Hà Giang

Khó khăn vùng nguyên liệu chế biến gỗ ván ép

07:27, 13/01/2016

BHG - Chế biến gỗ ván ép ở Hà Giang đang hình thành với quy mô sản xuất công nghiệp. Thị trường tiềm năng này đã mở ra cơ hội làm giàu cho người trồng rừng ở tỉnh ta. Thế nhưng, việc hình thành chuỗi liên kết cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ đang gặp không ít khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu.

Tham gia chuỗi cung cấp nguyên liệu gỗ ván ép cho nhà máy chế biến gỗ ép xuất khẩu của Công ty Cổ phần công nghiệp và xuất nhập khẩu lâm nghiệp (CTCPCN và XNKLN) Hà Giang tại Khu công nghiệp Bình Vàng là cơ sở chế biến gỗ ép nguyên liệu của anh Nguyễn Văn Trọng, thôn Chúa, xã Quang Minh (Bắc Quang) hiện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Hiện nay, cơ sở này đang là đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho nhà máy gỗ ép xuất khẩu của CTCPCN và XNKLN Hà Giang. Với sản lượng cung cấp mỗi tháng cho nhà máy gỗ ép là 200m3. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho nhà máy. Anh Nguyễn Văn Trọng, cho biết: Hiện nay, các loại gỗ nhóm 5 và nhóm 6 được cơ sở này thu mua ở dạng tận thu của người dân trong vùng từ các vườn rừng, nhưng với sản lượng như hiện nay thì chỉ qua quý I.2016 sẽ không còn gỗ để sản xuất. Nguyên liệu đầu vào cho cơ sở hiện rất khan hiếm. Với 20 công nhân làm việc hai ca mỗi tháng, chủ cơ sở trả lương cho người lao động từ 3- 4,5 triệu đồng/người/tháng đã giải quyết lao động nông nhàn của người dân thôn Chúa.

Tuyển chọn gỗ đầu vào để sản xuất gỗ ván ép tại một cơ sở chế biến gỗ, thôn Chúa, xã Quang Minh (Bắc Quang).
Tuyển chọn gỗ đầu vào để sản xuất gỗ ván ép tại một cơ sở chế biến gỗ, thôn Chúa, xã Quang Minh (Bắc Quang).

Cũng như cơ sở của anh Nguyễn Văn Trọng, cơ sở của ông Đặng Quang Trại, xã Kim Ngọc (Bắc Quang); tham gia ký hợp đồng cung ứng sản phẩm ván ép nguyên liệu cho nhà máy ván ép xuất khẩu của CTCPCN và XNKLN Hà Giang. Ông Trại đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất gỗ ván ép nguyên liệu với dàn máy bóc, sấy khô thành phẩm. Hiện nay, cơ sở của ông đang thu mua gỗ rừng trồng của các hộ dân các xã Liên Hiệp, Kim Ngọc, Đồng Tâm, Thượng Bình... để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho nhà máy ván ép tại Khu công nghiệp Bình Vàng. Với sản lượng cung cấp từ 1.000 – 1.200m3/tháng, hiện nay, cơ sở đang là đối tác thường xuyên của CTCPLN và XNKLN Hà Giang. Tuy nhiên, cơ sở này cũng đang đứng trước nguy cơ phải dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, bởi nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu cho cơ sở cũng đang dần cạn kiệt. Huyện Bắc Quang là một trong những huyện có vùng nguyên liệu gỗ khá lớn trong tỉnh. Tuy vậy, hiện nay phần lớn diện tích rừng đang được 3 Công ty Lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty Giấy Bãi Bằng sở hữu làm vùng nguyên liệu cho nhà máy Giấy Bãi Bằng. Số diện tích rừng còn lại là rừng tái sinh, rừng trồng đã giao khoán cho người dân, nên hiện nay, diện tích rừng liên doanh với CTCPLN và XNKLN Hà Giang chưa có. Chính vì vậy, để duy trì sản xuất, Công ty phải liên kết với những thương lái và các chủ cơ sở nhỏ lẻ để có gỗ nguyên liệu.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Năm 2015, huyện Bắc Quang trồng được 6.186,6 ha, Trong đó các xã, thị trấn trồng được 5.494 ha; 3 Công ty Lâm nghiệp trồng được 684,6 ha; Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Mu trồng được 7,83 ha. Tuy nhiên không có diện tích liên kết trồng rừng nào giữa người dân và CTCPLN và XNKLN Hà Giang.

