Hà Giang

Xóa đói, giảm nghèo ở Thu Tà còn lắm gian truân

15:42, 13/01/2016

BHG - Sản phẩm nông nghiệp chỉ có 1 vụ/năm, lúa, ngô làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp; đường giao thông đến xã vất vả ...  Do vậy mà công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã Thu Tà (Xín Mần) còn lắm những gian truân.

Còn nhiều trăn trở

Tôi đếm thật kỹ, cả trung tâm xã Thu Tà mới thấy 4, đến 5 hàng quán bày bán lèo phèo vài loại hàng tạp phẩm rẻ tiền, đìu hiu vắng khách..?! Vào đến trụ sở UBND xã, tại cửa phòng chi trả tiền hỗ trợ hộ nghèo lại tập trung khá đông đồng bào. Cán bộ Văn phòng cho rằng, các bác, các mẹ địu theo cả em bé đến nhận trợ cấp tiền điện thắp sáng theo Quyết định 102 của Chính phủ. Mỗi quý, có trên 200 hộ được Chính phủ hỗ trợ tiền điện thắp sáng. Số tiền trên được xã tổ chức chi trả theo quý/lần. Cầm trên tay báo cáo tổng kết phát triển KT-XH của xã Thu Tà năm 2015, tôi thấy lòng kém vui. Thu ngân sách xã tại địa bàn cả năm 2015 chỉ có 8 triệu đồng. Còn mức bình quân lương thực tính trên đầu người năm 2015 là 628,6kg/người/năm. Nếu nhìn vào mức ăn bình quân của xã không ít người cho mức đấy là cao. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Bùi Minh Hiệu đi cùng với chúng tôi lại sốt ruột trao đổi rằng, giá bán ngô tại đây chỉ còn 4.500 – 4.800đ/kg; giá bán thóc của đồng bào cũng chẳng sáng sủa hơn giá bán ngô là bao... Báo cáo của xã cũng cho thấy, tổng đàn gia súc năm 2015 là 6.020 con. Trong đó, đàn trâu 820, bò 552, dê 858 con; còn lại là đàn lợn trên 3.000 con. Nếu đem tổng đàn chia bình quân cho gần 550 hộ, trên 4.000 nhân khẩu thì mức thu nhập chẳng đáng là bao. Đấy là chưa kể 9 tỷ 848 triệu đồng mà đồng bào xã Thu Tà đang còn nợ vay vốn Ngân hàng để phát triển kinh tế ?

Đường về Thu Tà còn nhiều gian nan.
Đường về Thu Tà còn nhiều gian nan.

 

Đồng bào Thu Tà xếp hàng nhận trợ cấp tiền điện thắp sáng.
Đồng bào Thu Tà xếp hàng nhận trợ cấp tiền điện thắp sáng.

Bức tranh của nền kinh tế thuần nông 1 vụ, chủ yếu là trồng cấy cây lương thực đã làm cho Thu Tà chậm phát triển. Có nhiều lần, anh Hoàng Gia long, Bí thư Huyện ủy Xín Mần bộc bạch: Càng thấy báo cáo xã nêu cao mức lương thực bình quân, lại càng buồn. Bởi lẽ, thu nhập hiện tại bằng cách bán đổi lương thực ra thị trường hiện nay rất rẻ. Mỗi tấn lúa hay ngô, bán đi thu lại được trên dưới 6 triệu đồng. Khi đó, làm được tấn thóc, người nông dân phải mất nửa năm trời. Cảnh làm ăn “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” hiện nay, nếu không tính toán khôn ngoan thì mãi vẫn là nghèo, là đói.

