Tình hình phát triển và hiệu quả hoạt động của các làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được công nhận

07:26, 22/11/2016

BHG- Trước năm 2011 trên địa bàn tỉnh Hà Giang mới chỉ có 1 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống phát triển, được công nhận; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn manh mún nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm sản xuất ra còn hạn chế; chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm; năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm thấp, sản phẩm làng nghề chủ yếu là tươi sống, chưa qua chế biến hoặc chỉ chế biến ở một số khâu đơn giản, thủ công nhất định, chế biến thô, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, hình thức đơn giản, giá trị sản xuất thấp; sản phẩm chưa có nhãn hiệu hàng hóa.

Công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm xây dựng phát triển; sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu nhân dân là chính, sản phẩm chưa thành hàng hóa, chưa có sản phẩm tiêu thụ trên các thị trường lớn, ngoại tỉnh, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm được tham gia trưng bày trong các Hội chợ trong và ngoại tỉnh, ít được người dân biết, quan tâm, sử dụng.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7.7.2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; đầu tư, hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hà Giang phát triển bền vững, hoạt động có hiệu quả; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011- 2020 tại Quyết định số 1026/QĐ-UBND, ngày 1.6.2012 và giao cho các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể các cấp, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, phạm vi quản lý tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động đến người dân, cụ thể: Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân công lãnh đạo phụ trách và giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc quản lý lĩnh vực ngành nghề nông thôn, phối hợp với các sở, ngành tổ chức thẩm định hồ sơ công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai quy hoạch phát triển các cụm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, hỗ trợ kinh phí hợp phần khuyến công cho làng nghề, tìm kiếm, dự báo thị trường, triển khai xúc tiến thương mại. Sở Văn hóa, TT&DL quản lý, bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề gắn với du lịch, tổ chức các tour, tuyến du lịch gắn với các làng nghề. Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND các huyện lập kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các vùng nguyên liệu, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng hệ thống công trình và xử lý môi trường làng nghề. Sở Lao động - TBXH xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Liên minh HTX tỉnh tham mưu về phát triển kinh tế tập thể. UBND các huyện, thành phố căn cứ vào tiềm năng, lợi thế sẵn có tập chung lãnh chỉ đạo phát triển các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, nhân dân hưởng ứng tham gia nên từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 33 làng nghề, làng nghề truyền thống (có 29 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống); trong đó ,năm 2010 có 1 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống phát triển, được công nhận; năm 2011 có 8 làng nghề; năm 2012 có 2 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống; năm 2013 có 4 làng nghề; năm 2014 là 9 làng nghề; năm 2015 được công nhận thêm 5 làng nghề. Các làng nghề, làng nghề truyền thống được phát triển chủ yếu tại các huyện Bắc Quang 7 làng nghề, Đồng Văn 6 làng nghề, Quang Bình 5, Hoàng Su Phì 4, Xín Mần 3, Mèo Vạc 2, Quản Bạ 2, thành phố Hà Giang 2, Vị Xuyên 2 làng nghề. Thu hút 1.904 hộ tham gia với 2.631 lao động thường xuyên tham gia vào các hoạt động của làng nghề, qua đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn được duy trì và mở rộng; giá trị sản xuất sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống 10 tháng năm 2016 đạt 55.271 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động làng nghề đạt 1,98 triệu đồng/tháng, tăng 280.000 đồng/người/tháng so với giai đoạn 2011 - 2015.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được tỉnh công nhận đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, bầu các chức danh tổ trưởng, tổ phó để quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc; phân công, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận theo điều kiện sản xuất, kinh doanh và đặc thù hoạt động của từng ngành nghề; căn cứ vào chỉ tiêu, kế hoạch của huyện, của cấp ủy, chính quyền xã về tình hình phát triển phát triển KT-XH trên địa bàn, tiềm năng, lợi thế của làng nghề, hàng năm đều có xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và được thông qua tập thể bàn bạc, thống nhất phương án trước khi tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay, các làng nghề đã sản xuất được trên 40 loại sản phẩm khác nhau gồm: nhóm sản phẩm thêu dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô, Mông, Pà Thẻn, Tày; nhóm sản phẩm May mặc trang phục dân tộc Lô Lô, Dao, Pu Péo, Hoa; nhóm sản phẩm đan lát; chế tác Khèn Mông; Rèn đúc nông cụ; Nấu rượu thóc, rượu ngô men lá truyền thống; nhóm sản phẩm chế biến chè, chuổi chít, sản xuất hương sạch.

