Vị ngọt mật ong hoa nhãn Minh Thành

10:37, 01/05/2019

BHG - Nhắc đến xã Trung Thành (Vị Xuyên), mảnh đất không chỉ nổi tiếng bởi những trái cam Sành mọng nước, ngọt lịm mà còn được biết đến là nơi có nghề trồng nhãn nuôi ong mật. Vào tháng 3 âm lịch, khi mùa hoa nhãn nở rộ cũng là thời điểm người nuôi ong thôn Minh Thành bận rộn khai thác những giọt mật ngọt tinh túy.

Cây nhãn Hương chi được bà con thôn Minh Thành lấy giống từ tỉnh Hưng Yên, đưa vào trồng từ rất lâu với tổng diện tích 24 ha. Cách đây vài năm, nhãn trong vùng ra hoa nhiều nhưng khả năng đậu quả thấp nên các nhà vườn đã nghiên cứu đưa con ong vào khai thác hoa lấy mật, giúp cây thụ phấn tốt hơn. Thấy lợi ích “kép”, những người trồng nhãn kết hợp nuôi ong cùng bàn bạc, thống nhất phương án thành lập Nhóm sở thích nuôi ong hoa nhãn. Tháng 11.2017, nhóm chính thức ra đời gồm 6 thành viên. Để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển nghề nuôi ong, Tổ tư vấn của xã Trung Thành đã tư vấn cho các thành viên xây dựng quy chế, quỹ hoạt động, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, bên cạnh nguồn thu nhập từ quả nhãn, các thành viên nuôi tổng số 380 đàn ong. Đến mùa hoa nhãn, ong được quay lấy mật 2 lần/tháng, sản lượng đạt trên 2.000 lít, giá bán trung bình 250 nghìn đồng/lít, tương đương khoảng 500 triệu đồng/năm. Theo đánh giá của các thành viên, nuôi ong phát huy đúng tiềm năng sẵn có, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp cho đời sống gia đình khấm khá hơn.

Thành viên Nhóm sở thích nuôi ong hoa nhãn thôn Minh Thành, xã Trung Thành kiểm tra đàn ong mật.
Thành viên Nhóm sở thích nuôi ong hoa nhãn thôn Minh Thành, xã Trung Thành kiểm tra đàn ong mật.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn nhãn xanh tốt, dưới tán cây là những thùng ong mật được sắp xếp khoa học, ông Nguyễn Xuân Chư, một trong những thành viên trồng nhiều nhãn, nuôi nhiều ong nhất cho biết: “Mỗi năm, với 1 ha nhãn, gia đình tôi xuất bán ra thị trường được hơn 6 tấn quả, giá bán đạt 15 – 20 nghìn đồng/kg và với 50 đàn ong, đem về ít nhất 300 lít mật, tổng thu nhập cả 2 thứ trên đạt trên 100 triệu đồng/năm. Nuôi ong lấy mật phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn hay cách phòng, chống côn trùng xâm nhập. Với kinh nghiệm của mình, tôi sẵn sàng chia sẻ cho các hộ dân xung quanh về bí quyết nuôi ong để cùng nhau phát triển kinh tế trên quê hương”.

Vừa nhanh tay quay mật ong, ông Trần Văn Bình, Trưởng Nhóm sở thích nuôi ong hoa nhãn thôn Minh Thành hào hứng cho biết: “Với tinh thần ham học hỏi, cần cù, chịu thương chịu khó, những thành viên trong nhóm đều am hiểu khá tường tận về kỹ thuật chăm sóc đàn ong. Để làm ra những giọt mật ong ngọt ngào, sánh mịn đòi hỏi rất nhiều công sức, sự khéo léo và tâm huyết của người nuôi. Điều đó thể hiện ngay trong cách lấy mật, nếu tác động nhẹ nhàng, phù hợp với mọi hoạt động bình thường của ong, không làm cho đàn ong bị kích thích, sợ hãi thì sẽ thuần hóa được đàn ong dữ thành đàn ong hiền. Hiện nay, mật ong được khách hàng khắp nơi trong và ngoài tỉnh biết đến như ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Đây là sự khẳng định về uy tín, chất lượng và là cơ hội quý để chúng tôi đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Thời gian qua, xã Trung Thành đã thành lập Tổ tư vấn giúp cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã và các Nhóm sở thích trên địa bàn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp nhân dân nắm bắt được các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi của tỉnh để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Riêng Nhóm sở thích nuôi ong hoa nhãn thôn Minh Thành còn được Tổ tư vấn hướng dẫn làm bao bì, nhãn mác cho sản phẩm mật ong và đưa vào các hội chợ nông nghiệp để tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Nhờ đam mê với nghề, nhóm sở thích nuôi ong hoa nhãn thôn Minh Thành đã có những bước đi thành công, vững chắc, minh chứng bằng nguồn thu nhập ổn định. Tin rằng, đây sẽ là hướng phát triển kinh tế mới cho bà con trong vùng học tập, làm theo. Đồng chí Mai Công Lập, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên cho biết.

Bài, ảnh:  MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sản xuất chè ở Bắc Quang gặp nhiều khó khăn

BHG - Giá thu mua chè búp tươi hiện nay tại huyện Bắc Quang chỉ còn 2.500 – 3.000 đồng/kg, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình trồng chè, các HTX, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ cây chè.

30/04/2019
Bắc Mê hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất

BHG - Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương; huyện Bắc Mê đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu, mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của địa phương.

30/04/2019
Quản Bạ tích cực chăm sóc cây trồng vụ Đông – xuân

BHG - Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trên địa huyện Quản Bạ đang tích cực ra đồng làm cỏ, tỉa dặm, bón phân và thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc cây trồng.

30/04/2019
Quản Bạ vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ

BHG - Để rút ngắn thời gian lao động, không cần phải làm cỏ, nhiều nông dân trên địa bàn đã sử dụng thuốc diệt cỏ một cách tùy tiện… Có người còn cho rằng, phun thuốc càng đậm đặc thì hiệu quả càng cao,  nên không pha thuốc theo hướng dẫn trên bao bì. Việc lạm dụng hoá chất đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Vì vậy, những năm qua, huyện Quản Bạ đã tăng cường vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ, và nhiều xã trên địa bàn đã nói không với thuốc diệt cỏ.

28/04/2019