Nghề nuôi ong lấy mật trên Cao nguyên đá Đồng Văn

08:33, 16/03/2016

BHG- Mật ong Bạc hà là sản vật mang tính đặc trưng của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Chất lượng loại mật ong này vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi, với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay giao động từ 400 đến 600 nghìn đồng/lít. Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm quy hoạch, phát triển vùng trồng hoa, nuôi ong; coi nghề nuôi ong là nghề chính trong phát triển kinh tế, XĐGN cho người dân địa phương. 

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay toàn tỉnh có 27.862 đàn ong, tăng hơn 8.000 đàn so với năm 2011 (19.318 đàn), tỷ lệ tăng đạt 44,2% và tăng hơn 6.800 đàn so với mục tiêu phát triển đàn ong trong giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh. Sản lượng mật ong đạt 136,8 tấn. Trong đó phát triển, nuôi ong tập trung chủ yếu ở 4 huyện thuộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, do đây là vùng có cây Bạc hà phát triển mạnh, với tổng số 19.750 đàn ong (năm 2015), chiếm 71% toàn tỉnh; sản lượng mật đạt 89,43 tấn, chiếm 65,37% toàn tỉnh. Thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn được người tiêu dùng và khách du lịch biết đến, đón nhận và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2013. Những năm gần đây, nghề nuôi ong có chuyển biến tích cực, từ tự phát nhỏ lẻ chuyển sang nuôi tập trung với số lượng lớn, đã hình thành các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh mật ong Bạc hà tại Cao nguyên đá Đồng Văn như HTX Tuấn Dũng, HTX Hoàng Điệp, Thành Đô, Công ty TNHH Trường Anh; thông qua nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền huyện, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng đầu tư nuôi từ 50 đến 100 đàn ong; giống ong nuôi chủ yếu là giống ong nội (ong địa phương). Nghề nuôi ong lấy mật không những tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, tăng thu nhập mà còn giúp cho quá trình thụ phấn hoa cho các loài cây trồng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn nhận định, nuôi ong lấy mật ngày một phát triển, song việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân vẫn còn hạn chế, chưa có sự gắn kết giữa người nuôi với nhà khoa học và quản lý, chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố tự nhiên; quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo được sản lượng lớn để phục vụ nhu cầu thị trường. Điều kiện, nguồn lực kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc đầu tư phát triển đàn ong còn cầm chừng; các chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi ong chưa tạo được động lực thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chất lượng sản phẩm tốt nhưng việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm hạn chế, thị trường tiêu thụ không ổn định...

Để thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật phát triển, bảo vệ chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong Bạc hà, tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nghề nuôi ong Bạc hà được tỉnh tổ chức tại huyện Yên Minh vào tháng 11.2015, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Phát triển nuôi ong lấy mật ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được tỉnh xác định là 1 trong 6 sản phẩm tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2016; thống nhất 4 huyện chỉ có 1 sản phẩm mật ong Bạc hà duy nhất đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Do đó, đối với 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn cần chủ động, tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh, tổ chức đào tạo nghề nuôi ong cho các hộ dân; hình thành các tổ sản xuất, nhóm sở thích, doanh nghiệp, HTX nuôi ong để làm cơ sở, chỗ dựa hướng dẫn chăn nuôi, làm đầu mối thu mua, đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người dân; xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng phát triển nuôi ong gắn với sản xuất nông nghiệp và du lịch. Đặc biệt, các huyện vùng Cao nguyên đá cần quyết liệt hơn trong vấn đề quản lý, có cơ chế bắt buộc di rời các tổ chức, cá nhân đưa đàn ong ngoại vào nuôi. Đối với các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng cần sớm đưa ra các giải pháp hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi ong, bao tiêu và quảng bá sản phẩm mật ong Bạc hà; kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi làm giả, hàng nhái vi phạm chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Bạc hà; xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, giữ giống ong đơn giản theo thực tiễn từng địa phương.

Bằng sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, hy vọng nghề nuôi ong lấy mật của tỉnh nói chung và trên vùng Cao nguyên đá nói riêng sẽ phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê thực hiện đầu tư xây dựng "có trọng tâm, trọng điểm"

BHG- Đầu tư xây dựng (ĐTXD) có vai trò quan trọng trong việc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực thúc đẩy KT - XH ở địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

16/03/2016
"Khơi thông" nguồn lực cho các HTX nông, lâm nghiệp ở Vị Xuyên

BHG- Không riêng gì các HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp mà các HTX trong lĩnh vực khác, các tổ chức, cá nhân đều mong muốn có được nguồn vốn vay của các ngân hàng để đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Vị Xuyên, nguồn lực từ các tổ chức tín dụng đầu tư  cho các HTX nông, lâm nghiệp chưa được khơi thông do các HTX này chưa xây dựng được phương án kinh doanh, sản xuất để làm cơ sở để vay vốn.

16/03/2016
Ký kết hợp tác giữa Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Hà Giang và Sở NN&PTNT Lâm Đồng

BHG- Chiều ngày 14.3, tại tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Lễ ký kết hợp tác với Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, với sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng lãnh đạo các sở, ngành của hai tỉnh.

15/03/2016
Khoảng trên 200 xe container chở nông sản ùn tắc tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy

BHG - Mấy ngày nay, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy bỗng "nóng" lên bởi có đến trên 200 trăm xe container chở hàng nông sản từ miền Nam ra, chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. 

14/03/2016