Tâm sự về nghề nghiệp
HGĐT- Con đường để đến với nghề báo và làm báo chuyên nghiệp, mỗi người có một cách đi và hoàn cảnh khác nhau. Riêng tôi, đến bây giờ, tôi vẫn còn ngạc nhiên vì không phân giải được làm sao mình có thể đến được với nghề báo, từ khi bước chân vào nghề làm báo gần 20 năm, cho đến hôm nay tôi chỉ thấy mình như một người học trò, và rất sợ bị thầy giáo chất vấn những vấn đề, những kiến thức mà mình hiểu còn nông cạn...
Tôi vẫn thường nghĩ thế và hiểu rằng mình phải học tập rất nhiều để bù đắp những khoảng trống kiến thức, mà trong kho tàng tri thức vĩ đại của con người, có lẽ suốt đời, mình cũng chỉ có thể hiểu biết và nắm bắt được một phần rất nhỏ bé mà thôi...
Bước chân vào nghề làm anh phóng viên, được cơ quan giao nhiệm vụ đi viết tin, bài, chụp ảnh, lúc đầu tôi viết “bài” dài đến 4 trang giấy khổ A4, khi được đăng tôi thấy bài của mình chỉ còn lại cái “cốt” hơn diện tích bao diêm một ít, sau đó nhiều lần viết bài, viết tin, tôi vẫn chỉ thấy được đăng khoảng chừng vài trăm chữ. Lúc ấy, tôi cho rằng làm báo khó vô cùng, mình khó lòng mà theo nghề này được!
Nhưng “sóng cả chẳng ngã tay chèo”, kiên trì và quyết tâm học hỏi, không nản lòng, tôi vẫn cố gắng học viết, tự mình rút kinh nghiệm để viết, đương nhiên phải nắm định hướng của Tòa soạn, bám sát những chủ đề mà báo cần, và đặc biệt là, chỉ viết những gì mà mình quan sát được, lý giải được, bàn luận được để viết, và đảm bảo sự chính xác cao nhất. Tôi nghiệm ra rằng, con đường “từ từ từng bước” đã giúp tôi có đủ thời gian chiêm nghiệm, tự nâng mình lên. Sau khi được theo học đào tạo các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, được trang bị lý luận cơ bản về báo chí thì tôi đã vững vàng lên rất nhiều.Nghề báo cũng là một nghề như hàng trăm nghề khác ngoài xã hội. Học nghề là học cách làm báo, mà làm báo lại có mối quan hệ tổng hòa với rất nhiều (nếu không nói là tất cả) các nghề trong xã hội. Học một mà muốn biết mười thì chỉ còn cách tự học. Cách tự học thì nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã có những lời chỉ dẫn chí lý. Riêng tôi, ngoài những điều đã tâm niệm như một nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo, bất cứ ai làm báo cũng phải luôn luôn: Học, đọc và viết (tất nhiên cả nghe và nhìn nữa). Kiến thức bách khoa chính là trong các trang sách, các trang báo. Học và đọc đều đặn, nhưng phải rút ra được điều cần ghi nhớ, để nó trở thành kiến thức của mình, đó mới là điều cần học, cần đọc. Còn nghề báo mà không viết hoặc là không thường xuyên viết thì có thể coi như không làm báo, hoặc từ bỏ nghề báo. Ngày nào cũng phải viết, dù không đăng lên báo, nhưng phải viết để “rèn bút cho sắc, cho trơn”. Tất nhiên muốn viết được lại phải nắm bắt cuộc sống, để ý cả những việc nhỏ nhất, phải “năng nhặt chặt bị”. Các nhà lý luận báo chí nói, 70% kiến thức trong tác phẩm báo chí là thuộc về “lao động quá khứ”, hiểu nôm na đó là vốn sống. Vốn sống có vai trò quan trọng và quyết định chất lượng hiệu quả của tác phẩm báo chí. Vốn sống có tác dụng đặc biệt quan trọng giúp nhà báo phát hiện vấn đề nhanh, nắm bắt nhanh, viết nhanh, đúng và trúng. Sự chăm chỉ, kiên trì, thường xuyênviết và không ngừng rút kinh nghiệm, đổi mới cách viết là 30% còn lại, chính là “nghệ thuật”, là nghiệp vụ nghề nghiệp của người làm báo. Cũng như một câu chuyện cổ tích đã có hàng vạn người kể, mỗi người có cách kể khác nhau. Hoặc là người kể làm cho người ta chăm chú lắng nghe, mải mê, nín thở hồi hộp theo dõi câu chuyện; hoặc là người ta chán ngắt, quay đi, thậm chí tán chuyện gẫu không buồn nghe, mặc dù đó là câu chuyện tuyệt vời nhất trong kho tàng cổ tích...
