Đổi mới công tác lãnh đạo trong thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020

08:06, 14/01/2016

BHG - Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), với nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương, tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định, tác động tích cực đến đời sống của nhân dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn. Để hiểu rõ hơn về cách làm của tỉnh và định hướng trong thời gian tới, phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh.

PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh.

Đ/c Nguyễn Minh Tiến: Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại tỉnh ta, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong tỉnh, từ các cấp ủy, chính quyền đến người dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Rõ ràng nhất là đã có 11 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và được công bố đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã thuộc huyện 30a. Bên cạnh đó, các tiêu chí đã được nâng lên rõ rệt, bình quân hiện nay mỗi xã đạt 7,6 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người nâng từ 9,6 triệu đồng/người/năm lên 19,2 triệu đồng/người/năm vào cuối giai đoạn. Đánh giá tại cuộc họp tổng kết 5 năm xây dựng NTM toàn quốc, tỉnh ta đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất đó là nhận thức của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là nhân dân đã thay đổi rõ rệt. Đây là tiền đề để thực hiện trong những năm tới.

PV: Theo đồng chí, đâu là khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM ở tỉnh ta những năm qua?

Đ/c Nguyễn Minh Tiến: Là một tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước, vì vậy, nói về khó khăn trong xây dựng NTM của tỉnh trong 5 năm qua thì rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chúng ta có xuất phát điểm thấp, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, bình quân các xã của cả tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí. Trong khi đó, xây dựng NTM là phải có được những cái cơ bản rồi triển khai làm cái mới. Nhưng xuất phát điểm của chúng ta còn chưa đạt được những thứ cơ bản đó. Thứ hai, đó là nhận thức của người dân về chương trình này chưa cao. Khi người dân có nhận thức đúng, phát huy nội lực của nhân dân mới dẫn đến thành công.

PV: Với những khó khăn đó, để có được những kết quả trên, tỉnh ta đã linh hoạt trong chỉ đạo, đổi mới trong cách làm như thế nào để thực hiện chương trình theo điều kiện thực tế của tỉnh?

Đ/c Nguyễn Minh Tiến: Hiểu được những khó khăn đó, tỉnh đã có sự linh hoạt trong việc lãnh, chỉ đạo thực hiện chương trình này. Thứ nhất, đó là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh và các huyện, các xã, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm về chương trình này, vì vậy sẽ nâng cao vai trò của những người đứng đầu cấp ủy. Thứ hai, là việc lồng ghép các chương trình, nguồn vốn một cách rõ ràng, dứt điểm. Hàng năm, tỉnh đã dành 20% kinh phí để lồng ghép vào xây dựng NTM. Thứ ba là, tập trung phát triển mô hình kinh tế tập thể, thông qua HTX toàn thôn, các Tổ sản xuất, Nhóm sản xuất. Bởi mục tiêu chính vẫn là nâng cao thu nhập cho người dân. Khi có thu nhập cao, các việc khác trong xây dựng NTM sẽ được đông đảo nhân dân hưởng ứng và làm theo. Như vậy kết quả sẽ rất cao.

PV: Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của tỉnh trong thực hiện xây dựng NTM là gì và chúng ta sẽ có giải pháp nào để triển khai hiệu quả, thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Minh Tiến: Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 30 xã hoàn thành xây dựng NTM. Hiện nay, tỉnh ta đã có 11 xã đạt NTM. Vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo đã họp, thống nhất quyết tâm phấn đấu đạt 27 xã trong giai đoạn 2016 – 2020, nâng tổng số xã đạt NTM vào năm 2020 lên 38 xã. Đây là mục tiêu rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất cao của các cấp ủy, chính quyền.

Giải pháp để đạt được mục tiêu này là: Trước hết, tỉnh sẽ vẫn kiên định với cách làm như trong giai đoạn 2010 – 2015. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ bổ sung những cách làm mới theo điều kiện cụ thể của tỉnh, để tổ chức thực hiện như: Sẽ chỉ đạo rà soát điều kiện cụ thể của từng xã trong từng vùng, để ban hành bộ tiêu chí riêng của từng xã hoặc nhóm xã có điều kiện tương đồng. Phân cấp, phân quyền cụ thể về một số cách làm như: Căn cứ định mức nguồn vốn được phân bổ của chương trình, giao cho các xã chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện (trừ những hạng mục công trình người dân không làm được), trong đó có ưu tiên cho những xã thực hiện tốt; có cơ chế, chính sách hỗ trợ máy móc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, trên cơ sở khuyến khích thành lập mỗi xã một Hợp tác xã dịch vụ công theo tiêu chí cạnh tranh. Ngoài ra, trên cơ sở số xã phải hoàn thành trong cả giai đoạn, từng huyện phải có kế hoạch thực hiện cụ thể của từng xã, với từng tiêu chí, tương ứng với từng năm...

Với sự chỉ đạo và những cách làm linh hoạt như vậy. Cùng với khí thế như hiện nay, tin tưởng rằng tỉnh ta sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! Lương Hà (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành Ngân hàng đáp ứng nhu cầu tiền mặt phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán

BHG - Để đảm bảo cho người dân thuận lợi trong việc rút tiền qua các cây ATM, phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Giang chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại (NHTM) trên địa bàn thực hiện tốt việc bảo đảm lượng tiền mặt trên các cây ATM, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

14/01/2016
Dự án PRPP trao "cần câu" cho dân nghèo

BHG - Thôn Nà Ke cách trung tâm xã Nậm Ban (Mèo Vạc) khoảng 8 km đường đồi núi. Nơi đây phần lớn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống quanh năm nơi đá, khí hậu khắc nghiệt nên phần đông các hộ dân vẫn nằm trong diện đói nghèo. 

14/01/2016
Khó khăn vùng nguyên liệu chế biến gỗ ván ép

BHG - Chế biến gỗ ván ép ở Hà Giang đang hình thành với quy mô sản xuất công nghiệp. Thị trường tiềm năng này đã mở ra cơ hội làm giàu cho người trồng rừng ở tỉnh ta. Thế nhưng, việc hình thành chuỗi liên kết cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ đang gặp không ít khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu.

13/01/2016
Xóa đói, giảm nghèo ở Thu Tà còn lắm gian truân

BHG - Sản phẩm nông nghiệp chỉ có 1 vụ/năm, lúa, ngô làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp; đường giao thông đến xã vất vả ...  Do vậy mà công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã Thu Tà (Xín Mần) còn lắm những gian truân.

 

13/01/2016