Luôn chủ động đổi mới và hội nhập

Bài 3: Một QH hội nhập

11:23, 28/12/2015

Nhận thức về hội nhập quốc tế dần dần được mở rộng qua các nghị quyết Đại hội Đảng. Cho tới thời điểm này: “Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn nữa, tham gia sâu hơn vào các liên kết khu vực, tăng cường thực hiện các cam kết quốc tế, đồng thời nỗ lực cùng các nước, các tổ chức quốc tế đưa quan hệ đi vào chiều sâu, bền vững và ổn định”.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hội nhập quốc tế tích cực nhất. Ngày 22.11.2015, Cộng đồng ASEAN đã tiến thêm một bước đến việc hình thành chính thức cuối năm 2015, với 3 trụ cột, chính trị - an ninh, kinh tế, và các hiệp định TPP và FTA Việt Nam - EU cũng vừa được Bộ trưởng các nước ký kết. So với các cam kết với WTO, các cam kết trong TPP và các FTA “thuộc thế hệ mới” cao hơn và rộng hơn nhiều. Phạm vi điều chỉnh của các FTA này bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các vấn đề thương mại mới (như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công...) và các vấn đề phi thương mại (môi trường, lao động...). Mức độ tự do hóa rất cao, giảm sâu thuế (còn từ 0 đến 5%) và giảm nhanh lộ trình (thời hạn của lộ trình ngắn).

Vậy QH cần và có thể làm gì để góp phần để hội nhập quốc tế của Việt Nam đạt được kết quả cao nhất? Tôi xin nêu ba suy nghĩ của mình về câu hỏi quan trọng này.

Thách thức lớn đối với công tác lập pháp

Hội nhập quốc tế là thách thức lớn đối với công tác lập pháp, trước tiên đối với QH. Khi đàm phán gia nhập WTO, trong vòng chưa đầy hai năm, tập trung nhất vào những tháng cuối cùng, Việt Nam đã phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 23 luật, 1 pháp lệnh và nhiều văn bản dưới luật và pháp lệnh để phù hợp với các quy định của WTO. Việt Nam cũng đã phê chuẩn các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Nhiều và nhanh đến nỗi hầu như chúng ta không kịp cân nhắc hệ quả và hệ lụy đối với hệ thống nội luật của Việt Nam ra sao!

Các điều ước quốc tế tác động lên hệ thống nội luật ngày càng sâu và rộng. Tuy vậy, thách thức không phải chỉ ở số lượng các luật phải sửa đổi mà còn ở chỗ đồng thời phải bảo đảm Điều 12 của Hiến pháp 2013 được thực hiện: “(...) chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”.

QH cần đóng góp tích cực hơn nữa trong đổi mới thể chế

Hiện nay, đổi mới thể chế chưa theo kịp chủ trương hội nhập quốc tế tích cực và chủ động, sâu và toàn diện của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, mỗi quốc gia có hai sự lựa chọn, hoặc chủ động đổi mới thể chế để xây dựng nguồn lực quốc gia mạnh, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, hoặc bị động thay đổi bởi hội nhập thúc ép. Bị động thường phải trả giá cao. Chủ động sẽ được nhiều hơn, giá phải trả thấp hơn. Đổi mới thể chế không phải là công việc của chỉ riêng QH, nhưng thể chế này có vai trò quan trọng hàng đầu vì có liên quan đến lập pháp.

Chủ động, theo tôi nghĩ, QH cần đóng góp tích cực hơn nữa trong việc đổi mới thể chế nhằm chống tham nhũng, tiêu cực mạnh và có hiệu quả hơn nữa; sử dụng có hiệu quả hơn nữa đầu tư công; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước; thực hiện liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng; xây dựng thương hiệu ngành hàng, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam. Tôi tin chắc là làm được các việc này, chỉ số thể chế và chỉ số cạnh tranh của Việt Nam sẽ tăng cao.

QH phải chủ động hội nhập trước tiên

Trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, vai trò của QH chỉ thể hiện ở phút cuối khi QH phải thẩm tra để phê chuẩn các điều ước.

Tháng 3 năm nay, khi được mời viết tham luận Vai trò của QH trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) 2000 - 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) sau 2015, tôi càng thấy rằng QH Việt Nam đáng lý đã phải tham gia nhiều hơn vào Chương trình thực hiện các MDG vì các mục tiêu này rất thiết thân với người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Tại sao QH cần có vai trò tích cực hơn trong hội nhập quốc tế? Đơn giản bởi lẽ lợi ích của đất nước là làm sao phát huy các kênh quyền lực nhà nước (thống nhất) để đạt được kết quả cao nhất có thể được trong hội nhập. Theo tôi nghĩ, QH cần tham gia thực chất hơn, nhiều hơn, bằng các phương thức thích hợp, vì hội nhập quốc tế không chỉ liên quan đến hệ thống nội luật về mặt lập pháp, mà còn tác động mạnh và sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội và chính trị của đất nước.

