Những mô hình kinh tế tiêu biểu ở Bắc Quang

09:50, 11/06/2020

BHG - Những thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên chính là lợi thế giúp huyện Bắc Quang phát triển ngành Nông nghiệp. Cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất của người nông dân, không ít mô hình sản xuất tiêu biểu trong phát triển kinh tế đã được hình thành, góp phần tạo nên diện mạo mới cho huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh.

Lãnh đạo huyện tham quan mô hình trồng cây Thanh long tại thị trấn Vĩnh Tuy.
Lãnh đạo huyện tham quan mô hình trồng cây Thanh long tại thị trấn Vĩnh Tuy.

Điều phải nhắc tới là các mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt. Có thể điểm danh một số mô hình tiêu biểu, như: Mô hình HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc với diện tích trên 300 ha, mỗi năm cho thu nhập trên 10 tỷ đồng; mô hình chuyển đổi cải tạo vườn tạp sang trồng cây cam Giấy áp dụng thâm canh theo hướng VietGap tại thôn Việt Hà, xã Việt Hồng với quy mô 10 ha, doanh thu đạt từ 300 – 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây Thanh long ruột đỏ của HTX Thanh long ruột đỏ thôn An Xuân, xã Đồng Yên cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/thành viên/năm… Bên cạnh đó, một số mô hình sản xuất cây vụ Đông, như: Mô hình trồng dưa chuột (thôn Tân Tiến, xã Hùng An); trồng cây ngô (thôn Khiềm, xã Quang Minh),… cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/vụ.

Nuôi gà thương phẩm theo hướng gia trại giúp người dân xã Đồng tiến có thu nhập ổn định.
Nuôi gà thương phẩm theo hướng gia trại giúp người dân xã Đồng tiến có thu nhập ổn định.

Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng xuất hiện không ít mô hình ấn tượng. Nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi bò, lợn, chim bồ câu, cá lồng… Đơn cử như mô hình nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt thương phẩm của gia đình ông Chu Văn Bản (thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh). Thời điểm nhiều nhất, gia đình ông có đến 36 con lợn nái, mỗi năm xuất bán trên 1.000 lợn con; ngoài ra, ông nuôi thêm hơn 100 con lợn thịt, cho thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng. Hay như mô hình nuôi cá lồng của HTX Cá lồng Vĩnh Tuy, với quy mô 52 lồng cá (chủ yếu là cá Chiên), nếu không có thiên tai, dịch bệnh, mỗi năm HTX thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.

Cùng với những mô hình tiêu biểu trên, nhiều mô hình nông – lâm kết hợp cũng được thực hiện hiệu quả. Tại thôn Tân Điền, xã Kim Ngọc, hộ ông Bế Văn Chang được nhiều người biết đến với mô hình chăn nuôi bò và trồng cây dược liệu cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Để có được thu nhập này, ông đã trồng 1.000 m2 cây lá Khôi; nuôi hơn 10 con bò hàng hóa. Còn đoàn viên Hứa Văn Hùng, thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc lại khởi nghiệp với mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp từ dê, gà, cá và trồng cam Sành với doanh thu đạt 300 triệu đồng/năm.

Có thể nói, để hình thành nên những mô hình sản xuất tiêu biểu thì cần phải có những con người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Nếu không muốn nhắc lại những mô hình đã trình bày ở trên thì mô hình VAC tổng hợp của cựu chiến binh Nguyễn Công Minh, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm cũng khiến nhiều người thám phục. Với hơn 5 ha đất vườn rừng, ông dành 1 ha để trồng keo và 4 ha để trồng các loại cam như: Cam Vinh, Đường canh, V2. Phần diện tích đất còn lại, ông dùng để nuôi cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn đen. Ông Minh cho biết, để có được kết quả này, ngoài lợi thế quỹ đất sản xuất của gia đình, ông còn thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhằm đáp ứng thị hiếu của thị trường.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Quang, những năm qua, ngành Nông nghiệp của huyện được duy trì ở mức tăng trưởng khá. Riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 3.000 tỷ đồng (tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2018). Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của những mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

    Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên sản xuất chè theo hướng VietGAP

BHG - Sản xuất chè sạch, an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè, nâng cao giá trị cây chè và nâng cao đời sống người làm chè là định hướng của huyện Vị Xuyên đối với việc phát triển chè Shan tuyết, cây trồng kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè, thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm chè địa phương.

 

11/06/2020
Du Tiến chú trọng phát triển thương mại

BHG - Du Tiến nằm trong cụm 5 xã phía Nam của huyện Yên Minh, gồm: Du Già, Du Tiến, Lũng Hồ, Đường Thượng, Ngọc Long và cách trung tâm huyện trên 64 km. Từ năm 2015 trở về trước, khi tuyến đường Du Tiến – Ngọc Long chưa được khai thông, đường từ Du Già đến Du Tiến là tuyến duy nhất kết nối giao thông, giao thương cho địa phương này. Cũng bởi thế, điều kiện phát triển KT – XH của Du Tiến gặp rất nhiều khó khăn...

11/06/2020
Cây Ấu tẩu góp phần xóa nghèo ở Cao Mã Pờ

BHG - Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn huyện Quản Bạ đã có nhiều cách làm mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đặc biệt là những cây dược liệu quý đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó có xã Cao Mã Pờ với mô hình trồng cây Ấu tẩu, không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn góp phần xóa nghèo, tạo việc làm ổn định cho đồng bào biên giới.

 

09/06/2020
Ngành Nông nghiệp chủ động ứng phó với dịch bệnh

BHG - Những tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bất thường của thiên tai và dịch bệnh. Dịch tả lợn châu Phi mới được khống chế nên công tác tái đàn gặp nhiều khó khăn, xuất hiện sâu, bệnh hại trên cây trồng, các mặt hàng nông sản chủ lực tiêu thụ khó khăn và giá bán có xu hướng giảm do tác động của dịch Covid – 19…

 

09/06/2020