Tiềm năng vùng lòng hồ Thủy điện Nho Quế 3

10:44, 23/09/2020

BHG - Dù có dùng bao nhiêu mỹ từ cũng khó có thể diễn tả về sức hút của lòng hồ Thủy điện Nho Quế 3 (xã Khâu Vai – Mèo Vạc) nếu chưa một lần được mục sở thị. Không chỉ giàu tiềm năng về du lịch (DL), nơi đây còn tràn đầy triển vọng trong phát triển kinh tế và hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no cho người dân vùng cao Mèo Vạc.

Lãnh đạo xã Khâu Vai (Mèo Vạc) tham quan mô hình nuôi cá lồng của HTX Châu Kiệt.
Lãnh đạo xã Khâu Vai (Mèo Vạc) tham quan mô hình nuôi cá lồng của HTX Châu Kiệt.

Cách đây hơn 10 năm, tiếng máy rộn rã của công trường tại xã Khâu Vai đã đánh dấu sự hình thành của Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3, do Tập đoàn Bitexco đầu tư. Sau hơn 3 xây dựng, năm 2012, nhà máy chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Cũng từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mèo Vạc không ngừng được nâng lên; an ninh, quốc phòng khu vực biên giới ngày càng được củng cố, nguồn thu ngân sách huyện cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, sự ra đời của nhà máy đã hình thành một vùng lòng hồ rộng hàng chục ha; không chỉ thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản mà còn vô tình tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, bình yên đầy sức lôi cuốn phục vụ phát triển ngành DL của địa phương.

Tận dụng lợi thế mặt nước trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 3, HTX Dịch vụ và nông, lâm nghiệp Châu Kiệt (HTX Châu Kiệt), xã Khâu Vai đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lồng. Ông Lương Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX Châu Kiệt, cho biết: Mặc dù HTX mới được thành lập chưa đầy 1 năm, song nhận thấy thế mạnh tiềm tàng của lòng hồ thủy điện; chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi 6 lồng cá với các loại, như: Dầm xanh, Anh vũ, Lăng, Trắm, Chép. Đây là các loại cá có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Dự kiến trong năm 2020, sản lượng cá của HTX ước đạt trên 10 tấn; đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi từ 300 – 800 con ngan, vịt/lứa, ước thu nhập trên 350 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 – 7 lao động địa phương và hơn 20 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động thành viên góp vốn phát triển lên 16 lồng cá và nuôi từ 1.000 con ngan, vịt/lứa; góp phần tạo nguồn thu nhập nhanh và bền vững cho các thành viên.

Song song với phát triển chăn nuôi trên lòng hồ thủy điện, HTX Châu Kiệt còn phát huy hiệu quả thế mạnh về DL. Để phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách; HTX đã đầu tư một thuyền với sức chứa từ 50 – 60 khách. Từ đầu năm đến nay, HTX đã đón trên 700 lượt khách đến khám phá lòng hồ và sử dụng dịch vụ ăn uống. Và chắc hẳn, trên dòng Nho Quế trong xanh, thơ mộng uốn mình quanh những vạt đồi, vách đá với chiều dài lòng hồ hơn 14 km sẽ là sự trải nghiệm thú vị đối với bất kỳ ai. Chị Bùi Thị Thu, du khách đến từ huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), chia sẻ: Vẻ đẹp thơ mộng và kỳ vỹ của hồ Thủy điện Nho Quế 3 thực sự khiến chúng tôi bị choáng ngợp. Tại đây, tôi ấn tượng mạnh với hẻm vực được ví như hẻm vực Tu Sản thứ 2 của Mèo Vạc, ước chừng độ cao phải lên tới hàng trăm mét. Thêm nữa, được nghỉ ngơi dưới chân vách đá dựng đứng, cảm giác mát lạnh giữa ngày Hè oi nóng và được thưởng thức những món ăn độc đáo ngay trên thuyền đã đem đến cho chúng tôi sự thư thái và bình yên bất tận. Ngoài ra, được trải nghiệm chăn vịt, câu cá, nướng cá hay cùng nấu ăn cũng là những kỷ niệm chúng tôi không thể quên…

Theo Phó Giám đốc HTX Châu Kiệt – Lương Văn Hùng: Cùng với duy trì, phát triển chăn nuôi dựa trên lợi thế diện tích mặt hồ Thủy điện Nho Quế 3; hiện nay, HTX tiếp tục đầu tư, phát triển các dịch vụ DL phục vụ du khách. Trong đó, coi trọng các chỉ tiêu về chất lượng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng. Từ đó, không chỉ giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và người lao động trên địa bàn mà còn góp phần đưa Khâu Vai trở thành điểm DL không thể bỏ qua đối với du khách khi đặt chân đến Cao nguyên đá.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

Giảm nghèo bền vững ở Hoàng Su Phì

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

 

23/09/2020
Hồng không hạt - Trái ngọt trên Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Hồng không hạt là sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Quản Bạ, đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bảo hộ và Chỉ dẫn địa lý từ năm 2017. Khi đặt chân đến Quản Bạ, ngoài việc tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, bạn chắc chắn không thể bỏ qua món đặc sản hồng không hạt ngon, ngọt và sạch này.

22/09/2020
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

BHG - Từ đầu năm đến nay, dịch Covid – 19 và thiên tai liên tiếp xảy ra đã tác động toàn diện lên nền kinh tế; khiến nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động, lao động mất việc làm. Để giúp các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tỉnh đang triển khác các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ.

 

22/09/2020
Mèo Vạc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

BHG - Sau 5 năm thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp" phù hợp với điều kiện của địa phương đã giúp Mèo Vạc chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Thực hiện đề án, Mèo Vạc đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy của các cấp, ngành, địa phương, cán bộ và nhân dân trong huyện; kịp thời ban hành các kế hoạch, xác định mục tiêu, giải pháp và phân công trách nhiệm trong quá trình triển khai. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương...

21/09/2020