Nhà ở cho người có thu nhập thấp - giấc mơ đang thành hiện thực

18:49, 11/04/2012

HGĐT- Theo niên giám thống kê, năm 2010 thu nhập bình quân của lao động trong khu vực nhà nước trên 3 triệu đồng/người/tháng. Mức thu này, phải gánh trên vai các khoản sinh hoạt phí như ăn uống, mua sắm đồ dùng, điện nước, giao tiếp xã hội... nên khả năng tích luỹ của đối tượng có thu nhập thấp so với giá nhà ở trên thị trường chênh lệch nhau quá lớn. Vì vậy, giấc mơ được sở hữu căn nhà nhằm ổn định cuộc sống là quá xa vời đối với nhiều công chức nhà nước.


 

 Khu nhà trọ này là chỗ ở của hàng chục cán bộ các cơ quan hành chính Nhà nước.


NHÀ Ở...CANH CÁNH NỖI LO:

Tốt nghiệp đại học, Trường Giang lên Hà Giang làm công chức, hưởng lương ngân sách ở một đơn vị hành chính Nhà nước. Năm đầu công tác, Giang được nhận lương công chức tập sự, tổng thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Kết thúc tháng làm việc đầu tiên, cầm số tiền công sức lao động trong 30 ngày, Giang thấy rất vui. Nhưng niềm vui tan nhanh, bởi số tiền đó phải gánh trên mình biết bao khoản chi phí khác, dù rất tiết kiệm trong chi tiêu, có kế hoạch với từng công việc cụ thể nhưng vẫn không đủ cho cuộc sống, vẫn phải trông chờ vào nguồn trợ cấp của gia đình. Sau một năm, Giang được hưởng lương biên chế, nhưng thu nhập cũng không tăng hơn là bao, trong khi đó, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày biến động lớn và đều theo chiều hướng tăng đến chóng mặt. Ngồi đối diện với Giang trong căn phòng trọ chỉ vài mét vuông, tôi rất cám cảnh khi thấy vật dụng dùng cho sinh hoạt hàng ngày rất đơn sơ, chỉ một chiếc giường đơn cũ kỹ, chiếc biếp ga mini, nồi cơm điện và vài đồ dùng sinh hoạt ít tiền. Nhìn những thứ mình tích cóp được sau 6 năm hưởng lương công chức, Giang ngao ngán tâm sự: Cứ mỗi năm đến dịp tăng lương lại vừa mừng, vừa lo, mà lo nhiều hơn. Bởi lẽ, lương tăng thêm được một thì giá đã tăng gấp 3-4 lần. Chi phí cho cuộc sống càng ngày càng đắt đỏ, với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng, để lo được cho đời sống hàng ngày đã quá khó khăn chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến việc mua đất, làm nhà. Mà cứ đi ở thuê mãi thì không yên tâm làm việc, giá thuê nhà cũng liên tục điều chỉnh tăng, có năm phải chuyển nhà đến 2-3 lần.


Những khó khăn trên không chỉ là nỗi niềm của riêng Trường Giang mà của rất nhiều công chức đang làm việc tại các đơn vị hành chính, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Công chức có trình độ đại học, 3 năm mới được tăng một bậc lương, mỗi bậc lương cũng chỉ chênh nhau mấy trăm nghìn đồng. Như vậy, biết đến bao giờ cuộc sống mới bớt nhọc nhằn chứ chưa nói gì đến việc tích luỹ để thực hiện ước mơ mua nhà, mua xe nếu như không có sự hỗ trợ của gia đình. Và thế là, biết bao công chức Nhà nước, đang ngày đêm làm việc miệt mài, đóng góp công sức, làm giàu cho xã hội thì bản thân họ vẫn luôn phải sống chật vật, vẫn phải chui ra, chui vào trong căn phòng trọ chật hẹp. Đồng lương công chức ít ỏi, lo cho cái ăn, cái mặc của cá nhân đã khó, nếu có gia đình, con cái thì còn biết bao nhiêu việc phải chi tiêu nên để sở hữu một căn nhà với các điều kiện tối thiểu cũng rất khó khăn đối với công chức, người có thu nhập thấp.


NHU CẦU CHÍNH ĐÁNG VÀ QUYẾT SÁCH KỊP THỜI

Theo niên giám thống kê, năm 2010 mức thu nhập bình quân củangười lao động trong khu vực Nhà nước trên 3 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập của hộ gia đình 2 con ăn theo trên 6 triệu đồng. Số tiền trên phải chi trả các khoản sinh hoạt như ăn uống chiếm 25,2%, mua sắm đồ dùng gia đình 18,6%, học tập của bản thân và con cái 11,5%, giao tiếp xã hội 11,2%, điện nước sinh hoạt 8,9%, may mặc 6,1%, khám chữa bệnh 3,8%, chi khác 3,2%, chi cho nhà ở từ lương đối đa khoảng 11,5% (kết quả điều tra xã hội học của Bộ Xây dựng). Căn cứ vào mức thu nhập và các khoản chi trên, khả năng tích luỹ của các đối tượng thu nhập thấp so với giá nhà ở trên thị trường có sự chênh lệch quá lớn. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đại bộ phận người lao động, gồm cả những đối tượng hưởng lương từ ngân sách và làm việc ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác chưa có nhà ở. Việc tạo lập chỗ ở ổn định của các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.