Hội nghị IPU - 132 và Tuyên bố Hà Nội là một ví dụ không thể rõ ràng hơn về kết quả Việt Nam có thể gặt hái được nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước thống nhất.

Vun đắp và phát huy “chất xám” của QH

Nhìn chung từ ngày thành lập đến nay, QH ngày càng khẳng định là một thiết chế không thể thiếu của Nhà nước. Từ cuối Khóa VII đến nay, QH đã từng bước đổi mới. Các ĐBQH đảm trách ngày càng tốt hơn các chức năng và nhiệm vụ. Tuy nhiên còn phải cố gắng nhiều để đạt chất lượng cao hơn. Tôi mạo muội đề xuất mấy việc cần làm sau đây để nâng cao năng lực của QH.

Trước tiên, hãy tiết kiệm “chất xám” của QH và “kỹ năng hoạt động nghị viện” mà các đại biểu tích lũy được sau mỗi khóa. Bằng một cách là tăng tỷ lệ số ĐBQH tái cử.

Thứ hai, mỗi ĐBQH tự nâng cao kỹ năng hoạt động nghị viện của mình, cụ thể là các kỹ năng phát biểu, thảo luận, giám sát, chất vấn, và thu thập, xử lý thông tin. Trong hoạt động nghị viện, một việc làm nên sự khác biệt giữa các ĐBQH là cơ sở dữ liệu về các vấn đề cần cho công tác này mà mỗi đại biểu xây dựng cho mình và năng lực sử dụng đúng lúc các thông tin cần thiết rút ra từ cơ sở

Thứ ba, mỗi đại biểu đến với QH từ góc độ chuyên ngành của mình. Công tác nghị viện lại đòi hỏi hiểu biết liên quan đến nhiều lĩnh vực và có độ sâu để có thể làm tốt ba chức năng của QH. Nói cách khác, phải không ngừng nâng tầm của mình lên. Đối với người làm công tác đối ngoại, điều này lại càng cần trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế.

Thứ tư, và trên hết, là cái tâm. Luôn xem phản ánh và góp phần tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho các bức xúc chính đáng của cử tri là một nhiệm vụ. Tâm sẽ thôi thúc đại biểu luôn cố gắng nâng tầm của mình lên. Tâm còn ở chỗ phát biểu hay không phát biểu, chất vấn hay không chất vấn, bấm nút nào khi phải biểu quyết một nội dung, là vì mình hay vì dân. Cuối cùng, khi cơ cấu số đại biểu QH khóa mới, coi trọng chất lượng và trình độ của ứng viên chính là vun đắp chất xám cho QH.

Gs.TsKH. Nguyễn Ngọc Trân 
ĐBQH các khóa IX, X, XI 
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bài 2: Một Quốc hội "rộng" và "sâu"

Những bước đi lên của QH là một thực tế rất rõ ràng, được cử tri thừa nhận.

 
28/12/2015
Bài 1: Một QH đổi mới

Ngày 6.1.2016 tới đây, QH được thành lập tròn 70 năm. "Ôn cố, tri tân" như người xưa vẫn nói, là việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh năm 2016, Đảng sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, và sau đó toàn bộ bộ máy nhà nước, trong đó có QH, sẽ được bầu lại. 

28/12/2015
Người dày công với lĩnh vực quốc phòng - an ninh của QH

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, tôi đến thăm anh Đặng Quân Thụy, một lão thành cách mạng, từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội năm 1945. Anh Đặng Quân Thụy và tôi từ lâu thân thiết như anh em nên câu chuyện rất cởi mở. Anh kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, nhất là giai đoạn làm ĐBQH Khóa VIII và thời gian công tác chuyên trách ở QH Khóa IX, là Chủ nhiệm Ủy ban QP - AN đầu tiên.

28/12/2015
70 năm mang ý nguyện dân tộc

Đại diện cho nhân dân, 70 năm qua, QH là tấm gương phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khát vọng của người Việt Nam. Khát vọng ấy hướng về hòa bình, hạnh phúc; nguyện vọng ấy gửi vào no ấm, giàu mạnh, công bằng, văn minh. QH lấy đó là mục tiêu phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường phụng sự dân tộc.

28/12/2015