Các sản phẩm làng nghề đã có nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, thương hiệu hàng hóa được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng nhiều gồm: Rượu ngô Thanh vân, dệt lanh Lùng Tám Quản Bạ, Rượu thóc Nàng Đôn, chè Phìn Hồ trà Hoàng Su Phì. Sản phẩm làng nghề thêu dệt vải lanh Lùng Tám (Quản Bạ), thêu dệt thổ cẩm Lô Lô Mèo Vạc được doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 Sản phẩm làng nghề dệt lanh Lùng Tám, rượu ngô Thanh Vân, Thêu dệt trang phục Lô Lô, đan lát dân tộc Cờ Lao, nghề chế tác khèn Mông, trang phục dân tộc Mông, Pu Péo, Hoa khu vực Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn đáp ứng yêu cầu phục vụ khách tham quan du lịch. Sản phẩm thêu dệt vải lanh Lùng Tám (Quản Ba), thêu dệt thổ cẩm Lô Lô Mèo Vạc do thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, công tác xúc tiến thương mại và biết khai thác tiềm năng, lợi thế, chủ động, linh hoạt nắm bắt thị trường, nhu cầu sử dụng của người dân, đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng do vậy sản phẩm luôn được khách hàng tin tưởng đã chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước. Sản phẩm của Làng nghề Lùng Tám đã tham gia xuất khẩu sang các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật bản, Thái Lan,... qua đó làm gia tăng giá trị sản xuất của sản phẩm làng nghề.

Từ việc chỉ đạo của tỉnh, của các cấp, các ngành, sự tham gia nhiệt tình có trách nhiệm của người dân, trong thời gian qua các làng nghề đã thu hút được nhiều hộ gia đình, người lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các làng nghề, làng nghề truyền thống không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động, sản phẩm từng bước được sản xuất theo hướng hàng hóa, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, một số sản phẩm đã có nhãn hiệu hàng hóa; các sản phẩm làng nghề khu vực Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn đã được các huyện xây dựng Kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020 để phục vụ du lịch. Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Sầm Văn Hùng (Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Cao Bồ

BHG- Cao Bồ là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, có 753 hộ dân với 3.983 khẩu sinh sống ở 11 thôn bản. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm tới 70,6%.

22/11/2016
Mật ong bạc hà Mèo Vạc: Cần giữ chất lượng theo thương hiệu đăng ký

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trạng nuôi ong theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc của các hộ thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh của tỉnh Hà Giang chủ yếu nuôi giống ong nội của địa phương (Apis cerana cerana) với quy mô nhỏ từ 5 – 100 đàn.

17/11/2016
Chè Lũng Phìn cần được bảo tồn

BHG - Chè cổ thụ Shan tuyết Lũng Phìn (Đồng Văn) đã từ lâu được mệnh danh là "đệ nhất trà" bởi hương vị độc đáo, khác biệt riêng có của nó. Qua năm tháng, nhiều cây chè cổ Lũng Phìn đang có dấu hiệu của sự già cỗi, sản lượng thu hái thấp do tập quán canh tác của người dân. 

16/11/2016
Vị Xuyên: Tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2016, triển khai nhiệm vụ sản xuất năm 2017

BHG - Ngày 15.11, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2016 và triển khai nhiệm vụ sản xuất năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện; Bí thư, Chủ tịch 24 xã, thị trấn; đại diện các HTX, hộ nông dân sản xuất giỏi...

16/11/2016