Trước nhu cầu chính đáng, bức thiết về nhà ở của người có thu nhập thấp, cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, việc có chỗ ở thích hợp và an toàn là một trong những quyền cơ bản, điều kiện cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện, đồng thời là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước; phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển KT-XH. Theo Chiến lược này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm: Tổ chức chỉ đạo, phát triển nhà ở trên địa bàn theo quy định của pháp luật về nhà ở, xây dựng, điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở phù hợp với chiến lược Quốc gia; xây dựng, đưa vào chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển KT-XH trong từng thời kỳ và hàng năm; bố trí quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà cho các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách; bố trí vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nhà cho các đối tượng trên.


TỪNG BƯỚC HIỆN THỰC HOÁ GIẤC MƠ

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong lĩnh vực quản lý nhà ở trên địa bàn tỉnh đã, đang xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc. Nhà ở dành cho các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và người lao động các khu công nghiệp tập trung chưa được quan tâm đúng mức. Qua khảo sát sơ bộ của Sở Xây dựng trên địa bàn các huyện Xín Mần, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang... nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học sinh, sinh viên, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp rất lớn, số lượng lên đến hàng nghìn người. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của một lực lượng đông đảo người có thu nhập thấp là hết sức cần thiết và cấp bách.


Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng đã đề xuất kế hoạch phát triển nhà cho người có thu nhập thấp với mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu 60% sinh viên có nhu cầu được thuê nhà ở trong KTX với diện tích tối thiểu 4m2/người; 50% công nhân các KCN có nhu cầu được thuê nhà ở trong các dự án nhà ở công nhân với diện tích tối thiểu 7m2/người; giải quyết 50% nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công chức... người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị với diện tích 15m2/người.


Hưởng ứng chương trình phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, một số doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty TNHH Đông Đô, Nam Đàn, Quế Lâm đã có phương án trình các cơ quan chức năng xin chủ trương đầu tư. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Điện Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Đô cho biết: Nếu được tỉnh cho phép, Công ty sẽ huy động nguồn vốn, triển khai xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp tại chân núi Cấm thuộc tổ 9, 10 phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) với diện tích từ 1,8-2 ha. Dự kiến, giai đoạn I, Công ty xây dựng 1 nhà 3-5 tầng với 100 căn hộ, diện tích 65 m2/căn hộ; giai đoạn II xây khu nhà thấp tầng, tổng diện tích trên 8 nghìn m2, đáp ứng chỗ ở cho 600-1.000 người, tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ đồng.


Tại cuộc họp của BCĐ chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố rà soát chính xác nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức, người có thu nhập thấp; giao Sở LĐ-TBXH, Xây dựng, KH-ĐT, Tài chính, TN-MT tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, dự báo nhu cầu nhà ở theo từng giai đoạn; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, nhà xã hội vào kế hoạch năm 2013; bố trí quỹ đất phát triển nhà ở; xây dựng đề án thành lập Quỹ phát triển nhà của tỉnh; bố trí ngân sách triển khai xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp.


Như vậy, chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ được khởi động trong thời gian không xa. Và hy vọng, người lao động có thu nhập thấp sẽ bớt dần canh cánh nỗi lo về nơi ăn, chốn ở!


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao công tác tại tỉnh
HGĐT- Thực hiện chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2011, có rất nhiều các kỹ sư, cử nhân được đào tạo tại các trường đại học, học viện đã được tỉnh tiếp nhận và tuyển dụng, đónggóp nguồn nhân lực không nhỏ có chất lượng cao bổ sung vào đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cũng như cán bộ quản
11/04/2012
Công ty Bảo Việt Hà Giang: Hình ảnh đẹp trong lòng khách hàng
HGĐT- Đó là điều mà Công ty Bảo Việt Hà Giang luôn xây dựng nhằm không chỉ tạo uy tín về chất lượng phục vụ mà còn để khẳng định cho một đơn vị bảo hiểm có truyền thống phát triển và gắn với lợi ích người dân.
11/04/2012
Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo trong các phong trào thi đua
HGĐT- Với khẩu hiệu hành động: “Thanh niên Công an (CA) xung kích, sáng tạo - mưu trí, dũng cảm - tình nguyện - lập công” và chủ đề thi đua “Tuổi trẻ CA Hà Giang vì bình yên nơi biên cương Tổ quốc”, trong năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo CA tỉnh và Đoàn cấp trên, Ban công tác thanh niên CA tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chỉ đạo các Chi đoàn
11/04/2012
Đại hội các Chi đoàn cơ sở
HGĐT- Trong những ngày này, các Chi đoàn cơ sở thuộc CA tỉnh đang tổ chức Đại hội Chi đoàn nhiệm kỳ 2012 – 2014, tiến tới Đại hội Đoàn CA tỉnh lần thứ X.
11/04/2012
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.