Nhìn lại 10 năm thành tựu lập pháp của QH (2005 - 2015)

Xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều sâu

09:08, 28/12/2015
70 năm qua, QH Việt Nam đã thực hiện xuất sắc chức năng lập pháp. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), hoạt động lập pháp của QH được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao cả về chất lượng và số lượng các dự án luật được thông qua. Riêng về số lượng, chưa có thời kỳ nào mà số lượng các dự án luật được QH ban hành nhiều như trong thời kỳ này. Kết thúc mỗi nhiệm kỳ các khóa QH đều hoàn thành chương trình lập pháp khổng lồ. Dưới góc nhìn của nguyên Phó chủ nhiệm VPQH, GS.TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG, thì QH hai khóa XII, XIII là QH mở đầu một thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều sâu và chấm dứt thời kỳ xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều rộng.

Hoàn thành khối lượng chương trình lập pháp đồ sộ

- Chỉ còn ít ngày nữa, QH Việt Nam sẽ kỷ niệm tròn 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Trong chặng đường lịch sử ấy, giai đoạn 10 năm gần đây (2005 - 2015), QH đã có nhiều đổi mới và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Với hoạt động lập pháp, đâu là những thành tựu lập pháp nổi bật, thưa ông?

- Hoạt động lập pháp của QH nước ta 10 năm qua đã đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng. Đánh giá một cách tổng quan, hoạt động lập pháp của QH được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng các dự án luật được thông qua. Về số lượng, chưa có thời kỳ nào mà số lượng các dự án luật được QH ban hành nhiều như trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Kết thúc mỗi nhiệm kỳ các khóa QH đều hoàn thành một chương trình lập pháp khổng lồ.

 Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, QH, UBTVQH đã ban hành số lượng luật, pháp lệnh gấp 8 lần so với 41 năm trước. Từ ngày 2.9.1945 đến 30.2.1986, nước ta ban hành 63 luật, pháp lệnh; từ ngày 1.1.1987 đến 30.12.2013, nước ta đã ban hành được 483 luật, pháp lệnh. Chỉ riêng từ tháng 5.2005 đến tháng 6.2015, QH đã thông qua 238 luật và pháp lệnh (30 pháp lệnh, 208 luật). Đặc biệt, trong thời kỳ 2005 - 2015, QH đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm cơ sở hiến định cho việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Về chất lượng, nội dung của các dự án luật được thông qua khá phong phú, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội từ việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân đến việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế và công cụ  quản lý nhà nuớc về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Đáng chú ý, nội dung của các dự án luật được QH Khóa XII và XIII ban hành đều là những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, phản ánh đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với thực tiễn của đất nước và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại. Vì thế, nhìn chung các luật đã ban hành đáp ứng các đòi hỏi của cuộc sống, nhất là kịp thời bổ sung, hoàn thiện các luật đã ban hành nhưng không phù hợp với sự vận động và phát triển của thực tiễn (trong số 55 dự án luật đã được QH Khóa XII ban hành có gần một nửa là các dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành).

Kỹ thuật lập pháp cũng được QH đặc biệt quan tâm và đòi hỏi ngày càng gay gắt, nên tình trạng luật chỉ quy định nguyên tắc chung chung, không trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội mà phải thông qua văn bản dưới luật cụ thể hóa thi hành đã giảm nhiều, hạn chế dần luật sau khi ban hành phải chờ đợi nghị định và thông tư mới đi vào cuộc sống.

- Trong những thành tựu ấy, đâu là đổi mới đáng chú ý trong hoạt động lập pháp của QH 10 năm qua, thưa ông?

- Hoạt động lập pháp bao quát hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đến xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình và về quốc phòng, an ninh đều đã có bước tiến bộ về chất lượng và số lượng, góp phần làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ hóa, đầy đủ hơn, nhất là từ sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành.

QH các Khóa XII, XIII là QH mở đầu một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều sâu và chấm dứt thời kỳ xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều rộng.

Khắc phục tình trạng “ủy quyền lập pháp”

- 10 năm qua, công tác lập pháp của QH đã có sự tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của thực tiễn và mong muốn của nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động lập pháp của QH cũng còn một số tồn tại?

