghiệm sản xuất của không ít đoàn khách trong và ngoài tỉnh. Nhưng chỉ sau vụ thu hoạch cam niên vụ 2021 – 2022, hàng trăm cây cam Sành trên 10 năm tuổi của gia đình chị buộc phải chặt hạ vì bị vàng lá, khô đầu cành. “Cam Sành là tâm huyết cả đời của gia đình tôi. Khi cam bị bệnh, phải chặt bỏ để hạn chế lây lan sang cây khác, khiến tôi không cầm được nước mắt”, chị Điệp nói. Thực tế trên khiến gia đình chị Điệp thiệt hại không nhỏ về kinh tế, khi bình quân 1 cây cam Sành mang lại nguồn thu cho gia đình chị từ 2 – 3 triệu đồng/vụ.

Không ít diện tích cam Sành bị vàng lá, thối rễ, khô đầu cành không có khả năng phục hồi.
										Ảnh: THU PHƯƠNG
Không ít diện tích cam Sành bị vàng lá, thối rễ, khô đầu cành không có khả năng phục hồi. 

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Hiện nay, toàn huyện có gần 980 ha cam Sành của 1.146 hộ, tại 21 xã, thị trấn xuất hiện hiện tượng cây cam bị vàng lá, khô cành từ trên ngọn xuống, dẫn đến cây sinh trưởng, phát triển kém và chết. Hiện tượng này diễn tiến khá nhanh, diện tích cây bị ảnh hưởng chủ yếu ở giai đoạn từ 5 – 10 tuổi. Trong đó, khoảng 80% diện tích cam khó có khả năng phục hồi; những diện tích còn lại cần nguồn kinh phí lớn mới có thể khôi phục. Chủ tịch UBND xã Tiên Kiều, Lý Văn Thắng cho biết: Tiên Kiều là một trong những xã có diện tích cam Sành lớn nhất trên địa bàn huyện với diện tích lên đến 725,4 ha. Nhưng hiện nay, trên 360 ha cam (chiếm khoảng 50% tổng diện tích cam toàn xã) bị vàng lá, thối rễ, khô cành, không có khả năng phục hồi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhân dân...

Tương tự huyện Bắc Quang, hiện nay, huyện Quang Bình, Vị Xuyên có trên 940 ha cam Sành mắc bệnh vàng lá, khô đầu cành, sinh trưởng, phát triển kém, nâng tổng diện tích cam mắc bệnh lên gần 1.900 ha; trong đó, đa phần diện tích cam khó có khả năng khôi phục, khiến vùng trọng điểm về cam của tỉnh đối diện nguy cơ suy giảm diện tích.

Xác định nguyên nhân

Năm 2014, UBND tỉnh cho chủ trương phục hồi lại diện tích cam Sành với mục tiêu giữ ổn định 5.000 ha. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2017, giá bán cam tại vườn tăng mạnh, từ 15 – 20 nghìn đồng/kg (đầu vụ) lên 25 – 30 nghìn đồng/kg (cuối vụ) dẫn tới việc người dân bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trồng cam xuống ruộng và cả trên đất quy hoạch cây lâm nghiệp có độ dốc cao để mở rộng diện tích. Thực tế này phá vỡ quy hoạch, kéo theo nhiều hệ lụy cản trở sự phát triển bền vững của cam Sành.

Theo kết quả “Nghiên cứu thực trạng suy thoái và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng cam Hà Giang” – đề tài cấp quốc gia, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) phối hợp với các huyện trọng điểm về cam của tỉnh thực hiện đã chỉ rõ 3 nguyên nhân gây suy giảm diện tích cam Sành, bao gồm: Áp dụng quy trình kỹ thuật trồng cam chưa chuẩn; không đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng và xuất hiện sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây cam.

Thực tế cho thấy, đa phần các nhà vườn chưa tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật do ngành chuyên môn khuyến cáo, nhất là việc sử dụng phân bón không đảm bảo về định mức, lạm dụng thuốc trừ cỏ… dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón không cao, đất nhanh suy thoái, cây trồng sinh trưởng và phát triển thiếu bền vững. Tại huyện Bắc Quang, tỷ lệ hộ trồng cam áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc cây cam chỉ chiếm 30 – 35% và mới thực hiện được ở 1 – 2 khâu trong quá trình sản xuất. Có đến 75% nhà vườn không chủ động nước tưới cho cây mà phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và mới có khoảng 20 ha – một con số rất nhỏ trên tổng diện tích cam toàn huyện được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước. Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Cây cam Sành thiếu nước trong thời kỳ nở hoa, nuôi quả là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất, chất lượng và mẫu mã quả.

