Hà Giang

Đổi thay ở vùng quê Cán Tỷ

10:24, 25/04/2019

BHG - Trước đây, Cán Tỷ (Quản Bạ) được biết đến là xã có tỷ lệ hộ nghèo gắn với tăng dân số tự nhiên luôn ở mức cao. Người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, lực lượng lao động trong độ tuổi dư thừa sau mùa vụ rất lớn. Xác định muốn thoát nghèo bền vững, bà con không chỉ dựa vào tiềm lực tại địa phương, mà phải tận dụng cơ hội từ bên ngoài. Trong đó, công tác đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) ngoài tỉnh được xã Cán Tỷ chú trọng. Sau hơn 2 năm tuyên truyền, vận động đã có hàng trăm thanh niên trong độ tuổi lao động của xã vào làm việc tại các KCN với mức thu nhập ổn định.

Gia đình anh Sùng Mí Sính, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ phấn khởi vì xây được ngôi nhà mới từ số tiền tiết kiệm đi khi lao động ngoài tỉnh.
Gia đình anh Sùng Mí Sính, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ phấn khởi vì xây được ngôi nhà mới từ số tiền tiết kiệm khi đi lao động ngoài tỉnh.

Trở lại Cán Tỷ - vùng đất cằn khô nằm bên bờ sông Miện, tôi nhận thấy, cuộc sống của người dân đã thay đổi một cách rõ nét. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch sẽ mọc lên san sát. Đây được coi là tín hiệu khởi sắc trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đến với thôn Đầu Cầu 2, chúng tôi bắt gặp những nụ cười rạng ngời của bà con, hầu như gia đình nào cũng có người thân đi lao động tại KCN ngoài tỉnh nên thu nhập và mức sống đã nâng lên. Gia đình anh Sùng Sáu Sính, sau khi được xã tuyên truyền, đầu năm 2017 anh và vợ đi làm may ở KCN tỉnh Hải Dương; thu nhập trung bình của 2 vợ chồng được trên 13 triệu đồng, mỗi tháng trừ chi tiêu sinh hoạt anh gửi về nhà 10 triệu. Anh Sính phấn khởi chia sẻ: Hơn năm đi làm ở KCN vợ chồng tôi đã xây được căn nhà mới khang trang, sạch sẽ với tổng số tiền 200 triệu đồng, nếu chỉ trông vào cây ngô, nương rẫy tại quê không biết bao giờ mới có ngôi nhà mới.

Cùng với gia đình anh Sính, ngôi nhà xây kiên cố có tường rào sắt quây kín của gia đình chị Ly Thị Pà, được xây dựng từ số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng đi lao động tại KCN tỉnh Bình Dương. Giờ đây cuộc sống gia đình chị đã thay đổi, không còn cảnh lầm lũi dưới ánh đèn le lói, bên bếp củi đầy khói trước đây. Các vật dụng hiện đại, tiện lợi như: Bếp ga, nồi cơm điện, máy may... gia đình chị đã sắm đầy đủ. Bên cạnh đó, gia đình còn xây được hệ thống chuồng trại chăn nuôi kiên cố và mua 4 con bò giống về nuôi. Ông Hạng Mí Vư, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đầu Cầu 2 chia sẻ: “Thôn Đầu Cầu 2 có số người đi lao động ở các doanh nghiệp ngoài tỉnh nhiều nhất xã Cán Tỷ. Từ ngày được tỉnh, huyện hỗ trợ đưa lao động đi làm tại các KCN ngoài tỉnh, người dân trong thôn hào hứng, phấn khởi. Bởi đi lao động, ngoài tạo nguồn thu nhập ổn định, còn được tiếp xúc và tiếp thu nhiều kiến thức, kinh nghiệp, bản thân mỗi người đều thay đổi, có tính tập thể, đoàn kết và trách nhiệm hơn”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Cán Tỷ có trên 400 lao động đi làm ở các KCN tại các tỉnh Bình Dương, Hải Dương, thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, với thu nhập trung bình từ 8 – 15 triệu đồng. Anh Sầm Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ, cho biết: Chỉ tính riêng năm 2018, 400 lao động đi làm việc ngoài tỉnh đã gửi về gia đình trên 4,5 tỷ đồng. Trước những hiệu ứng tốt này, xã Cán Tỷ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động, thường xuyên nắm tình hình, mức sống của lao động trong quá trình làm việc.

Những thay đổi trong cuộc sống của người dân vùng quê Cán Tỷ là minh chứng rõ nhất về hiệu quả của chính sách đưa lao động nông thôn đi làm việc tại KCN ngoài tỉnh.      

Bài, ảnh:  Hoàng Chính (Trung tâm VHTT&DL huyện Quản Bạ)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh - hướng thoát nghèo bền vững

BHG - Hiện, tỉnh ta có khoảng 10 nghìn lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng... Qua khảo sát thực tế cho thấy, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, thậm chí có lao động làm việc tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng; tại Công ty SAM SUNG trên 10 triệu đồng; nếu tiết kiệm, bình quân một lao động mỗi tháng gửi về cho gia đình 2,5 - 3 triệu đồng...

25/04/2019
Nhiều giải pháp hướng nghiệp ở Đồng Văn

BHG - Đồng Văn là 1 trong 6 huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, do đặc thù lực lượng lao động nông thôn (LĐNT) chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống thu nhập thấp, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế… nên công tác dạy nghề cho LĐNT gặp không ít khó khăn. Với trên 80% lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, để giúp số lao động này có việc làm phù hợp, cải thiện đời sống luôn là vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương; và càng có ý nghĩa hơn...

25/04/2019
Khối Tài chính-Kinh tế tổng hợp: Đánh giá thực hiện nhiệm vụ quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II.2019

BHG - Sáng 24.4, tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Giang, Khối Tài chính - Kinh tế tổng hợp tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện nhiệm vụ quý I, đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý II.2019. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành trong Khối, Ngân hàng Nhà nước tỉnh… Thực hiện nhiệm vụ quý I.2019, các đơn vị trong Khối cơ bản hoàn thành kế hoạch giao; làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. 

24/04/2019
Tập huấn về kỹ thuật nuôi ong mật

BHG - Từ ngày 23 - 24.4, tại xã Nậm Ban (Mèo Vạc), Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi Phố Bảng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong thuộc Viện Chăn nuôi tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong mật cho học viên là cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục chăn nuôi - thú y và các hộ chăn nuôi ong trên địa bàn huyện Mèo Vạc...Tham gia tập huấn các học viên đã được các giảng viên trao đổi, thảo luận hướng dẫn thực hành các nội dung... 

24/04/2019