Phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống HIV/AIDS
HGĐT- Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CBGDLĐXH) Hà Giang là đơn vị trực thuộc Sở LĐ - TBXH tỉnh, được thành lập vào năm 2005 và đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2008, đóng chân trên địa bàn xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, cách TP Hà Giang 30 km.
Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện khám chữa bệnh, cai nghiện, giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, lao động sản xuất cho học viên; với công việc đặc thù là quản lý giáo dục cho học viên nghiện chích ma túy, đây là nhóm người có tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS rất cao. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu hoạt động, Trung tâm CBGDLĐXH đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động truyền thông, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc, điều trị cho học viên nhiễm HIV/AIDS.
Số lượng học viên tạiTrung tâm thường xuyên dao động ở mức từ 70 đến 100 học viên, trong đó số học viên nhiễm HIV/AIDS chiếm tới 20 đến 30%. Đây thực sự là khó khăn vất vả cho các y, bác sỹ bởi trong cùng thời gian các học viên vừa phải điều trị cai nghiện ma túy đồng thời tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS mà cơ sở vật chất của Trung tâm còn thiếu thốn.
Bác sỹ Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng Y tế, Phục hồi sức khỏe, Trung tâm CBGDLĐXH, cho biết: Mỗi khi tiếp nhậnhọc viên mới, chúng tôi tiến hành khám, đánh giá, phân loại học viên, nếu học viên nào đã nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV. Đồng thời chúng tôi cử cán bộ đi liên hệ với Khoa Điều trị Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS lấy thuốc ARV để học viên uống kịp thời, không để trường hợp học viên thiếu thuốc, mặc dù đường đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ.... Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Trung tâm nên định kỳ 3 đến 6 tháng các học viên được xét nghiệm tự nguyện HIV, với những học viên đã bị nhiễm HIV sẽ được xét nghiệm CD4, xét nghiệm sinh hóa huyết học và được tiếp cận điều trị ARV khi đủ điều kiện, hàng tháng cán bộ của Trung tâm đến lấy thuốc cho học viên tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt với những học viên được phát hiện nhiễm HIV, sẽ được chúng tôi tư vấn kiến thức để phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng, đồng thời giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Một điều đáng nói là mặc dù học viên đang bị quản lý tập trung, nhưng khi được phát hiện nhiễm HIV vẫn được chăm sóc tận tình và không bị phân biệt đối xử giữa học viên với học viên và giữa học viên và cán bộ Trung tâm. Trong thời gian từtháng 8 năm 2008 đến nay, Trung tâm CBGDLĐXH đã phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức được 8 đợt lấy mẫu máu xét nghiệm tự nguyện HIV cho học viên, có 60 học viên nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS.
Bác sỹ Tống Khánh Hải, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Việc phối hợp tốt để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã giúp cho mỗi học viên và gia đình học yên tâm và tin tưởng hơn khi con mình được điều trị tại Trung tâm, nhiều học viên mới vào Trung tâmđã phát hiện nhiễm HIV và chuyển sang giai đoạn AIDS (xét nghiệm CD4 chỉ còn có < 30 tế bào) nhưng với sự quan tâm chăm sóc của cán bộ y tế, các học viên này đã tiếp cận các dịch vụ dự phòng nhiễm trùng cơ hội và điều trị ARV của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDSnên sức khỏe các học viên đã hồi phục rõ rệt.
Học viên tên Nguyễn Văn A, ở xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tâm sự: nếu không được vào Trung tâm cai nghiện thì em đã chết lâu rồi. Ở nhà em yếu lắm, hàng ngày chỉ còn biết tiêm chích ma túy. Khi em vào Trung tâm do CD 4 người chỉ còn 45 kg, nhưng được các thầy, cô đặc biệt là các y, bác sỹ Trung tâm chăm sóc và em được uống thuốc ARV bây giờ em đã tăng cân thấy khỏe khoắn lên nhiều.
Những kết quả mà Trung tâm CBGDLĐXH đã đạt được không thể không nói đến công tác phối hợp triển khai trương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho học viên. Sau khi học viên chấp hành song thời gian cai nghiện ma túy tại Trung tâm CBGDLĐXH mỗi học viên không chỉ được cấp giấy chứng nhận của Trung tâm về sức khỏe mà còn có những kiến thức cơ bản để phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho bản thân, gia đình trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc