Yên Minh xây dựng vùng cây ăn quả ôn đới

14:03, 03/05/2019

BHG - Huyện Yên Minh có điều kiện tự nhiên rất thích hợp để phát triển cây ăn quả ôn đới. Khai thác lợi thế này, những năm qua, địa phương đang tích cực phát triển một số cây ăn quả có thế mạnh, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Lãnh đạo xã Hữu Vinh thăm vườn cây ăn quả của gia đình anh Mai Văn Thành, thôn Khai Hoang Bản Vàng.
Lãnh đạo xã Hữu Vinh thăm vườn cây ăn quả của gia đình anh Mai Văn Thành, thôn Khai Hoang Bản Vàng.

Hữu Vinh là một trong những xã có diện tích cây ăn quả ôn đới tương đối lớn của huyện với các loại cây, như: Hồng không hạt, lê, mận Tam hoa... Đến thăm gia đình anh Mai Văn Thành, thôn Khai Hoang Bản Vàng, được biết, với diện tích gần 5 ha, anh Thành lựa chọn trồng kết hợp các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Trong đó, có 200 cây Hồng không hạt, 1.000 gốc ổi và các loại cây ăn quả khác, như: Mận Tam hoa, Hồng xiêm… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn thu được khoảng 200 triệu đồng. Phát huy lợi thế của vùng, thôn Khai Hoang Bản Vàng có 43 hộ thì 17 hộ trồng cây ăn quả; người dân đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.

Cán bộ nông nghiệp xã Du Tiến (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc cây lê.
Cán bộ nông nghiệp xã Du Tiến (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc cây lê.

Để thực hiện mục tiêu phát triển cây ăn quả ôn đới, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao. Triển khai nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất cho từng loại cây ăn quả ôn đới và xác định diện tích trồng mới ở các xã, thị trấn nằm trong vùng quy hoạch. Trong đó, cây Hồng không hạt thực hiện tại các xã: Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải, Hữu Vinh, Đông Minh; cây lê tập trung ở các xã: Sủng Thài, Sủng Cháng, Phú Lũng, Hữu Vinh, Thắng Mố, Du Tiến; cây mận và cây ôn đới khác thực hiện tại 18 xã, thị trấn. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện Yên Minh là 1.700 ha; trong đó, cây ăn quả ôn đới 606,5 ha, gồm: Hồng không hạt 296,5 ha, mận Tam hoa 58,1 ha; lê 180 ha; mơ 24,1 ha; đào 47,8 ha. Tổng giá trị kinh tế đạt trên 10 tỷ đồng.

Cùng với việc tổ chức quy hoạch, phân vùng sản xuất, xây dựng các phương án, đề án, kế hoạch, huyện Yên Minh còn ban hành, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để đầu tư, hỗ trợ người nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển cây ăn quả ôn đới theo hướng hàng hóa. Theo đó, sản phẩm Hồng không hạt Na Khê đã được chứng nhận nhãn hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc phát triển các sản phẩm đặc hữu, có thế mạnh của địa phương được gắn liền với ứng dụng KHKT. Tổ chức tốt việc sản xuất theo hướng “5 cùng” và “liên kết 4 nhà”, chuyển đổi diện tích đất canh tác… Qua đó, giá trị ngành Nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, thực tế phát triển cây ăn quả ôn đới trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, như: Cơ cấu và chủng loại chưa phong phú; diện tích manh mún; công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ còn yếu, các lợi thế chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Trước thực trạng này, UBND huyện Yên Minh đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Phát triển cây lê và một số cây ăn quả ôn đới trên địa bàn huyện, giai đoạn 2019 - 2025”.

Đồng chí Nguyễn Đình Duẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Minh, cho biết: Tổng kinh phí của dự án dự kiến trên 17 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước chiếm 68%, nhân dân đối ứng 32%. Dự án tập trung vào việc phối hợp với các trung tâm giống trong, ngoài tỉnh để sản xuất, cung ứng nguồn giống chất lượng. Ứng dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng vườn cây ăn quả ôn đới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với phát triển du lịch sinh thái. Nâng cao hơn nữa vai trò các tổ hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc liên kết sản xuất. Tổ chức xúc tiến các hoạt động thương mại quảng bá sản phẩm và triển khai xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm…

Việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển cây ăn quả ôn đới đã mở ra triển vọng cho ngành Nông nghiệp của huyện. Qua đó, đưa cây ăn quả ôn đới trở thành cây trồng mũi nhọn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào xây dựng NTM tại địa phương.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất

BHG - Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương; huyện Bắc Mê đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu, mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của địa phương.

30/04/2019
Sản xuất chè ở Bắc Quang gặp nhiều khó khăn

BHG - Giá thu mua chè búp tươi hiện nay tại huyện Bắc Quang chỉ còn 2.500 – 3.000 đồng/kg, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình trồng chè, các HTX, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ cây chè.

30/04/2019
Quản Bạ tích cực chăm sóc cây trồng vụ Đông – xuân

BHG - Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trên địa huyện Quản Bạ đang tích cực ra đồng làm cỏ, tỉa dặm, bón phân và thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc cây trồng.

30/04/2019
Quản Bạ vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ

BHG - Để rút ngắn thời gian lao động, không cần phải làm cỏ, nhiều nông dân trên địa bàn đã sử dụng thuốc diệt cỏ một cách tùy tiện… Có người còn cho rằng, phun thuốc càng đậm đặc thì hiệu quả càng cao,  nên không pha thuốc theo hướng dẫn trên bao bì. Việc lạm dụng hoá chất đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Vì vậy, những năm qua, huyện Quản Bạ đã tăng cường vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ, và nhiều xã trên địa bàn đã nói không với thuốc diệt cỏ.

28/04/2019