Ông Hà Anh Tuấn, Quản lý nhà máy chế biến gỗ ép – Khu công nghiệp Bình Vàng cho biết: Khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 4.2015, Nhà máy chế biến gỗ ép thuộc CTCPCN và XNKLN Hà Giang đã và đang tạo công ăn việc làm cho 140 công nhân, kỹ sư và hàng chục cơ sở, HTX chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, sau gần 8 tháng hoạt động; hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đang dần khan hiếm. Theo phản ánh của cán bộ quản lý nhà máy, hiện nay, nhà máy chưa đủ nguyên liệu để sản xuất dù đơn hàng của đối tác nước ngoài là rất lớn. Thực trạng “đi ăn đong” nguyên liệu và phụ thuộc vùng cung cấp nguyên liệu của các chủ cơ sở và thương lái như hiện nay khiến cho sản xuất không đảm bảo công suất thiết kế. Đây chính là những khó khăn của nhà máy mà chưa có phương án giải quyết triệt để.

Với công suất thiết kế 150.000m3 sản phẩm/năm, bao gồm 3 nhà máy sản xuất: Ván MDF với công suất 80.000m3/năm; ván thanh, ván ghép thanh với công suất 20.000m3/năm; ván ép với công suất 50.000m3/năm. Theo đó, tổng nhu cầu nguyên liệu gỗ tròn của các nhà máy vào khoảng 260.000 – 270.000m3/năm tương đương với khoảng 4.300ha rừng khai thác/năm. Đây chính là cơ hội mà CTCPCN và XNKLN Hà Giang cùng chia sẻ lợi ích với người trồng rừng ở Hà Giang. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì việc tạo vùng nguyên liệu và cơ chế liên kết của Công ty với các hộ dân chưa được triển khai. Chính vì vậy, khi nhà máy gỗ ván ép xuất khẩu sản xuất được mấy tháng nay đều phải phụ thuộc đầu vào của các cơ sở nhỏ lẻ và qua thương lái. Hiện, việc trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy vẫn chỉ trên giấy tờ.

Những khó khăn về vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ ép của CTCPLN và XNKLN Hà Giang tại Khu công nghiệp Bình Vàng đang là một thực tế, bởi lẽ trước khi xây dựng nhà máy, Công ty chưa tạo được vùng nguyên liệu mang tính dài hạn, thứ hai là sự cạnh tranh về nguyên liệu ván ép với đối tác Trung Quốc, thứ ba nguyên liệu đầu vào của nhà máy phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối cơ sở sản xuất gỗ nguyên liệu vệ tinh, mà sản lượng cung cấp lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu rừng trồng, rừng nông hộ, việc khai thác tràn lan đã dẫn đến việc khan hiếm gỗ cho nhà máy. Ngoài ra, cơ chế liên kết của Công ty với các huyện và người dân chưa có sự triển khai quyết liệt, nên đến nay đã và đang làm ảnh hưởng đến quy mô sản xuất của nhà máy.

Để đảm bảo sản xuất ổn định và lâu dài, theo chúng tôi các huyện và CTCPLN và XNKLN Hà Giang cần họp bàn tháo gỡ khó khăn và đưa ra những giải pháp có tính bền vững để tạo vùng nguyên liệu, như vậy sẽ giúp cho công nghiệp chế biến gỗ phát triển. Trên quan điểm hợp tác người dân có đất trồng rừng, nhà máy đầu tư vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc. Với cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng kinh tế cho người dân của công ty để cùng chia sẻ lợi ích. Đây thực sự là cơ hội cho phát triển nghề trồng rừng và thúc đẩy được công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tại Hà Giang phát triển bền vững.

HIẾN CHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bát Đại Sơn nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), người dân ở xã Bát Đại Sơn, một xã vùng biên còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ (trong khi đang chờ đợi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước về làm đường) đã chủ động góp tiền, góp sức vào làm đường dân sinh, phục vụ cho đời sống của chính mình.

13/01/2016
Xây dựng bền vững xã Nông thôn mới

BHG - Sau 5 năm (từ 2011-2015) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã có 11/176 xã được công nhận chuẩn NTM. 

13/01/2016
Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi

BHG - Những năm qua, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở huyện Bắc Mê đã có nhiều biến chuyển tích cực. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất kinh tế giỏi, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH tại địa phương. Chị Bồn Thị Sàng, sinh năm 1967, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nà Pồng, xã Giáp Trung là một trong những điển hình như vậy.

13/01/2016
Quỹ Đầu tư, Phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng triển khai nhiệm vụ 2016

BHG - Sáng 12.1, Quỹ Đầu tư, Phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng (Quỹ) tổ chức tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ 2016. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý (HĐQL) Quỹ dự, chỉ đạo. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thành viên HĐQL Quỹ… 

12/01/2016