Nói như vậy không phải đổ lỗi cho đồng bào Thu Tà không cố gắng, phải khẳng định, Đảng bộ, nhân dân xã Thu Tà có rất nhiều cố gắng trong phát triển KT-XH trong nhiều năm qua. Song, sự cố gắng ấy vẫn chưa thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước để lại về điều kiện tự nhiên, về đất đai, khí hậu khắc nghiệt...  Và sự nỗ lực hiện tại của Đảng bộ, nhân dân địa phương không thể có nguồn lực để đầu tư hạ tầng bằng nguồn thu từ ngô hay lúa để tháo gỡ khỏi mọi ách tắc hiện nay. Một nguyên nhân nữa kìm hãm nền kinh tế của xã Thu Tà là đường giao thông. Đường giao thông ví như mạch máu trong cơ thể. Đường vào xã Thu Tà hiện tại duy nhất có 1 lối vào rất khó khăn và được ví như một cái “ngõ cụt” mà ở đó vào đường nào buộc phải ra đường đó. Dẫn đến, giao thương khó khăn làm giảm giá bán nông sản địa phương như lại tăng giá mua hàng hóa tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào. Kéo theo đó là những hạn chế về tư duy mới, dẫn đến tư tưởng bằng lòng, hoặc ỉ lại trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước...

Cần cách tiếp cận mới

Trước mắt, rất cần một đội ngũ cán bộ có trình độ và năng lực tiếp cận thực tiễn. Cách đây hơn 2 năm trước, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Xín Mần đã phải trực tiếp hỗ trợ về công tác cán bộ cho địa bàn xã. Chuyển biến về công tác cán bộ cơ sở và phát triển sản xuất đã khá rõ. Tuy nhiên, Huyện ủy Xín Mần cần phải tiếp tục tìm chọn và phân công cán bộ cấp ủy có năng lực, có tiếng nói về phụ trách xã trong thời gian tiếp theo.

Về phía Nhà nước, cần hỗ trợ xã Thu Tà hoàn thiện con đường giao thông nối từ xã Cốc Rế vào Thu Tà; tuyến đường nối từ trung tâm xã Thu Tà – km26; đường Thu Tà – xã Ngán Chiên. Các tuyến đường trên nếu hoàn thiện đầu tư sớm sẽ “phá vỡ” thế bế tắc trong ngõ cụt hiện nay của Thu Tà. Và phải làm được điều đó thì Thu Tà mới có cơ hội tiếp cận cái mới, loại bỏ tư duy cũ để từng bước phát triển.

Chợ trung tâm xã đìu hiu, vắng khách.
Chợ trung tâm xã đìu hiu, vắng khách.

Còn trong tư duy phát triển sản xuất hiện nay cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm và phương thức đầu tư. Về lâu dài, là giải pháp đẩy mạnh phát triển trồng rừng bằng các loại cây gỗ quý. Nhưng trước mắt là trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu, chế biến chè đặc sản, trồng cây Thảo quả... Và rất mong, trong thời gian sớm nhất, sản phẩm lúa Nấm Xít, một sản phẩm gạo “độc nhất, vô nhị” của xã Thu Tà có giá bán hiện tại là 15.000 đ/kg sẽ có mặt trên thị trường trong, ngoài tỉnh.

Hơn bao giờ hết, rất mong các cấp lãnh đạo, các ngành từ tỉnh đến Trung ương cùng hợp lực giúp đỡ xã Thu Tà tháo gỡ khó khăn hiện tại để phát triển bền vững.

Nguyễn Mạnh Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khó khăn vùng nguyên liệu chế biến gỗ ván ép

BHG - Chế biến gỗ ván ép ở Hà Giang đang hình thành với quy mô sản xuất công nghiệp. Thị trường tiềm năng này đã mở ra cơ hội làm giàu cho người trồng rừng ở tỉnh ta. Thế nhưng, việc hình thành chuỗi liên kết cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ đang gặp không ít khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu.

13/01/2016
Bát Đại Sơn nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), người dân ở xã Bát Đại Sơn, một xã vùng biên còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ (trong khi đang chờ đợi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước về làm đường) đã chủ động góp tiền, góp sức vào làm đường dân sinh, phục vụ cho đời sống của chính mình.

13/01/2016
Xây dựng bền vững xã Nông thôn mới

BHG - Sau 5 năm (từ 2011-2015) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã có 11/176 xã được công nhận chuẩn NTM. 

13/01/2016
Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi

BHG - Những năm qua, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở huyện Bắc Mê đã có nhiều biến chuyển tích cực. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất kinh tế giỏi, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH tại địa phương. Chị Bồn Thị Sàng, sinh năm 1967, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nà Pồng, xã Giáp Trung là một trong những điển hình như vậy.

13/01/2016