Cam Hà Giang bị lợi dụng danh tiếng

16:24, 29/09/2012

HGĐT- Vừa qua, không ít trang mạng thông tin về việc cam được bày bán tràn lan trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội với giá “siêu rẻ”. Những người bán cam “đặt tên” cho các sọt cam của mình là cam ngọt Hà Giang, có hàng cam còn ghi biển “cam Hà Giang”.




Mức giá được ghi là từ 10.000đ – 15.000đ/kg, thậm chí là từ 5.000 – 7.000đ/kg. Sau khi những thông tin trên được đăng tải, có rất nhiều ý kiến phàn tích, trao đổi được đăng tải trên mạng internet khẳng định cam được bày bán tràn lan như thế không phải là cam Hà Giang, những trái cam Hà Giang chưa thể về đến đất Hà Nội bởi chưa đến vụ thu hoạch. Có độc giả lên tiếng thắc mắc, có phải Hà Giang trồng nhiều loại cam được bày bán tràn lan kia hay không, đề nghị các cơ quan chức năng cũng như người trồng cam ở Hà Giang lên tiếng để bảo vệ người tiêu dùng cũng như chính thương hiệu của cam Hà Giang.

 

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi tìm ra chợ Trung tâm thành phố Hà Giang cũng như một số chợ tại huyện Vị Xuyên, Bắc Quang..., nhằm xem liệu có cam Hà Giang được bày bán vào thời điểm này hay không. Thực tế cho thấy, ngay tại “thủ phủ cam”, chúng tôi cũng không thể tìm thấy những trái cam sành Hà Giang được bày bán tràn ngập như ở Hà Nội. Một người chuyên kinh doanh hoa quả ở chợ Trung tâm thành phố Hà Giang cho biết, thường khi cam Hà Giang thu hoạch, sẽ có sản phẩm ở chợ Trung tâm ngay lập tức. Giờ đến người Hà Giang còn chưa có cam để ăn, làm gì có cam quê ta được đưa về Hà Nội...!?

 

Về huyện Bắc Quang, vùng trồng cam nhiều nhất của tỉnh, tại rất nhiều những vườn cam sành ở các xã Vĩnh Hảo, Tân Thành, Vĩnh Tuy, Hùng An..., mùa cam năm nay khá tốt. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng rằng, thời điểm này trái cam tại các vườn đồi khá non với màu xanh thẫm. Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam Bắc Quang, đồng thời cũng là một chủ trang trại cam rộng 9 ha ở thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo cho biết, cam sành Bắc Quang giờ còn rất non, mới to bằng quả trứng vịt, chưa có vị, chưa có màu sắc gì, làm sao có thể trôi nổi xuống tận Hà Nội được. Anh Lân cũng cho biết, thường phải đến đầu tháng 12 âm lịch, cam Hà Giang mới thu hoạch được. Khi ấy, trái cam chín vàng, căng mọng nước, bổ ra, hạt cam đã già, thịt cam màu vàng và thơm. Cam càng chín kỹ, độ thơm, ngọt càng đậm đà...

 

Qua thông tin về việc cam giả danh cam Hà Giang xuất hiện tràn lan ở Hà Nội với giá rẻ, đồng chí Hoàng Quang Phùng, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết, Bắc Quang là vùng trồng khá nhiều cam sành, hiện toàn huyện có trên 1.000ha. Vào thời điểm này, cam còn rất non, chưa thể thu hoạch, do đó có thể khẳng định việc cam Hà Giang xuất hiện tràn lan tại thị trường Hà Nội ở vào thời điểm này với giá “siêu rẻ” là không thể xảy ra. Để bảo vệ uy tín của vùng cam nổi tiếng Hà Giang cũng như bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương cũng như ở những nơi có xuất hiện việc lợi dụng tên cam Hà Giang cần vào cuộc, tìm nguồn gốc của cam được bày bán tràn lan cũng như tuyên truyền để tư thương không lợi dụng danh tiếng cam Hà Giang nhằm làm mất uy tín sản phẩm của địa phương Hà Giang. Đồng chí Hoàng Quang Phùng cũng cho biết, để khẳng định uy tín và nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành, huyện đã và đang có sự quam tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển các diện tích trồng cam; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc để nâng cao chất lượng cam; tiếp tục quan tâm, tìm thị trường và quảng bá cho cam Bắc Quang. Từ đó, ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của cây cam trong nền kinh tế của địa phương...

 

Như vậy, qua thực tế và thông tin trao đổi với những người có chức năng, có thể khẳng định, cam Hà Giang hiện vẫn còn non, chưa tới vụ thu hoạch. Nhiều báo điện tử nhận định khách quan, cam được bày bán tràn lan với giá rẻ tại Hà Nội không phải là cam Hà Giang mà chỉ là cam có xuất xứ từ một nơi nào đó ở trong và ngoài nước, bị tư thương lợi dụng danh tiếng cam Hà Giang. Qua việc lợi dụng danh tiếng cam Hà Giang, chúng ta cũng nhận thấy một điều tự hào rằng, Hà Giang đã có một sản vật được cả nước biết tới. Để giữ được tiếng tăm ấy, rất mong các gia đình trồng cam trong tỉnh thời gian tới không nên thu hái cam khi còn xanh, chua để bán ra thị trường. Cần phải bán trái cam khi đã đến độ thu hoạch. Có như vậy, uy tín và chất lượng của cam Hà Giang mới tiếp tục được khẳng định, sản xuất của bà con mới bền vững.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai trương Phòng Giao dịch tại phường Trần Phú
HGĐT- Sáng ngày 27.9, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Giang đã tổ chức Lễ khai trương phòng giao dịch tại phường Trần Phú.
28/09/2012
Tổng kết mô hình thâm canh cây Ấu Tẩu
HGĐT- Ngày 27.9, xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) tổ chức tổng kết mô hình thâm canh cây Ấu Tẩu nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và tiềm năng, năng xuất của việc thâm canh cây Ấu Tẩu trên địa bàn. Dự tổng kết có các đồng chí trong BTV Huyện ủy Quản Bạ; đại diện Viện nghiên cứu cây Dược liệu Việt Nam, Công ty Cổ phần Nam Dược.
28/09/2012
Khai trương Phòng Giao dịch tại phường Trần Phú
HGĐT- Sáng ngày 27.9, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Giang đã tổ chức Lễ khai trương phòng giao dịch tại phường Trần Phú.
28/09/2012
Mèo Vạc tích cực mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi
HGĐT- Từ việc xác định chăn nuôi là hướng đi chính trong công tác XĐGN, huyện Mèo Vạc luôn quan tâm, chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đi cùng với đó là diện tích trồng cỏ chăn nuôi cũng không ngừng tăng lên mỗi năm. Đến nay, có thể nói rằng, cỏ chăn nuôi đang được coi là một trong những loại cây giúp người dân nơi đây... thoát nghèo.
27/09/2012