Công tác chăm sóc Skss ở Xín Mần
(HGĐT)- Xác định rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh ở huyện Xín Mần là do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều yếu kém, nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế.
Tiêm vác xin phòng lao cho trẻ của Bệnh viện Lao và Phổi. Ảnh: Hiến chương |
Do đó, ngay từ khi triển khai thực hiện các hoạt động của mình, Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS luôn tập trung thực hiện các hoạt động chính là: Truyền thông thay đổi hành vi; hỗ trợ các trang thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc SKSS kết hợp với việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số hoạt động trong lĩnh vực này.
Hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của người dân đã được Dự án tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Trước tiên, Dự án tập trung vào việc đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản và cán bộ chuyên trách dân số. ưu tiên tập huấn cho đội ngũ này bởi họ hoạt động trực tiếp ở cơ sở, gần dân, hiểu dân nhất và đa số họ là người dân tộc, cùng nói một ngôn ngữ với dân. Từ khi triển khai Dự án đến nay, hầu hết đội ngũ này đều đã được tập huấn về kỹ năng truyền thông chăm sóc SKSS và trẻ sơ sinh. Chỉ riêng năm 2007, đã có 19 cán bộ chuyên trách dân số, 87 cộng tác viên dân số được tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi. Đội ngũ này đã hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Một trong những hoạt động truyền thông đạt hiệu quả nữa là việc truyền thông qua các buổi văn nghệ chợ do ngành Văn hoá tổ chức. Để hỗ trợ ngành Văn hoá thực hiện nhiệm vụ này, Dự án hỗ trợ các thiết bị tuyên truyền như: Tăng âm, loa đài, băng đĩa hình bằng nhiều thứ tiếng dân tộc và kinh phí thực hiện…Qua những buổi văn nghệ chợ, những thông tin về chăm sóc SKSS được đọc bằng tiếng dân tộc xen lẫn các tiết mục văn hoá, văn nghệ đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và người dân cũng tiếp thu được những vấn đề về chăm sóc SKSS thông qua băng hình tuyên truyền bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Trong năm 2007, ngành Văn hoá huyện tổ chức được 38 buổi tuyên truyền văn nghệ chợ, thu hút được khoảng 30 nghìn lượt người đến nghe. Cùng với ngành Văn hoá, Dự án cũng đã phối hợp với các tổ chức Hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thực hiện công tác truyền thông chăm sóc SKSS lồng ghép với các chương trình của tổ chức Hội. Ngoài ra, Dự án cũng đã in ấn nhiều tài liệu với nội dung phong phú, đa dạng để phát cho bà con hoặc dán ở khu dân cư như: Sách, tờ rơi, tranh lật, tờ bướm…Bằng nhiều hình thức truyền thông khác nhau, Dự án đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS. Từ nhận thức đó đã giúp người dân tự giác hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và xã hội.
Song song với hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, Dự án cũng đã quan tâm đến việc hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc SKSS. Từ khi triển khai đến nay, Dự án án đã đầu tư cơ bản cho các trạm Y tế các xã và Bệnh viện trung tâm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chăm sóc SKSS. Năm 2007, Dự án hỗ trợ các trang thiết bị văn phòng cho 5 trạm Y tế xã; hỗ trợ trang thiết bị cho ngành Y tế huyện một số thiết bị như: Máy theo dõi sản khoa; máy tạo ô xi; máy theo dõi chức năng sống; máy xét nghiệm nước tiểu; máy xét nghiệm sinh hoá máu; bộ cấp cứu sơ sinh; bộ tháo, đặt dụng cụ tử cung…Các thiết bị Dự án đầu tư, hỗ trợ cho ngành Y tế huyện đã thực sự phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, Dự án cũng đã quan tâm cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc SKSS cho người dân như: Bao cao su, túi đẻ sạch, thuốc tránh thai...Song song với việc đầu tư, hỗ trợ các trang thiết bị y tế, Dự án cũng đã quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế. Hoạt động này được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đến nay, gần 100% cán bộ bác sỹ sản khoa, nữ hộ sinh trung học ở Bệnh viện trung tâm và các trạm Y tế đã được tham gia các lớp đào tạo chuẩn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS và quản lý các dịch vụ chăm sóc SKSS. Ngoài ra nhiều cán bộ trạm Y tế còn được đi đào tạo dài hạn ở các trường y tế, các trung tâm đào tạo trong và ngoài tỉnh về công tác chăm sóc SKSS. Nhờ có sự kết hợp giữa việc đầu tư trang thiết bị với công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế nên đã nâng cao được chất lượng công tác khám, chữa bệnh nói chung và chất lượng chăm sóc SKSS nói riêng trên địa bàn huyện.
Hoạt động của Dự án Chăm sóc SKSS đã góp phần giúp huyện tăng tỷ lệ phụ nữ khi sinh được cán bộ y tế đỡ đạt gần 70%; số bà mẹ được khám sau đẻ tăng lên gần 75%; số phụ nữ được khám phụ khoa, khám thai định kỳ tăng; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày một nhiều, trong năm 2007 có 6.681 cặp; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 25%…Những kết quả tích cực của Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Xín Mần.
Ý kiến bạn đọc