 - Về chất lượng lập pháp, trong một số đạo luật còn chứa đựng những quy định phản ánh không đầy đủ nhu cầu của cuộc sống nên tác dụng điều chỉnh không cao. Một số quy định còn thể hiện ý chí chủ quan, tính dự báo không cao, tính khả thi còn thấp, nên sức sống của một số điều luật và đạo luật không dài. Việc ủy quyền lập pháp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn nhiều nên việc cụ thể hóa luật không kịp thời, làm cho luật chậm đi vào cuộc sống, gây khó khăn cho việc thực hiện luật. Về hình thức thể hiện tuy có tiến bộ nhưng nhiều điều luật vẫn còn quy định dài dòng, thiếu rõ ràng minh bạch và thiếu chế tài cụ thể.

Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII họp phiên bế mạc Ảnh: Q. Khánh

- Trước đòi hỏi phát triển một cách toàn diện về kinh tế, chủ động mở cửa và hội nhập, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy nhân tố con người theo tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp 2013, nhiệm vụ lập pháp của QH trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Ông có kiến nghị gì để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động này của QH?

Trước hết, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nắm vững tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013, nâng cao năng lực lập pháp của các cơ quan có thẩm quyền là đòi hỏi khách quan và cấp thiết. Phải đoạn tuyệt mạnh mẽ và dứt khoát với các tư duy pháp lý như phân biệt đối xử, thiếu minh bạch, thiếu công khai, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức, trách nhiệm không rõ ràng, cụ thể còn ẩn chứa trong các quy định pháp luật… Đề cao chủ quyền nhân dân, trách nhiệm của nhà nước, thừa nhận giá trị phổ quát của tính công khai, minh bạch trong tổ chức đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Phải cải cách đổi mới một cách đồng bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước theo nguyên tắc hiến định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2, Hiến pháp 2013)...

Hai là, cần gắn kết chặt chẽ nhiều hơn nữa việc thực hiện chức năng lập pháp với việc thực hiện chức năng giám sát trong hoạt động thẩm tra các dự án luật. Lâu nay, việc thực hiện chức năng lập pháp và thực hiện chức năng giám sát dường như là hai công việc có tính độc lập, tiến hành một cách riêng rẽ. Vì thế, thời gian dành cho hoạt động lập pháp bị chi phối bởi thời gian thực hiện hoạt động giám sát. Nếu có kế hoạch, biết kết hợp hoạt động giám sát phục vụ cho hoạt động thẩm tra các dự án luật, thì việc thẩm tra dự án luật chắc chắn sẽ có cơ sở thực tiễn phong phú phục vụ cho thẩm tra.

Ba là, cần tiếp tục đổi mới quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền trong các công đoạn của quy trình lập pháp và quy định các chế tài khi các chủ thể đó vi phạm. Phải đặc biệt làm rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo dự án luật trong việc xây dựng hệ thống chính sách và đánh giá sự tác động của các chính sách đó. Nếu có sửa đổi, bổ sung chính sách trong các dự án luật đưa trình ở các giai đoạn thẩm tra, xem xét, thảo luận và thông qua của QH cần bảo đảm cho Chính phủ bảo vệ chính sách do mình đưa ra. Làm như vậy để luật sau khi thông qua, nếu không đi vào cuộc sống thì cơ quan đưa trình dự án luật không thể đổ lỗi cho QH. Hoạt động lập pháp sẽ nâng cao được trách nhiệm, minh bạch hóa được các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong các bước của quy trình lập pháp, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động lập pháp. Kiên quyết khắc phục tình trạng ủy quyền lập pháp bằng quy định giao cho cơ quan, có thẩm quyền cụ thể hóa thi hành.

- Xin cảm ơn ông!

 Nhìn vào số lượng các dự án luật đã được thông qua trong các nhiệm kỳ QH 10 năm qua, có thể thấy rằng các dự án luật sửa đổi, bổ sung chiếm một tỷ lệ lớn (gần một nửa). Điểm mới này cho thấy, một mặt với nỗ lực của các khóa QH trước đây, nhất là QH Khóa XI đã ban hành một khối lượng luật rất lớn; trên hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội đã có các đạo luật cơ bản điều chỉnh. Mặt khác, qua thời gian cũng cho thấy, các đạo luật đã ban hành chất lượng chưa cao, chưa dự báo được thực tiễn vận động phong phú, phức tạp của các quan hệ xã hội. Vì vậy, song song với việc ban hành các đạo luật mới, QH Khóa XII, XIII phải đảm đương nhiệm vụ bổ sung và hoàn thiện các đạo luật do QH các khóa trước đó ban hành để kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

GS.TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

http://www.daibieunhandan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và đặc biệt

BHG- Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

26/12/2015