Người dân thôn Làng Má khát khao có điện lưới và cây cầu kiên cố

16:51, 16/04/2012

HGĐT - Cách trung tâm xã Đạo Đức (Vị Xuyên) chưa đầy 10km, nhiều năm qua 127 hộ dân ở thôn Làng Má vẫn phải dùng đèn dầu để thắp sáng, ngoài ra người dân trong thôn ao ước có một cây cầu kiên cố để thuận tiện cho việc đi lại, lưu thông, trao đổi hàng hóa.


Không điện:

 

Theo chân cán bộ UBND xã Đạo Đức, chúng tôi về thôn Làng Má,nằm không xa ven đường quốc lộ, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều vất vả, từ xưa đến nay, người dân vẫn phải dùng đèn dầu để thắp sáng và sinh hoạt mỗi khi đêm đến. Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng thôn tâm sự: sinh ra và lớn lên tại Làng Má cũng như những hộ dân khác tôi cũng được nếm trải những khó khăn khi không có điện, nhiều hộ dân trong thôn có điều kiện gần nguồn nước thì be bờ, đắp đập làm thủy điện nhỏ cách đây khoảng 1km. Thế nhưng dù tích nước cả ngày, nhưng phải đến 20 giờ mới xả nước để có một chút điện. Điện nước phập phù không ổn định và yếu nên các thiết bị như ti vi, quạt, bóng chiếu sáng thường xuyên bị hỏng. Hầu như phải sửa chữa và thay mới. Hôm nào trời mưa có điện sớm thì được xem thời sự qua tivi, còn không thì đành chịu. Vì điện thắp sáng phụ thuộc vào nguồn nước suối nên lúc có lúc không, nước suối cạn là mất điện, mưa lũ thì mô tơ bị cuốn trôi. Người lớn chịu khổ vì không có điện đã quen, nhưng các em nhỏ mỗi khi học bài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị lực, đấy là chưa kể sự thiệt thòi về các chương trình giải trítrên các phương tiện thông tin đại chúng dành cho trẻ em mà các cháu không được thưởng thức.

 

Được biết trạm biến áp đã được hạ thế ở thôn cách đây 5 năm và đến thời điểm này cột điện cũng đã được dựng lên, bà con trong thôn cho biết: thi thoảng cũng có các đoàn cán bộ đến khảo sát, đo đạc cùng với những lời hứa nhanh chóng kéo điện về làng! Nhưng đến nay, niềm mong mỏi ánh sáng mang theo những nền văn hóa, tin tức, giải trí của thế giới bên ngoài về thôn đang từng ngày cháy bỏng trong lòng mỗi người dân thôn Làng Má.

 

Cần lắm một cây cầu:

 

Thiếu điện đã đành nhưng việc đi lại của bà con cũng gặp không ít khó khăn. Để qua được suối, tất cả mọi người từ lớn bé, già trẻ đều phải lội qua con suối Làng Má, vàomùa khô hạn đi lại còn đỡ vất vả, còn mùa mưa lũ nước suối dâng cao thì thôn hoàn toàn bị cô lập, giao thông trắc trở, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, mọi giao thương bên ngoài gần như bị ngưng trệ. Thôn có một điểm trường với 63 học sinh bậc mầm non và tiểu học đang theo học, ngoài ra, còn các em học sinh bậc THCS và THPT đi học đều phải qua con suối này. Vào mùa khô bà con trong thôn cùng giúp nhau người góp công, người góp nguyên vật liệu để làm cầu tạm qua suối, với những vật liệu là cây tre, cây gỗ mộc để bắc tạm, đến mùa mưa, cây cầu tạm ấy cũng bị lũ cuốn trôi đi. Khổ nhất là các em học sinh mùa mưa lũ, nước lớn cuốn trôi cầu cầu tạm nên không thể tự mình đến trường, lúc đó gia đình cử người đưa các em qua suối, nhiều em học sinh gia đình neo người thì các thầy cô giáo trong trường thay phiên nhau đưa các em qua. May thay trong các lần vượt suối, đã chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Không riêng gì học sinh, cuộc sống của tất cả các hộ dân trong thôn cũng khốn đốn vì không có cây cầu kiên cố, người dân nơi đây chủ yếu là trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi nên số lượng nông sản hàng hóa cũng cần chuyển ra ngoài buôn bán, trao đổi. Ông Nguyễn Văn Tấn một người dân trong thôn bầy tỏ: không có cầu, cuộc sống của người dân mình vất vả lắm, mùa mưa chỉ đi bộ qua suối đã khó rồi, còn nếu muốn đi xe máy ra ngoài thì chỉ có nước phải khiêng qua suối thôi! Giao thông không thuận tiện dẫn đến cuộc sống của người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn, nếu như có được cầu qua suối thì không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân, mà còn góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo trong thôn.

 

Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức, Trần Văn Thành cho biết: chúng tôi hiểu được những khó khăn vất vả của 127 hộ dân trong thôn, nhất là các cháu học sinh phải gian nan qua suối vào mùa lũ để đi học, song địa phương vẫn chưa có cách gì khắc phục vì nguồn kinh phí xây cầu ít cũng phải từ 600 đến 700 triệu đồng, mà huy động nguồn ngân sách xã thì không thể. Nhiều lần xã đã kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây cầu nhưng chưa được chấp thuận.

 

Đến thôn Làng Má mùa này, tuy con suối đã cạn nước nhưng hai bên bờ vẫn để lại những điểm sạt lở của mùa mưa lũ trước. Được nghe và chứng kiến cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây, càng thấu hiểu niềm khao khát có điện để sinh hoạt và có một cây cầu đến cháy lòng. Bà con trong thôn mong được sự chung tay của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể sớm hoàn thành hệ thống điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố qua suối, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

                                                              Bài, ảnh: TRẦN THỊ HIỀN  


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và Tổng rà soát dân số 2012
HGĐT - Sáng 16.4, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra (BCĐ - TĐT) cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp của tỉnh khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và Tổng rà soát dân số năm 2012.
16/04/2012
Hoạt động kỷ niệm Ngày Người tàn tật Việt Nam 18.4
HGĐT - Ngày 15.4, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm, tặng quà và làm việc với Trung tâm Cứu trợ Trẻ em tàn tật tỉnh, nhân Ngày Người tàn tật Việt Nam 18.4.2012.
16/04/2012
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ Thủy điện sông Chừng
HGĐT - Sáng 14.4, tại hồ Thủy điện sông Chừng (Quang Bình) Công ty TNHH Sơn Lâm phối hợp với Trung tâm thủy sản tỉnh, huyện Quang Bình đã tổ chức Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản đợt 2. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở KHCN và MT, Sở Tài nguyên và Môi
16/04/2012
Khát vọng Cao nguyên!
HGĐT - Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay các huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn đã có nhiều đổi thay; người dân người nơi đây năng động hơn, dám nghĩ, dám làm, đảng và chính quyền địa phương luôn "chung lưng, đấu cật" cùng bà con và chứa đựng trong mỗi người là cả bầu nhiệt huyết, hết lòng vì công việc với mục tiêu từng bước đưa địa phương nghèo đi lên một cách
13/04/2012