Phòng tránh ngã tại nhà cho người cao tuổi
Ngã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người cao tuổi cả về thể chất lẫn tinh thần, gây giảm khả năng tự lập của người già, tăng nhu cầu cần chăm sóc. đặc biệt người cao tuổi ngã có thể dẫn tới cái chết do hậu quả trực tiếp của ngã hay các biến chứng.
Tuổi thọ cao đi đôi với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bệnh tật cho người cao tuổi cũng tăng lên. Người cao tuổi rất dễ bị bệnh tật tấn công vì cỗ máy thời gian đã bào mòn và gặm nhấm sức khỏe của họ, người cao tuổi còn dễ bị chấn thương do nguyên nhân ngoài ý muốn như ngã trong sinh hoạt hằng ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 28% - 35% người trên 64 tuổi bị ngã hằng năm, nếu trên 70 tuổi tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều, tới 42%.
Tại sao người cao tuổi lại dễ bị ngã?
Người cao tuổi cần tham gia tập luyện các bài tập phù hợp để tăng cường sức mạnh cơ xương.
|
Người cao tuổi dễ bị ngã do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do sức khỏe giảm sút, các cơ quan bị giảm chức năng (cơ teo yếu, khớp thoái hóa, biến dạng, rối loạn dáng đi...); rối loạn thăng bằng, giảm đáp ứng, sa sút trí tuệ..., giảm thị lực, rối loạn tiểu tiện, người già hay bị ốm, hồi phục sức khỏe chậm; người già phải dùng quá nhiều thuốc (thuốc hạ huyết áp, an thần...). Các yếu tố khách quan khiến người cao tuổi dễ ngã như nền trơn, thiếu ánh sáng, vấp, bậc thềm, thảm lau chân... Các vị trí người cao tuổi dễ bị ngã như trong nhà tắm, cầu thang, nền nhà, xuống giường, ghế, bậc và các vị trí bên ngoài nhà.
Phòng tránh ngã cho người cao tuổi như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngã có thể phòng tránh được bằng nhiều sự can thiệp phối hợp như thay đổi môi trường cho phù hợp với sức khỏe người cao tuổi; tập luyện giúp cải thiện thăng bằng, dáng đi khỏe cơ - xương khớp; điều trị bệnh phối hợp, chọn thuốc hợp lý cho người cao tuổi; hướng dẫn và khuyến khích sử dụng dụng cụ trợ giúp di chuyển khi cần thiết. Trong đó thay đổi môi trường và tập luyện là hai biện pháp đầu tiên, bản thân người cao tuổi và gia đình của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng tránh ngã để giúp loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây ngã cho người cao tuổi tại nhà.
Thay đổi môi trường
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ, bổ sung độ an toàn trong gia đình đảm bảo yêu cầu chống trơn chống trượt, chống vấp, cụ thể: Nhà tắm, nền nhà cần được lát gạch chống trơn, dùng thảm chùi chân có chống trơn. Nhà tắm, vệ sinh nên ở gần phòng ngủ. Nhà cửa gọn gàng, không thả súc vật nuôi như chó, mèo trong nhà, nền nhà giữ luôn khô ráo.
Bổ sung tay vịn cầu thang, đủ ánh sáng. Trong phòng ngủ cần gọn gàng, đủ ánh sáng. Đồ dùng như kính, điện thoại để ở nơi dễ lấy, dễ cầm. Nên sử dụng hố xí bệt cho người cao tuổi; xí bệt cần có tay vịn, khi cần thiết có thể nâng độ cao của xí bệt để người già dễ sử dụng. Dùng giày dép phù hợp, hướng dẫn và khuyến khích sử dụng dụng cụ trợ giúp để đi lại khi cần thiết.
Người cao tuổi không nên đi giày dép cao, nên chọn dùng các loại dép đế bằng, có nhiều ma sát, mềm phù hợp với chân vì người cao tuổi rất hay có vấn đề về bàn chân như loét, chai chân, thoái hóa khớp đặc biệt ngón chân cái.
Dụng cụ trợ giúp đi lại cần được sử dụng trong các trường hợp cần thiết như mất thăng bằng, mắt kém, đau khớp, cơ yếu teo, bệnh parkinson. Dụng cụ trợ giúp đi lại như gậy, khung đi, xe lăn. Cần nhớ rằng gậy chỉ giúp cải thiện yếu tố tâm lý, không giúp chịu trọng lực cho cơ thể. Hiện nay có loại gậy 3-4 chân rất hữu ích cho người cao tuổi đi lại, trợ giúp cả chịu lực và thăng bằng. Khung đi trợ giúp chịu lực và thăng bằng cho cơ thể. Khi người cao tuổi phải sử dụng dụng cụ trợ giúp đi lại, gia đình nên cho các cụ ở tầng thấp, không được leo thang (đặc biệt với khung đi), một số trường hợp cần có người giám sát hoặc cần trợ giúp.
Tập luyện để phòng tránh ngã cho người cao tuổi
Mục đích tập luyện để tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện thăng bằng và dáng đi. Qua nhiều nghiên cứu trên thế giới, thái cực quyền là bài tập rất có hiệu quả để phòng tránh ngã cho người cao tuổi, bài tập này phù hợp với sức khỏe người cao tuổi. Tập thăng bằng (đứng trên một chân, ngồi trên bóng...), đạp xe, tập đi, tập dưới nước. 4-6 tháng đầu tập 3-5 buổi/tuần, sau duy trì tuần 1-2 buổi. Có thể tập cá nhân hoặc tập thể. Tuy nhiên, tốt nhất trước khi tập người cao tuổi cần khám sức khỏe để được tư vấn hình thức tập nào là phù hợp với bản thân.
Ý kiến bạn đọc