Nhìn lại 10 năm thành tựu giám sát của QH (2005 - 2015)

Một QH ngày càng thực chất

09:10, 28/12/2015
Nhìn lại 10 năm qua, có thể khẳng định rằng cùng với việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, hoạt động giám sát tối cao đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của QH, đưa QH hoạt động ngày càng thực chất, xứng đáng với vị trí và vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Sự phát triển về chất trong hoạt động giám sát tối cao của QH thể hiện rõ nét trên một số phương diện.

Giám sát tối cao - phương tiện không thể thiếu trong kiểm soát quyền lực nhà nước

Một là, hoạt động giám sát tối cao của QH từ chỗ chỉ dựa trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp và Luật Tổ chức QH với những quy định chung, chưa cụ thể đến chỗ hoạt động giám sát được căn cứ vào một đạo luật với những quy định chi tiết, chặt chẽ từ việc xây dựng chương trình kế hoạch giám sát 6 tháng, hằng năm đến các quy định về chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức và cách thức giám sát… Nhờ đó, hoạt động giám sát tiến hành thường xuyên, có nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm, phản ánh được những vấn đề nóng bỏng, bức xúc, đang được nhân dân quan tâm. Đó là những vấn đề về xây dựng cơ bản, công trình trọng điểm quốc gia, hiệu quả đầu tư; quản lý các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước; chất lượng giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm mà QH đã thực hiện… Thông qua việc thực hiện các hoạt động giám sát đó, nhiều tiêu cực tham nhũng, lãng phí được phát hiện, đã rung lên những hồi chuông cảnh báo xác thực nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật trong tổ chức thực hiện. Vì thế, giám sát tối cao của QH đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước.

Không thể có một Chính phủ mạnh khi tồn tại một Quốc hội hoạt động hình thức. Hoặc ngược lại, không thể có một Quốc hội hoạt động thực chất thì làm cho Chính phủ yếu. Chúng ta cần cả lập pháp, hành pháp và tư pháp đều phải mạnh, đều là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và bảo đảm cho nhân dân kiểm soát được quyền lực nhà nước.

Hai là, hoạt động giám sát tối cao của QH được tiến hành trong không khí ngày càng dân chủ, cởi mở và trách nhiệm. ĐBQH thực hiện quyền chất vấn ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và có mong muốn đi đến cùng vấn đề đặt ra. Người có nghĩa vụ trả lời chất vấn đã có ý thức hơn trong việc nâng cao năng lực và trách nhiệm trước nhân dân và trước QH. Vì thế, dân chủ trong hoạt động giám sát tối cao của QH đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước tại kỳ họp đã trở thành một điều kiện tiên quyết, một trường học dân chủ, phương tiện hữu hiệu để nhân dân thông qua người đại biểu của mình kiểm soát quyền lực nhà nước đối với những người đứng đầu bộ máy nhà nước, nhất là bộ máy hành pháp (Chính phủ).

Ba là, hoạt động giám sát tối cao của QH được tiến hành dựa trên trình độ, năng lực, bản lĩnh của ĐBQH ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, chất lượng của các hoạt động giám sát tối cao của QH tại kỳ họp cũng ngày càng được tăng thêm một cách rõ rệt. Các phân tích, lập luận của nhiều ĐBQH rất sắc sảo, có sức thuyết phục. Các đề xuất, kiến nghị có tình, có lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Vì thế, chất lượng của ĐBQH, nhất là kỹ năng và bản lĩnh là nhân tố có ý nghĩa quyết định góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của QH.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát cũng còn một số hạn chế. Việc xem xét báo cáo công tác của các cơ quan theo quy định của pháp luật còn mang tính hình thức. Hay, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thực hiện được. Giám sát chuyên đề đã mang lại những kết quả nhất định nhưng chưa thực sự đi đến cùng. Năng lực giám sát so với yêu cầu, nhiệm vụ còn hạn chế. Phạm vi đối tượng giám sát xác định quá rộng. Hiệu lực và hiệu quả giám sát không cao.

Toàn cảnh hội trường Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII Ảnh: Q. Khánh

Giám sát để cả lập pháp, hành pháp và tư pháp đều mạnh

Trước nhiệm vụ xây dựng một QH mạnh, thực thi đầy đủ, đúng đắn nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định, cụ thể là hoạt động giám sát tối cao, thì mong muốn là QH các khóa tới cần khắc phục được một số hạn chế.

Suy cho cùng, mọi hoạt động của Nhà nước đều dựa trên ngân sách quốc gia do nhân dân đóng góp. Các hoạt động của Nhà nước tốt hay xấu đều bắt nguồn từ việc sử dụng ngân sách của Chính phủ và các bộ có hiệu quả hay không? QH quyết định phân bổ ngân sách quốc gia thì QH phải kiểm soát được hiệu quả của việc sử dụng ngân sách. Nên chăng trong thời gian tới cần tập trung giám sát chuyên đề hiệu quả của việc sử dụng ngân sách quốc gia của Chính phủ và các bộ. Việc xác định khách thể của giám sát tối cao tập trung vào hiệu quả sử dụng ngân sách của Chính phủ làm cho hoạt động giám sát đi vào chiều sâu, tránh dàn trải, hạn chế các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, góp phần làm yên lòng dân.

GS.TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

Thứ nhất là vấn đề nhận thức. Nguyên nhân cơ bản của hiệu lực và hiệu quả giám sát tối cao chưa cao, chưa được như mong muốn trước hết là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa thống nhất về vai trò của hoạt động giám sát tối cao. Các quan niệm nhấn mạnh một chiều tính thống nhất của quyền lực nhà nước rằng các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có mục đích chính trị chung là phục vụ nhân dân, xây dựng một nhà nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều dưới sự lãnh đạo của một Đảng. Do đó, vấn đề cơ bản và mấu chốt trong tổ chức quyền lực nhà nước là hợp tác và phối hợp, tạo điều kiện cho nhau làm tốt nhiệm vụ và quyền hạn của mình, chứ không phải là vạch lá tìm sâu, là cản trở gây khó khăn cho nhau trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước; rằng chỉ cần hành pháp mạnh, lập pháp và tư pháp phải có nghĩa vụ ủng hộ hành pháp, chứ không nên gây khó khăn cản trở hành pháp. Với các quan niệm như thế đã làm cho hoạt động giám sát còn có những biểu hiện dễ dãi, chưa đi đến cùng vấn đề trách nhiệm thuộc về ai. Cùng với quan điểm đó là các lập luận rằng chỉ trong nhà nước có nhiều đảng phái mới cần đến giám sát, mới đề cao vai trò của giám sát và mới có điều kiện để thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu lực và hiệu quả. Tất cả các quan niệm đó đều không phù hợp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân và vì dân. Bởi trong nhà nước pháp quyền, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Giám sát tối cao của QH là một phương thức để nhân dân giao quyền mà không bị mất quyền, không bị lạm quyền.

Thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền của các nước chỉ ra rằng sức mạnh và sự thịnh vượng của một quốc gia, cũng như khả năng đối mặt với những khó khăn, thách thức, phần lớn được quyết định bởi sự vững mạnh của cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự cam kết làm đúng, làm đủ nhiệm vụ và quyền hạn được nhân dân giao cho mỗi quyền là nhân tố góp phần làm cho đất nước giàu mạnh. Nó không kém phần quan trọng so với các yếu tố về tài nguyên, khí hậu, vị trí địa lý và con người. Những nước duy trì được sự phát triển ổn định lâu dài về kinh tế, chính trị, xã hội chính là những nước có cả ba quyền đều mạnh. Để làm được điều đó, phải kiểm soát được quyền lực nhà nước, nhất là quyền lực nhà nước về hành pháp. Giám sát nói chung, giám sát tối cao của QH nói riêng là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần xây dựng cả ba quyền đều mạnh, bảo đảm cho các quyền làm đúng, làm đủ nhiệm vụ và quyền hạn được nhân dân giao phó. Do đó, những quan điểm không đầy đủ, không đúng đắn về vai trò giám sát tối cao của QH là không làm cho cả ba quyền đều mạnh, là trái với đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng ta.

Thứ hai là nâng cao chất lượng của các kiến nghị giám sát. Hiệu lực và hiệu quả của giám sát suy cho cùng là đưa ra được các kiến nghị mang lại sự thay đổi tích cực trong thực tế, phù hợp với mục đích giám sát, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và dư luận xã hội. Điều đó đòi hỏi các cuộc giám sát tối cao của QH phải được tiến hành công phu và thực hiện cơ bản, chủ yếu ở các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc. Khắc phục tình trạng giám sát hình thức với các kiến nghị chung chung mang tính định hướng, thiếu cụ thể. Đó còn là đòi hỏi phải nâng cao năng lực giám sát của các chủ thể giám sát, đặc biệt là ĐBQH về bản lĩnh, thu thập và xử lý thông tin cũng như ý chí và quyết tâm theo đuổi đến cùng việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Thứ ba là khắc phục tình trạng giám sát dàn trải theo chiều rộng mà thiếu chiều sâu. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng các hoạt động giám sát theo chuyên đề với các chủ đề giám sát cụ thể, thiết thực. Kinh nghiệm thực tế của nhiều nước chỉ ra rằng giám sát hoạt động của Chính phủ và các bộ, trước hết và chủ yếu là giám sát hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước được nghị viện phân bổ. Bởi hiệu quả của việc sử dụng ngân sách quốc gia có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động khác của Nhà nước.

Thứ tư, cần gắn kết giám sát với hoạt động lập pháp, phục vụ cho hoạt động lập pháp. Các đề xuất, kiến nghị trong hoạt động lập pháp của các ĐBQH đều có căn cứ thực tiễn xác thực từ hoạt động giám sát.

GS.TS. Trần Ngọc Đường
Nguyên Phó chủ nhiệm VPQH

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều sâu

70 năm qua, QH Việt Nam đã thực hiện xuất sắc chức năng lập pháp. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), hoạt động lập pháp của QH được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao cả về chất lượng và số lượng các dự án luật được thông qua.

28/12/2015
70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và đặc biệt

BHG- Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

26/12/2015