Làm báo, thì phải đi dần từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa. Tiếc rằng hiện nay, một số bạn làm báo trẻ, mới vào nghề, chỉ muốn làm điều to tát muốn có cả bài chiếm nửa cả trang báo, đề cập đến những vấn đề có “tầm quốc gia”. Tôi không cho đó là điều xấu, mà khuyến khích các bạn nên có chí hướng ấy. Nhưng trước hết “mèo con tha chuột bé đã”. Có bạn không thích làm tin vì loại “tin bao diêm” thì chẳng “oai” gì, nhưng các bạn đã quên mất là bản thân từ “báo” đã bao hàm ý nghĩa của tin tức rồi, và thường 70% các tác phẩm trên một số báo là “tin” kia mà! Hơn nữa, nếu sự hiểu biết và vốn sống của bạn còn nhiều “lỗ hổng” mà bạn lại muốn những điều to tát quá sức thì chẳng thể tránh được cái điều xưa nay, đồng nghiệp báo chí thường nói “vẽ voi thành con chuột nhắt”.
Bên cạnh những kiến thức và vốn sống thì tình yêu nghề nghiệp, lòng tự hào về nghề nghiệp, cho dù nó nghiệt ngã, bạc bẽo như ai đó đã có lần nói như vậy, thì ta vẫn luôn luôn tâm niệm rằng: Nghề báo là một nghề rất cao quý. Chúng ta lại tự hào biết rõ những nhà cách mạng vô sản vĩ đại đều bắt đầu sự nghiệp của họ bằng nghề báo: Mác, Ăng-gen, Lê Nin và Bác Hồ yêu quý của chúng ta, chẳng bắt đầu đi vào con đường cách mạng bằng nghề báo đó sao? Cho đến bây giờ gần 20 năm theo đuổi nghề nghiệp này, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, nghề báo quả thật khó khăn, gian nan, vất vả, đòi hỏi sự kiên định và cả lòng dũng cảm nữa. Lòng yêu nghề cũng thủy chung như trái tim khỏe mạnh, rung động, xốn xang với tình yêu đầu đời vậy.
Tiếp nối những dòng tâm sự chân thật này, tôi cũng chỉ nghĩ rằng mình chỉ là một hạt cát trong dòng sông báo chí đang bồi đắp phù xa cho đôi bờ tươi tốt mà thôi. Tuy nhiên, tôi cũng thoáng chạnh lòng bởi một số không đông lắm người cho rằng làm báo dễ ợt. Họ thường là những người có vai vế, tỏ ra ta là người hơn đời “cái gì cũng biết” sẵn sàng dạy cho người khác “những lời quý báu”. Họ gửi bài viết cho tòa báo, đến nỗi không thể xếp nổi bài viết của họ thuộc thể loại gì của báo chí. Biết rằng đăng lên chẳng mấy người đọc, nhưng do nể nang Tòa soạn vẫn đăng báo. Và họ cho rằng: Làm báo không có gì khó mà các nhà báo cứ làm làm như là quan trọng...
Ý kiến bạn đọc