Cùng với hạn chế trên, có đến 90% diện tích cam của tỉnh được trồng trên đất đồi, độ dốc lớn dẫn đến hiện tượng đất bị rửa trôi và xói mòn vào mùa mưa. Từ quá trình rửa trôi lâu ngày khiến đất bị chua cộng thêm phương thức canh tác chưa hợp lý, gây ra các bệnh sinh lý, rối loạn sinh lý, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, ra hoa, đậu quả và chất lượng quả, khiến vườn cây bị suy thoái nhanh chóng. Bên cạnh đó, đa số các nhà vườn lạm dụng phân bón vô cơ, bón quá nhiều phân đạm lại thiếu kali gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng quả, như: Mẫu mã xấu, vỏ dày, nhiều hạt và chua. Riêng việc cắt tỉa, tạo tán là khâu kỹ thuật quan trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng, tình hình sâu bệnh và năng suất vườn cam. Tuy nhiên, có đến 80% số hộ không thực hiện cắt tỉa, tạo tán.

Cá biệt, có những thời điểm giá cam Sành tương đối thấp lại xuất hiện hiện tượng rụng quả khi gặp thời tiết cực đoan khiến người trồng cam thất thu. Không có vốn đầu tư tái sản xuất, nhiều nhà vườn đã hạn chế, thậm chí không cung cấp dinh dưỡng cho cây, vô hình trung tạo môi trường lý tưởng xuất hiện sâu bệnh hại. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học đã điểm tên 3 loại sâu bệnh hại nguy hiểm nhất gây nên tình trạng suy thoái vùng cam Sành, bao gồm: Vàng lá, thối rễ; Tristezra và bệnh vàng lá gân xanh (Greening), làm suy giảm năng suất cam từ 20,2 – 26,6%.

Ngoài những nguyên nhân trên, có tới 70% tổng diện tích cam Sành của tỉnh được trồng bằng giống không đảm bảo chất lượng (chiết cành, mua giống không rõ xuất xứ) khiến diện tích cam bị thoái hóa nhanh, sâu bệnh nhiều dẫn đến giảm năng suất, sản lượng. Hơn nữa, việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói cam sau thu hoạch chưa đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng quả. Thêm vào đó, việc chế biến, bảo quản sản phẩm cam Sành còn rất nhiều hạn chế, do số lượng cơ sở chế biến cam còn ít. Toàn tỉnh hiện mới có 3 cơ sở chế biến với công suất nhỏ; 1 nhà máy chế biến cam quy mô sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng thu mua sản phẩm từ các cơ sở này rất thấp, đáp ứng khoảng 0,3 – 0,5% tổng sản lượng cam toàn tỉnh...

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững cam Sành Hà Giang. Trong đó, khắc phục nhược điểm cam Sành đang gặp phải, như: Giá trị thấp, chất lượng quả không đồng đều, nhiều hạt, chua, dễ bị hỏng, không rải vụ, thiếu cơ sở chế biến, phạm vi tiêu thụ hẹp và nhất là việc phát triển diện tích cây cam Sành chưa đảm bảo đúng quy hoạch, định hướng phát triển.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG

Kỳ cuối: Tạo sức bật cho cây cam Sành


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giữ dòng “huyết mạch” kinh tế thông suốt
BHG - Hiện nay, Công ty Xăng dầu Hà Giang (Petrolimex Hà Giang) đã phát triển hệ thống bán lẻ với gần 30 cửa hàng xăng dầu phủ khắp 11/11 huyện, thành phố. Dòng xăng dầu ngược chảy vùng cao, biên viễn xa xôi, len lỏi đến nhiều địa bàn khó khăn của dải đất biên cương cực Bắc, dù phải bù lỗ nhiều tỷ đồng chi phí vận chuyển, song, Petrolimex vẫn sắt son sứ mệnh cao cả: Giữ dòng “huyết mạnh” kinh tế thông suốt, đảm bảo xăng dầu cho nhu cầu dân sinh, phát triển xã hội và an ninh năng lượng quốc gia.
13/10/2022
Đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn thu ngân sách
BHG - Trên địa bàn tỉnh hiện có 77 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch đầu tư với tổng công suất lắp máy trên 1.061 MW. Trong đó, 40 nhà máy đang phát điện vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất lắp máy 752,5 MW; 10 công trình thủy điện đang thi công xây dựng, tổng công suất lắp máy trên 103 MW, còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Các nhà máy thủy điện vận hành ổn định, đáp ứng các yêu cầu hệ thống điện của tỉnh và quốc gia; đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH, an ninh năng lượng quốc gia và là nguồn thu ngân sách ổn định cho tỉnh.
13/10/2022
Hiệp hội Doanh nghiệp đoàn kết, vượt khó, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
BHG - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh (Hiệp hội) với 423 hội viên, 6 tháng đầu năm đóng góp khoảng 65% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Đó là kết quả nổi bật, nói lên sự cố gắng, nỗ lực, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Hà Giang luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, phóng viên Báo Hà Giang có bài phỏng vấn ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội về những thuận lợi, khó khăn và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển của tỉnh.
12/10/2022
Phát triển bền vững cam Sành Hà Giang – Kỳ 1: “Thương hiệu vàng” nơi cực Bắc
BHG - Nhận diện điểm nghẽn, kịp thời ra quyết sách, khơi dòng vốn chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển bền vững cây cam Sành. Thực tế này một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đưa cam Sành Hà Giang đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.
12/10/2022