Nỗ lực triển khai có hiệu quả các dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Như chúng ta đã biết, Hà Giang có 6 huyện nằm trong 61 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do đặc điểm địa hình và các yếu tố tự nhiên khác nên Hà Giang hình thành 3 vùng rõ rệt: Vùng cao núi đá gồm 4 huyện phía Bắc gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, phân bố dân cư không tập trung do địa hình, tập quán; dân tộc Mông chiếm đa số, hầu hết các xã trong huyện thuộc diện đói nghèo, đặc biệt khó khăn.
Diện tích núi đá nhiều do khó khăn về nước vì vậy hạn chế phát triển diện tích cây lúa nước, cây lương thực chủ yếu là ngô, các loại cây ăn quả ôn đới; chăn nuôi chủ yếu là bò, ngựa, dê; nhu cầu bố trí dân cư rất lớn, trước hết tập trung cho quy hoạch dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng nguy cơ sạt, lở. Vùng thứ 2 là vùng cao núi đất phía Tây gồm 2 huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì, đây là vùng có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển rừng, trồng cây công nghiệp như chè Shan, đậu tương, phát triển cây ăn quả. Cây lương thực chính là lúa, ngô và chăn nuôi chủ yếu là đàn gia súc lớn. Khó khăn lớn nhất của vùng này là núi đất có độ dốc cao, hàng năm về mùa mưa thường xuyên bị sạt, lở, gây thiệt hại lớn. Vùng thấp gồm 5 huyện gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và thị xã Hà Giang, vùng này chiếm 1/2 diện tích và gần 50% dân số của tỉnh; đây là vùng kinh tế phát triển tập trung, vùng lúa, vùng nguyên liệu giấy sợi, vùng chè và vùng cây ăn quả có múi của tỉnh.
Trong năm 2009, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng và phê duyệt đề cương quy hoạch tổng thể Chương trình sắp xếp, bố trí dân cư theo Quyết định 193 để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời với việc xây dựng quy hoạch, căn cứ các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện rà soát, xây dựng các dự án quy hoạch ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng có nguy cơ sạt, lở (vùng nguy hiểm) để đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư, kịp thời xử lý những khó khăn trước mắt cho người dân trong vùng. Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị mở các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác quy hoạch và bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã mở được tổng số 3 lớp tại tỉnh và 2 huyện là Yên Minh, Bắc Quang với 160 học viên tham gia. Các đối tượng tham gia tập huấn là cán bộ các huyện, xã và tỉnh nói trên. Sau thời gian tập huấn, các học viên đã tiếp thu được các kiến thức cơ bản về công tác quy hoạch và bố trí dân cư, có khả năng tham mưu, đề xuất trong qúa trình xây dựng và thực hiện dự án.
Nỗ lực lớn nhất trong thời gian qua đó là việc triển khai có hiệu quả các dự án, phương án di rời dân ra khỏi vùng nguy hiểm tại các huyện, thị trong tỉnh. Cụ thể như: Phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt, lở cao tại các xã Thài Phìn Tủng, Ma Lé, Lũng Thầu và thị trấn Đồng Văn huyện Đồng Văn với tổng số vốn đầu tư theo Quyết định 4806 của UBND tỉnh là 304.500.000 đồng. Hiện tại đã thực hiện di chuyển xong đạt 100% kế hoạch giao với tổng số 29 hộ được hưởng lợi. Dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm đến định cư tại xóm Khau Vạc, xã Du Tiến (Yên Minh) có tổng số vốn đầu tư theo Quyết định 3565 của UBND tỉnh là 14.208.740.000 đồng với tổng số 26 hộ được hưởng lợi. Đến nay đã thực hiện xong các chỉ tiêu đầu tư hỗ trợ cho các hộ, còn các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng đang tiếp tục thực hiện, ước đạt 100% kế hoạch giao. Dự án di chuyển dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm thôn Kho Là đến định cư tại thôn Bản Vàn, xã Minh Sơn (Bắc Mê) có tổng số vốn được UBND tỉnh phê duyệt là 4.263,4 triệu đồng, hiện đã di chuyển xong 56 hộ, làm đường giao thông nông thôn loại B, làm trạm biến áp, kéo 5 km đường điện 0,4kv, xây dựng kè chống sói lở, 1 công trình cấp nước sinh hoạt, 1 nhà lớp học... Tại huyện Vị Xuyên có các dự án như: Dự án di dân xã Cao Bồ có tổng số vốn đầu tư là 1.000,0 triệu đồng với 82 hộ được hưởng lợi và đến nay đã thực hiện xong; Dự án hỗ trợ di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng sạt, lở, lũ quét nguy hiểm tại 13 xã có vốn đầu tư 800 triệu đồng với tổng số 100 hộ được hưởng lợi. Huyện Hoàng Su Phì có tổng số 5 dự án được đầu tư gồm: Dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm xã Thông Nguyên được UBND tỉnh phê duyệt tổng số vốn là 20.405,3 triệu đồng với 26 hộ được hưởng lợi và đến nay đã thực hiện xong, nghiệm thu, đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình theo kế hoạch giao; Dự án hỗ trợ di dân thôn Tà Đản, xã Pờ Ly Ngài có tổng số vốn được phê duyệt là 1.107,9 triệu và đến nay đã thực hiện xong, chương trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng; Dự án hỗ trợ di dân thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu có tổng số vốn được phê duyệt là 1.509,7 triệu đồng và đã được thực hiện xong; Phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm thôn Sui Thầu xã Chiến Phố có tổng số vốn được phê duyệt là 1.410 triệu với 15 hộ được hưởng lợi; Dự án di dân ra khỏi vùng lũ quét nguy hiểm đến tái định cư tại thôn Tả Hồ Piên có tổng số vốn đầu tư là 48.261,0 triệu đồng với 64 hộ được hưởng lợi và đến nay ước đạt 100% theo kế hoạch vốn giao. Huyện Xín Mần có các dự án gồm: Dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai, vùng khó khăn đến định cư tại Lùng Sán, đội 2, thôn Súng Sảng, xã Cốc Pài có tổng số vốn được được phê duyệt là 9.503,6 triệu đồng với 61 hộ được hưởng lợi; Dự án di dãn dân xã Bản Ngò có tổng số vốn được phê duyệt 6.975,9 triệu đồng với 54 hộ được hưởng lợi. Thị xã Hà Giang có Dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm với tổng số vốn đầu tư là 1.268,7 triệu đồng, hiện đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và di chuyển được 21/39 hộ, số còn lại đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục để tổ chức di rời trong thời gian sớm nhất.
Được biết đến hết 2010, tỉnh sẽ thực hiện cơ bản việc bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn. Hoàn thành các dự án đã được phê duyệt từ năm 2008 trở về trước; bố trí dân cư vùng thiên tai, trong đó bố trí dân cư theo hình thức tập trung và hình thức xen ghép; bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn ra biên giới. Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quy hoạch bố trí dân cư cấp huyện, xã; trên cơ sở phê duyệt đề cương quy hoạch tổng thể Chương trình 193 tiến hành các thủ tục để hoàn thành quy hoạch tổng thể bố trí dân cư các vùng theo Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn các huyện xây dựng các tiểu dự án trong quy hoạch tổng thể bố trí dân cư các vùng theo Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ, trình các cấp có thẩm quyền và trình tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm; đôn đốc các dự án đã được cấp vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tiếp tục rà soát các dự án, phương án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt để trình các Bộ, ngành liên quan bổ sung nguồn vốn.
Ý kiến bạn đọc