Phát huy hiệu quả hệ thống xử lý cấp nước sạch và nước uống trực tiếp
BHG - Hà Giang là một tỉnh vùng núi cao, có địa hình phức tạp với nhiều khu vực núi đá vôi, xen kẽ vực sâu, người dân các huyện vùng cao thường xuyên đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã ưu tiên, huy động các nguồn lực, lồng ghép qua các chương trình, dự án xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, đảm bảo người dân có đủ nước sinh hoạt tối thiểu.
Cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh lấy mẫu đánh giá chất lượng nước. |
Để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, năm 2021 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh đã đề xuất sáng kiến “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho trường học và người dân trên địa bàn tỉnh” thông qua các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt hoàn thiện mô hình xử lý, cấp nước sạch và nước uống trực tiếp cho 7 trường thuộc Dự án Local Works và Đan Mạch hỗ trợ cho các nhà trường trên địa bàn khan hiếm nước sạch của tỉnh. Theo đó, các Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn; Trường Mầm non Sủng Là (Đồng Văn); Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Bắc Mê; Trường PTDT bán trú THCS Yên Cường; Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Luông (Bắc Mê); Trường PTDT bán trú THCS Phú Linh (Vị Xuyên); Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh được lựa chọn để triển khai dự án. Mô hình gồm hệ thống xử lý cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng QCVN 01-1:2018/BYT, công suất từ 5m3 đến 30 m3/ngày đêm; hệ thống lọc nước tinh khiết phục vụ uống trực tiếp đạt tiêu chuẩn chất lượng QCVN 6-1/2010/BYT, công suất từ 120 lít đến 300 lít/giờ tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi nhà trường. Mục đích nhằm cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và nước uống trực tiếp cho trên 3.000 học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và cộng đồng dân cư khu vực được hưởng lợi của dự án; góp phần tăng cường tiếp cận nước sạch, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh cho học sinh, giáo viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Phiêng Luông (Bắc Mê) uống nước qua hệ thống lọc trực tiếp. |
Là nơi được hưởng lợi từ dự án, thầy giáo Nguyễn Quang Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Yên Cường (Bắc Mê) cho biết: Ngay sau khi nhận bàn giao hệ thống xử lý, cấp nước sạch và nước uống trực tiếp cho học sinh do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phê duyệt tài trợ thông qua Viện Dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD) – Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, nhà trường đã thành lập tổ quản lý, vận hành, thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật theo khuyến cáo của các chuyên gia. Do vậy chất lượng nước luôn được đảm bảo, trung bình mỗi ngày hệ thống lọc được 500 lít nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của trên 300 học sinh, thầy cô giáo. Từ khi có hệ thống lọc nước sạch nhà trường đã không phải mua nước lọc đóng bình từ bên ngoài, tiết kiệm được trên 10 triệu đồng/năm.
Thầy giáo Phạm Văn Thiệm, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS – THPT Bắc Mê khẳng định: Hệ thống cấp nước sạch và nước uống học đường áp dụng công nghệ lọc tiên tiến, vận hành đơn giản, chi phí lắp đặt không cao, tiết kiệm điện năng trong quá trình sử dụng, tiết kiệm nguồn nước đầu vào. Đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt, nước uống trực tiếp cho 450 học sinh nội trú của nhà trường. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hoạt động lâu dài của hệ thống cấp, lọc nước sạch, nhà trường mong muốn các chuyên gia, nhà tài trợ tiếp tục quan tâm cung cấp các trang thiết bị kỹ thuật, định kỳ có đánh giá về chất lượng nước, có khuyến cáo trong quản lý, vận hành hệ thống. Về phía nhà trường sẽ cố gắng làm tốt công tác vận hành, bảo trì, đảm bảo tính bền vững của công trình.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình có sự tham gia đóng góp về nguồn lực đối ứng của người dân, chính quyền địa phương đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo tính bền vững; có thể ứng dụng nhân rộng cho các đơn vị trường học, điểm dân cư trên địa bàn toàn tỉnh, những nơi thiếu nước sạch và nguồn nước bị ô nhiễm. Để phát huy hiệu quả của mô hình trong thời gian tới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Cao Hồng Kỳ cho biết Liên hiệp Hội sẽ phối hợp với Viện PHAD, Tập đoàn Envitech và các địa phương, cơ sở tổ chức hội thảo đánh giá công tác quản lý, sử dụng và đề xuất giải pháp nhân rộng.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc