Khát vọng Cao nguyên!

17:49, 13/04/2012

HGĐT - Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay các huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn đã có nhiều đổi thay; người dân người nơi đây năng động hơn, dám nghĩ, dám làm, đảng và chính quyền địa phương luôn "chung lưng, đấu cật" cùng bà con và chứa đựng trong mỗi người là cả bầu nhiệt huyết, hết lòng vì công việc với mục tiêu từng bước đưa địa phương nghèo đi lên một cách vững chắc, như chính những đôi chân vượt núi, chèo đá không biết mệt mỏi của người đàn ông mông, dao, tày, nùng... nơi đây!


Dẫu biết rằng, đá, núi Cao nguyên đã đi vào huyền thoại và cả thế giới biết đến, nhưng đó mới chỉ là vẻ bề ngoài, còn chất chứa trong đó biết bao khó khăn, gian khổ về cả điều kiện sống, lao động, sản xuất... làm cho Hà Giang còn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước.

 

 

Biết bao lần tới huyện Quản Bạ, qua Yên Minh rồi lên Mèo Vạc, Đồng Văn là bấy nhiêu lần không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai khi đặt chân tới mảnh đất này đều nhận thấy quang cảnh nơi đây chưa thay đổi là bao. Vẫn những mùa Đông tràn đầy rét buốt kèm theo đó là cái khát tới... khàn giọng. Nhưng bà con các dân tộc đều như “thi gan cùng tuế, nguyệt”, với ý chí làm cho đá, núi cũng phải mòn thành những hốc đất nuôi lớn những trái ngô, hạt đậu, giúp cái bụng người no hơn, ấm hơn... Và đó, vẫn hàng cây Sa mộc, cành lá cứng nhọn, gầy guộc, cao lừng lững hằn lên nền trời biên cương, như hiện thân của biết bao thế hệ người dân vẫn luôn kiên cường, bất khuất, vượt lên gian khó, bám đất, bám làng, giữ vững từng đường biên, mốc giới để anh, em miền xuôi yên tâm phát triển kinh tế, lao động, sản xuất và cùng đồng lòng hướng về vùng cao với tất cả tấm lòng... Quả thật có đến tận nơi mới thấy hết những thành quả đạt được của chính quyền và nhân dân các huyện thuộc Cao nguyên đá; mới thấu hiểu tất cả và cảm phục trước sự cố gắng, lòng quyết tâm vượt lên khó khăn như thể đá, núi, thời tiết khắc nghiệt cũng phải “cúi mình” nhường bước...

 

Càng lên phía Bắc, cái rét như ngọt hơn, nhưng cũng không ngăn được những nhành hoa đào, hoa lê nở muộn. Đẹp đến lạ kỳ, cánh hoa mập mạp, trắng hồng đầy quyến rũ như chính những thôn nữ má ửng hồng bởi cái rét tháng 3 (âm lịch) xuống chợ. Và chính cái mầu hồng đỏ của hoa cùng người ấy như níu bước chân lãng khách. Phải chăng cũng bởi thế mà nhiều chàng bộ đội biên phòng, thầy giáo quê hương mãi tận miền xuôi xa xôi lên vùng cao công tác, đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với vùng đất khó và trong tâm khảm đều coi đây là “quê hương thứ 2” của mình.



Người dân xóm Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng đang tích cực xây dựng nhà ở theo Chương trình Nông thôn mới.      
 

Chợ trung tâm xã Phố Bảng dù vẫn còn nhiều gian hàng tạm nhưng không kém gì những chợ lớn vùng xuôi. Đủ các chủng loại mặt hàng, từ loại hiện đại, đắt tiền như: Nồi cơm điện, bếp gas, xoong chảo... cho tới những loại hàng mang tính đặc trưng của địa phương, gồm các loại rau cải, rau bí... và không thể không nhắc tới món ăn, thức uống truyền thống của bà con các dân tộc vùng cao, đó chính là món “thắng cố” và rượu ngô. Đây chính là nơi thu hút không chỉ đồng bào địa phương, mà cả du khách thập phương mỗi dịp họp chợ. Một chảo “thắng cố” bò bốc khói nghi ngút, mùi thơm vang dậy cả một góc trời, khiến cho dù ai no bụng cũng cố hít phồng mũi như để tận hưởng hết cái vị đặc trưng của đặc sản vùng cao mà chẳng nơi nào có được, và không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức hương vị quê ngay tại chợ... Ngon và ngậy lắm, chỉ ngay khi đưa miếng “thắng cố” được chế biến từ “lục phủ, ngũ tạng” của con bò vào miệng, thực khách sẽ cảm nhận ngay được mùi ngai ngái của cỏ, mùi thơm của các loại gia vị từ rừng; béo ngậy cộng chút cay nồng của rượu ngô chính là cái độc đáo, khác lạ mang lại. “Nó” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về người vùng cao với không chỉ riêng tôi mà còn nhiều lữ khách khi đến với miền cực Bắc này.

 

Rời Đồng Văn, đoàn chúng tôi về với huyện Mèo Vạc Anh hùng, đứng chânbên cột mốc 456 nhìn về “Đất mẹ” mới thấy hết sự hùng vĩ, bề dày lịch sử của cha, ông ta bao đời gìn giữ và dù trải qua bao cuộc chiến khốc liệt, nay mảnh đất địa đầu Tổ quốc bình yên đến thế, từng nhóm trẻ trâu vui đùa bên những nương ngô đang thời nghỉ ngơi sau mùa vụ. Giờ đây, khu vực cặp cửa khẩu giữa tỉnh Hà Giang - Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc hay chợ cửa khẩu và vùng quy tụ dân cư khu vực chợ tại xóm Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng cuộc sống thật tấp nập, đông vui. Những ngôi nhà gạch xi – măng kiên cố, vững chãi mọc lên ngày càng nhiều. Đến nay, đã có trên 20 hộ trong tổng số 62 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới và được huyện hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ theo Chương trình 120 và Chương trình Nông thôn mới của Chính phủ. Ông Sùng Mí Pó, một thợ xây “làng” sau khi được đào tạo nghề tại huyện, nay về bản cùng với mọi người xây dựng Nông thôn mới. Từng viên gạch chồng lên nhau rất khéo trên những mạch vữa rất đẹp và phẳng không kém gì những bác thợ cả vùng xuôi. Vẫn đều tay xây tường nhà, ông Pó trao đổi với chúng tôi:

 

- Trước gia đình ở mãi trong cơ, nay nghe theo chính quyền, mình ra đây xây dựng làng mới, ở tập trung sẽ giúp nhau được nhiều hơn, con cái đi học dễ hơn...

 

- Đang ở trong xóm quen, sao lại ra đây?

 

-Ở chỗ cũ cũng thích đấy nhưng sau khi cán bộ vào họp và giải thích nên cả nhà mình quyết tâm chuyển nhà. Ra đây ở để còn giữ đất, giữ làng chứ. Cán bộ trồng cột mốc rồi, cả làng phải cùng giữ chứ...

-  

Điều đó chứng tỏ rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đã, đang triển khai, góp phần không nhỏ giúp bà con có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ hơn. Và chỉ vậy thôi, cũng đủ hiểu được tấm lòng, tình yêu của người vùng cao với quê hương, đất nước và như thế cũng đã giúp chúng ta yên lòng bởi giờ đây, bà con các dân tộc đang sinh sống nơi biên cương địa đầu Tổ quốc cùng với bộ đội Biên phòng ngày, đêm canh giữ. Và không hề “ngoa ngôn” khi ví người dân sinh sống vùng giáp biên như những “Cột mốc sống” của Tổ quốc...

 

Tới nay, chính nhờ những trợ giúp bằng cả tấm lòng của biết bao cá nhân, tập thể từ khắp mọi miền Tổ quốc hướng về vùng cao Hà Giang; thời gian tới sẽ có hàng trăm “hồ treo”, mái nhà, điện, đường tỏa về muôn nẻo biên cương... giúp bà con thêm tin yêu vào Đảng, Nhà nước; thêm sự gắn kết giữa người với người, giữa miền ngược với miền xuôi; giúp địa phương giảm bớt khó khăn. Đây chính là nguồn động lực để nhân dân các dân tộc nơi biên cương vững tâm, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng những quyết sách đúng đắn, mang tầm vĩ mô của người lãnh đạo trong sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương, từng bước đưa Hà Giang vươn lên thoát nghèo là ẩn chứa trong đó cả một khát vọng về Cao nguyên sẽ “bừng sáng” trong tương lai...
                                                                Bút ký: Tuấn Anh
 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đào tạo nghề cho người lao động - đôi điều suy ngẫm
HGĐT- Mỗi năm, tỉnh ta có trên chục nghìn lao động được đào tạo nghề. Đây là tín hiệu vui, nhưng bên cạnh sự tăng nhanh về quy mô, số lượng, ngành nghề đào tạo, thì chất lượng và ý thức kỷ luật của người lao động đang đặt ra cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm.
13/04/2012
Để những nạn nhân chất độc da cam được sẻ chia…
HGĐT - Ngày 11.4, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/Đioxin tỉnh đã tổ chức cuộc họp nhằm triển khai kế hoạch đợt phát động ủng hộ quỹ Hội NNCĐDC/Điôxin tỉnh Hà Giang. Dự họp có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh, thành phố Hà Giang, các hội Thanh niên, Cựu chiến binh, Văn học nghệ thuật, Báo Hà Giang, đài PH - TH tỉnh…
12/04/2012
Tăng cường chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao công tác tại tỉnh
HGĐT- Thực hiện chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2011, có rất nhiều các kỹ sư, cử nhân được đào tạo tại các trường đại học, học viện đã được tỉnh tiếp nhận và tuyển dụng, đónggóp nguồn nhân lực không nhỏ có chất lượng cao bổ sung vào đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cũng như cán bộ quản
11/04/2012
Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo trong các phong trào thi đua
HGĐT- Với khẩu hiệu hành động: “Thanh niên Công an (CA) xung kích, sáng tạo - mưu trí, dũng cảm - tình nguyện - lập công” và chủ đề thi đua “Tuổi trẻ CA Hà Giang vì bình yên nơi biên cương Tổ quốc”, trong năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo CA tỉnh và Đoàn cấp trên, Ban công tác thanh niên CA tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chỉ đạo các Chi đoàn
11/04/2012