Luôn chủ động đổi mới và hội nhập*

Bài 2: Một Quốc hội "rộng" và "sâu"

11:22, 28/12/2015

Những bước đi lên của QH là một thực tế rất rõ ràng, được cử tri thừa nhận.

Hội trường mới, nơi làm việc rộng rãi, số nhà khách của QH ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các ĐBQH được trang bị máy tính xách tay... là những ví dụ phát triển rất ấn tượng về “chiều rộng” của QH, nhất là trong Khóa XIII.

Về số lượng, số phiên họp của UBTVQH, số đại biểu QH chuyên trách, nhiều hơn, số luật được thông qua, các cuộc giám sát, các cuộc hội thảo, số đoàn khách quốc tế vào làm việc trong khung khổ trao đổi... tăng rõ rệt, nhiều hơn thời tôi là đại biểu.

Đó là những thành tựu cần được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, cử tri vẫn chờ đợi ở QH nhiều hơn những phát triển “chiều sâu”.

Kỹ năng hoạt động nghị trường của ĐBQH (thảo luận, tranh luận, chất vấn, giám sát...), tính chuyên nghiệp trong công tác của đại biểu và của bộ máy VPQH tốt hơn chắc chắn sẽ nâng hoạt động của QH lên tầm cao khác, với chất lượng khác.

QH thông qua nhiều luật hơn, nhưng còn nhiều luật chưa sát với cuộc sống, thậm chí có luật vừa thông qua, chưa có hiệu lực thi hành buộc phải sửa đổi. QH cần đi vào chiều sâu nhiều hơn nữa trên những vấn đề như: các quy định từ hội nhập tương tác ra sao với hệ thống nội luật; sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư công đúng, sớm mang lại hiệu quả...

Nói một cách khái quát, còn rất nhiều việc cần QH thực hiện ba chức năng của mình với chất lượng cao hơn. Tôi xin dẫn chứng hai ví dụ mà cũng là hai vấn đề tôi day dứt nhiều.

Thứ nhất là thương hiệu và năng lực cạnh tranh. Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, và chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhận thức rằng vấn đề năng lực cạnh tranh sẽ là cốt tử trong việc thắng thua trên thương trường, Ủy ban Đối ngoại của QH đã tổ chức hai buổi nói chuyện chuyên đề Thương hiệu Việt Nam và Hội nhập kinh tế (tháng 5.2003) và Chỉ dẫn địa lý và Thương hiệu nông sản Việt Nam (tháng 5.2004) nhằm giới thiệu với đại biểu QH khái niệm thương hiệu, ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, với mong muốn đưa từ này vào Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh cùng với những quy định nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Rất tiếc từ thương hiệu vẫn không được đưa vào hai luật với lý do là từ còn quá mới! Đó là vào năm 2005. Hai mươi năm sau Đổi mới, QH của chúng ta chưa đủ nhạy bén với chuyển động của đời sống kinh tế - xã hội.

Cho đến hôm nay, thêm mười năm nữa, khi mà Việt Nam đang hội nhập tích cực, sâu và toàn diện, từ thương hiệu vẫn chưa được luật pháp Việt Nam công nhận trong khi thương hiệu đã đi vào cuộc sống với nhiều cách hiểu và sử dụng khác nhau. Nhắm mắt càng lâu, Nhà nước càng khó quản thương hiệu!

Đến năm 2015, khi mà giá xuất khẩu của gạo Việt Nam đã gần 5 năm “đội sổ” (đứng cuối danh sách) những nước xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới thấy rằng cho tới nay Việt Nam chưa có bất cứ một thương hiệu gạo nào cả và mới bắt tay xây dựng đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”!

Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Luật Giáo dục đã được ban hành lần đầu tiên năm 1998 như là một luật khung. Luật sửa đổi được ban hành năm 2005. Luật này được sửa đổi bổ sung năm 2009 nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh.

Luật Giáo dục đại học được ban hành năm 2012. Những vấn đề đang tranh luận trong lĩnh vực này còn khá nhiều (nhiều hay ít trường đại học, ngoài công lập vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, tự chủ, tuyển sinh...).

Luật Dạy nghề được ban hành năm 2006. Dự kiến sửa đổi năm 2014, nhưng cuối cùng Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành. Chưa kịp thổi luồng sinh khí mới cho công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và của hội nhập, luật làm nảy sinh một số chồng lấn với Luật Giáo dục đại học liên quan đến hệ cao đẳng.

Không thiếu nghị quyết của Đảng, nghị quyết của QH, và khá nhiều luật đã được ban hành, sửa đổi bổ sung, rồi sửa đổi, nhưng nền giáo dục và đào tạo nước nhà chưa có được sự ổn định cần thiết để vận hành. Tại sao? Thực trạng của ngành giáo dục và đào tạo là một nỗi băn khoăn lớn của xã hội.

________

Các tít bài do ĐBND đặt

Gs. TsKH. Nguyễn Ngọc Trân 
ĐBQH các Khóa IX, X, XI
Nguyên Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại
http://www.daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bài 1: Một QH đổi mới

Ngày 6.1.2016 tới đây, QH được thành lập tròn 70 năm. "Ôn cố, tri tân" như người xưa vẫn nói, là việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh năm 2016, Đảng sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, và sau đó toàn bộ bộ máy nhà nước, trong đó có QH, sẽ được bầu lại. 

28/12/2015
Người dày công với lĩnh vực quốc phòng - an ninh của QH

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, tôi đến thăm anh Đặng Quân Thụy, một lão thành cách mạng, từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội năm 1945. Anh Đặng Quân Thụy và tôi từ lâu thân thiết như anh em nên câu chuyện rất cởi mở. Anh kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, nhất là giai đoạn làm ĐBQH Khóa VIII và thời gian công tác chuyên trách ở QH Khóa IX, là Chủ nhiệm Ủy ban QP - AN đầu tiên.

28/12/2015
70 năm mang ý nguyện dân tộc

Đại diện cho nhân dân, 70 năm qua, QH là tấm gương phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khát vọng của người Việt Nam. Khát vọng ấy hướng về hòa bình, hạnh phúc; nguyện vọng ấy gửi vào no ấm, giàu mạnh, công bằng, văn minh. QH lấy đó là mục tiêu phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường phụng sự dân tộc.

28/12/2015
Thành tựu của QH - Niềm tin của nhân dân

Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ Khóa XIII là việc QH xem xét, thông qua Hiến pháp năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2014). Hiến pháp 2013 đã tạo cơ sở hiến định mới cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

28/12/2015