Người dân bản hạ sơn Khau Vạc dần ổn định cuộc sống
HGĐT- Xã Du Tiến (Yên Minh) có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi đất, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt, lở đất là rất lớn. Điều này có thể thấy qua trận lũ lịch sử năm 2004 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản đối với xã.
Trận lũ lịch đi qua, nỗi đau dần dịu xuống, những cánh đồng bị hư hại do lũ nay trở lại màu xanh ngô, lúa. Nhưng ở xã vẫn còn rất nhiều hộ đang sống trên những vạt đồi cao có nguy cơ sạt, lở lớn. Do đó huyện Yên Minh đã thực hiện Dự án di chuyển các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt, lở cao xã Du Tiến theo Quyết định 193 của Chính phủ.
Tổng vốn đầu tư của Dự án trên 4,8 tỷ đồng gồm các hạng mục như: Hỗ trợ cho dân di chuyển nhà cửa; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội…Qua khảo sát thực tế, Dự án di dời 26 hộ dân ở 4 thôn đến khu hạ sơn mới đặt tại thôn Khau Vạc. Địa điểm hạ sơn năm cách trung tâm xã khoảng 4 km, đây là khu đất rộng, bằng phằng, nằm trên một đỉnh đồi đất thấp. Với địa hình, địa chất đó sẽ không xảy ra sạt, lở đất, lũ ống, lũ quét lại có thể bố trí đất ở, đất sản xuất cho khoảng 30 hộ dân sống tập trung. Cùng với đó, nơi đây lại có điều kiện thuận lợi về nguồn nước sinh hoạt cũng như có điều kiện quy hoạch cho các hộ khai hoang đất canh tác. Trong quy hoạch, Dự án di chuyển 26 hộ từ những nơi có nguy cơ sạt, lở cao trong xã về Khau Vạc sinh sống. Dù vậy, đến nay mới có 18 hộ di dời xuống nơi ở mới, 8 hộ còn lại sẽ di chuyển xuống vào thời điểm thích hợp. Do được cán bộ xã, thôn vận động, chỉ rõ cho bàn con hiểu mục đích, ý nghĩa và tương lai khi đến nơi ở mới. Mặt khác, bà con cũng đã thấy rõ sự nguy hiểm khi sống trên các sườn đồi cao qua trận lũ lịch sử năm 2004 trên địa bàn nên đa số các hộ khi được vận động đều đồng tình, tự nguyện chuyển xuống vùng đất mới. Thế nên, chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm 2009, 18 hộ đã di chuyển xong nhà xuống nơi ở mới với sự giúp đỡ của người dân trong toàn thôn. Khi hạ sơn, các hộ được Nhà nước hỗ trợ nhiều khoản tiền để di chuyển, làm nhà mới và ổn định cuộc sống. Hộ nào cũng nhận được tiền hỗ trợ làm nhà; tiền san nền nhà; xây bể nước; tiền hỗ trợ di chuyển và mỗi khẩu còn được nhận 10 kg gạo hoặc ngô/tháng trong vòng 6 tháng…Về đất canh tác, đa số các hộ vẫn làm nương trên diện tích đất nơi ở cũ, mặc dù phải đi xa nhưng do đa số các hộ vẫn giữ nhà cũ nên đi làm xa vẫn có chỗ nghỉ ngơi. Cũng có hộ trao đổi ruộng với người dân bản địa ở thôn Khau Vạc. Ngoài ra, Dự án cũng đã quy hoạch 5 ha diện tích đất cho các hộ khai hoang cho các hộ làm nương. Điều quan trọng hơn là khi về đây, người dân sẽ được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi xã hội. Giờ đây, bà con đã có đường ô tô rộng 4 mét đi ra trung tâm xã, không còn phải đi đường mòn như trước kia, bà con có thêm điều kiện để thúc đẩy giao lưu hàng hoá, văn hoá, xoá đói giảm nghèo. Ngoài ra, các công trình điện, nước cũng đang được thi công, phấn đấu đến Tết Nguyên đán năm nay, điện sẽ giúp các hộ tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nước sạch giúp bà con tránh được các bệnh dịch. Cùng với đó, Dự án cũng xây cho thôn điểm trường, nhà lưu trú giáo viên, nhà trụ sở thôn…để con em nơi đây đi học thuận tiện và có chỗ để tụ họp. Với các công trình phúc lợi xã hội đã giúp các hộ đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp, văn minh, thuận tiện.
Đến nay, sau một năm chuyển xuống nơi ở mới, các hộ đã ổn định cuộc sống, 100% số hộ đã chuyển bàn thờ tổ tiên xuống nhà mới, các hộ đã đưa con em xuống để thuận tiện cho việc học hành, đồng thời chuyển chuồng trâu, bò, gia cầm...Ngồi trong ngôi nhà mới to, rộng anh Giàng Chúng Sình cho biết: “ Gia đình tôi mới xuống đây được gần 1 năm, chúng tôi đã quen với nơi ở mới mặc dù vẫn phải đi làm nương xa. Xuống đây gia đình tôi yên tâm vì không còn phải sống trong cảnh lo sợ mỗi khi trời đổ mưa to như trước nữa. Hơn thế, về đây gần trung tâm xã nên thuận tiện cho các con đi học, ngoài ra, được Nhà nước mở đường rộng, kéo điện, kéo nước về tận trung tâm bản, chúng tôi rất vui vì đây là mong ước bao đời của gia đình, trước ở trên cao chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được hưởng những niềm vui đó…”. Đi và hỏi các hộ khác trong xóm chúng tôi đều thấy rõ niềm vui của họ khi được chuyển về nơi ở mới cũng như niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn khi họ đã và sẽ được hưởng lợi từ những công trình phúc lợi của Dự án. Theo lời của lãnh đạo xã Du Tiến thì không chỉ các hộ trong vùng có nguy cơ sạt, lở mong muốn đến xóm mới sinh sống mà nhiều hộ ở các thôn vùng cao khác không nằm trong diện di dời cũng đăng ký với xã xuống đây sinh sống.
Xóm mới hạ sơn Khau Vạc nay đã nhộn nhịp, đông vui không kém gì các thôn khác trong xã. Điều quan trọng là các hộ không còn sống trong nỗi lo sợ bị sạt, lở, lũ lụt, đó là yếu tố tinh thần giúp các hộ yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Ý kiến bạn đọc