In mãi dấu chân Người

09:38, 23/03/2016

BHG- Cánh đồng xã Phương Thiện, sân vận động thị xã Hà Giang (nay là Quảng trường 26.3, khuôn viên của Uỷ ban MTTQ tỉnh... những nơi mà hơn nửa thế kỷ trước đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm; đến nay như vẫn còn in mãi dấu chân Người với Cụm tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang”, với cây đại vẫn mãi xanh tươi.

Quảng trường 26.3 trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao và diễn ra các sự kiện quan trọng của tỉnh.
Quảng trường 26.3 trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao và diễn ra các sự kiện quan trọng của tỉnh.

Theo cuốn “Di sản văn hóa Hà Giang” thì Di tích Kỳ Đài nằm trên Quảng trường 26.3, thuộc phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Trước đây là một khoảng đất rộng, nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh hội tụ trong những dịp lễ, tết để tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, mít-tinh ủng hộ kháng chiến, nơi tiễn con em các dân tộc trong tỉnh lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1959, Kỳ Đài được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hà Giang. Đến tháng 9.2005, nhóm Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang” tọa lạc trang trọng ở vị trí trung tâm Quảng trường 26.3 được khánh thành nhằm ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời căn dặn của Bác khi Người lên thăm Hà Giang. Nhóm tượng đài này do các nhà điêu khắc và Công ty Mỹ thuật trung ương thiết kế, thi công bằng chất liệu đá quý được lấy từ Thanh Hóa, vừa thể hiện sự bề thế, hoàng tráng những cũng rất gần gũi, ấm cúng với những hình ảnh đặc thù của con người và mảnh đất Hà Giang.

Ngược dòng lịch sử, vào đầu xuân năm 1961, tin vui đến với người dân nơi cực Bắc Tổ quốc, là được đón Bác Hồ về thăm. Buổi sáng ngày 27.3, tại Kỳ Đài đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng, toàn thể cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh được gặp Bác Hồ. Tại đây, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã được nghe Bác trò chuyện, khen ngợi những thành tích trong chiến đấu, lao động sản xuất và căn dặn 8 điều để xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Kỳ đài, sân vận động xưa, nay đã được sửa chữa, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trở thành nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào trên địa bàn và trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm 1993, Kỳ Đài được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Anh Hoàng Văn Nam, phường Nguyễn Trãi chia sẻ với chúng tôi khi đang dạo bước tập thể dục tại Quảng trường 26.3: “Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay biết về di tích Kỳ Đài qua những trang lịch sử, dù chưa thể cảm nhận được hết không khí náo nức cờ hoa của 55 năm trước, nhưng được đứng tại đây, nơi Bác Hồ đã từng ghé thăm, thật sự có cảm giác ấm áp và xúc động; chúng tôi tự hào giới thiệu với bạn bè của mình tham quan Kỳ Đài khi họ lên thăm Hà Giang”.

Điểm tiếp theo chúng tôi theo dấu chân Người là khuôn viên Uỷ ban MTTQ tỉnh, nơi đây, Bác đã trồng cây Đại lưu niệm với mong muốn đồng bào các dân tộc Hà Giang luôn giữ mãi tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là chìa khóa để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH địa phương.

55 năm đã trôi qua, cây Đại ngày nào đã trở thành cây đại thụ cao lớn, tỏa hương hoa thơm ngát. Tập thể lãnh đạo, cán bộ Uỷ ban MTTQ tỉnh thường xuyên chăm sóc để cây Bác trồng được mãi mãi xanh tươi.

Bà Vương Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Thật vinh dự khi trong khuôn viên của cơ quan có di tích ghi dấu ngày Bác Hồ lên thăm, ngoài việc thường xuyên chăm sóc cho cây xanh tốt, cây Đại còn nhắc nhở chúng tôi phải luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương của Bác để trở thành người cán bộ của dân”.

Vinh dự và tự hào với thế hệ trẻ hôm nay khi được đứng dưới chân Kỳ  Đài thiêng liêng và lịch sử để nhớ về Bác, nhớ về những lời căn dặn của Người để không ngừng cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào sự phát triển KT - XH, xây dựng Hà Giang ngày càng giàu đẹp.

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang

BHG- Ngày 26.3.1961, một dấu mốc lịch sử quan trọng luôn khắc ghi trong tâm trí bao thế hệ đồng bào các dân tộc Hà Giang, đó là ngày mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hà Giang được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc; được nghe Người trò chuyện, khen ngợi về những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp và thành quả trong xây dựng, phát triển KT - XH

19/03/2016
Công văn về việc gửi bài nói chuyện của Bác Hồ đến thăm Hà Giang năm 1961

BHG- Ngày 11.3, Báo Hà Giang nhận được công văn số 170-CV/BTG, ngày 08.03.2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc gửi bài nói chuyện của Bác Hồ đến thăm Hà Giang năm 1961. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn nội dung công văn này.

17/03/2016
Huyện Bắc Mê phát động Tháng thanh niên năm 2016

BHG- Sáng 16.3, tại thôn Nà Nèn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê), Ban Chỉ đạo Tháng thanh niên huyện Bắc Mê tổ chức Lễ phát động Tháng thanh niên năm 2016 nhằm thiết thực chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021; kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

17/03/2016
Công văn về việc gửi khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 55 năm Bác Hồ đến thăm Hà Giang

BHG- Ngày 8.3, Báo Hà Giang nhận được công văn số 165-CV/BTG, ngày 04.03.2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc gửi khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 55 năm Bác Hồ đến thăm Hà Giang. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn nội dung công văn này.

17/03/2016