Đại biểu Quốc hội: 'Đến năm 2021 mới tăng tuổi nghỉ hưu là hơi muộn'

11:10, 30/05/2019

Ông Đinh Văn Nhã cho rằng một quốc gia sớm có chiến lược tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tránh được sự điều chỉnh gây sốc.

Đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách.
Đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Chiều 29/5, thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về tăng tuổi nghỉ hưu.

Ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chiến lược chung của nhiều quốc gia trên thế giới mà không phân biệt nước giàu hay nghèo. Và để thực hiện chiến lược này, các nước thường đề ra lộ trình tăng dần trong nhiều năm. Ví dụ có những nước độ tuổi nghỉ hưu phổ biến là 65 thì họ điều chỉnh trong hàng chục năm để đạt mức này, cứ mỗi năm tăng thêm một tháng.

"Cách tăng như vậy không gây sốc. Với Việt Nam, việc trình Quốc hội xem xét từ năm 2021 mới bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hơi muộn so với các nước, có thể nói là nước đến chân mới nhảy", ông Nhã nói.

Theo ông, nếu như Việt Nam tăng tuổi nghỉ hưu sớm hơn, từ cách đây vài năm thì chỉ cần mỗi năm tăng một tháng, thay vì mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi như đề xuất của Chính phủ (phương án khác của Chính phủ là mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam, 6 tháng đối với nữ).

Ông Nhã nhấn mạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. "Ở ta có nghịch lý là mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, thời gian hưởng dài, mức hưởng lại cao, khiến quỹ không có cách gì cân đối được; tất nhiên không thể vỡ quỹ được ngay, nhưng về lâu dài nếu không cân đối là rất nguy hiểm", ông Nhã nói và đề xuất chỉ nên kéo dài tuổi nghỉ hưu của nữ đến 58 thay vì 60 như phương án của Chính phủ.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới. "Không phải cứ độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau mới là bình đẳng giới. Chính sự khác nhau về tuổi nghỉ hưu mới là bình đẳng, do đặc điểm tâm sinh lý và bảo đảm lợi ích cho nữ", ông Lưu nói.

Ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu, ông Hoàng Văn Trà - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói, tuổi thọ bình quân và sức khỏe của người Việt Nam đã tăng lên trong những năm qua, phù hợp với việc kéo dài thời gian làm việc. Tuy nhiên, ông Trà đề nghị Chính phủ làm rõ thêm lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, "vì sao mỗi năm tăng 3 tháng, 4 tháng?".

Ngoài ra, ông Trà cho rằng dự luật cần quy định cụ thể việc "người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

"Thực tế trong nhiều cơ quan có tình trạng cán bộ chỉ đi đi về về, không cống hiến được gì. Bản thân họ muốn nghỉ lắm nhưng chế độ, chính sách không thực hiện được vì chưa đủ tháng, đủ ngày để nghỉ. Hoặc có những người không làm gì vẫn chiếm một vị trí, muốn bổ nhiệm người mới lên thì không có suất", ông nói. 

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhiều đại biểu chưa đồng tình việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ông Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nói, tăng tuổi nghỉ hưu thì người hưởng lợi nhiều nhất là ở khu vực công; dù tăng có lộ trình nhưng ít nhiều tác động đến lớp cán bộ liền kề. Trong khi đó, nội dung này ban soạn thảo chưa thống kê tác động bao nhiều người.

"Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu", ông Tới nói.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Lâm cũng cho rằng trong bối cảnh người lao động nhiều, thiếu việc làm thì "khó ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu". Theo ông, nếu cán bộ muốn làm việc thêm, có khả năng cống hiến sau khi về hưu thì có thể ký hợp đồng với đơn vị để ở lại làm việc với tư cách chuyên gia.

Chiều 12/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).

Theo vnexpress.net


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.

29/04/2019
Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Cụ thể hóa các chương trình, đề án, quyết định của T.Ư về chính sách dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; các cấp, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể ký kết nhiều chương trình phối hợp thực hiện. Năm 2018, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn đầu tư trên 222 tỷ đồng từ Chương trình 135 để đầu tư cơ sở hạ tầng...

28/12/2018
Các trường hợp được miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia 2019

Có một số trường hợp được miễn thi tất cả các bài thi trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để được xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2019, các thí sinh học chương trình giáo dục Trung học Phổ thông bắt buộc phải tham dự kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia do Bộ tổ chức và hoàn thành tất cả các môn thi theo quy định...

25/05/2019
Quyết định 352 giúp các hộ dân Bắc Mê thoát nghèo

BHG - Nhằm tạo sinh kế và hướng thoát nghèo cho người dân, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 352 ngày 3.3.2014 về Phương án "Hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi". Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đã thu được nhiều kết quả, đồng thời là giải pháp hữu hiệu giúp các hộ dân thoát nghèo; đến nay, huyện Bắc Mê đã giải ngân cho 358 hộ mua 254 con trâu, bò.

 

25/01/2019