Chuyện những nữ trưởng thôn ở Kim Thạch
BHG - Một xã có 1 hoặc 2 người phụ nữ làm trưởng thôn có thể là chuyện bình thường ở nhiều nơi, nhưng xã có đến 6/8 trưởng thôn là phụ nữ là một điều đặc biệt, khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ ngoài xã hội, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số. Câu chuyện đặc biệt ấy có ở xã Kim Thạch (Vị Xuyên).
Trưởng thôn Nà Cọ, Nông Thị Thiết (thứ 2 bên trái) tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập quán lạc hậu. |
Thôn Bản Khò có 59 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Ngạn, cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, nguồn vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH. Năm 2020, chị Nguyễn Xuân Hạnh (sinh năm 1986) được bầu làm trưởng thôn. Ban đầu chị Hạnh từ chối, nghĩ đó là việc của đàn ông, mình là phụ nữ, không phù hợp. Nhưng được cán bộ xã và bà con động viên, tin tưởng, chị đã đảm nhận công việc này. Bản tính thẳng thắn, thật thà, tốt bụng, dám nói, dám làm, chị Hạnh quyết tâm làm hết trách nhiệm của mình, làm vì cuộc sống người dân. Cứ thế, 4 năm nay, công việc của thôn cuốn lấy phần lớn thời gian của chị. Chị Hạnh kể: “Khó nhất là đi tuyên truyền, vận động bà con triển khai chủ trương, chính sách mới của cấp trên, tuyên truyền chồng không xong thì tỷ tê với vợ, cứ như thế “mưa dầm thấm lâu”, khi người dân đã hiểu, đồng thuận và chia sẻ thì công việc lại rất thuận lợi”. Sự chân thành, nhiệt huyết, vì lợi ích của bà con đã giúp chị Hạnh chiếm được niềm tin yêu của nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua, kế hoạch phát triển kinh tế của thôn. Bởi thế, năm 2023, Bản Khò trở thành điểm sáng của xã Kim Thạch trong triển khai các phòng trào thi đua như: Vận động 10 hộ dân hiến đất làm hàng trăm mét đường dân sinh, đường giao thông nội đồng; vận động chị em phụ nữ trồng rau má, Bí xanh, Khôi nhung tím theo hình thức liên kết sản xuất hàng hóa; xóa bỏ phong tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và Bản Khò được Đảng bộ xã Kim Thạch lựa chọn làm điểm xây dựng “Chi bộ bốn tốt”.
Trưởng thôn Bản Khò, Nguyễn Xuân Hạnh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra mô hình nuôi lợn nái sinh sản của người dân. |
Trong không khí tháng 3 đầy cảm xúc, trưởng thôn Nà Cọ Nông Thị Thiết chia sẻ nhiều câu chuyện vui, buồn xoay quanh nhiệm vụ làm trưởng thôn, trong đó nhiệm vụ đầu tiên được chị nói vui là “điện thoại không được phép hết pin”. Câu nói tưởng đùa ấy của chị Thiết lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, bởi mọi lúc, mọi nơi, mọi việc phát sinh ở cơ sở, chị đều là người được bà con gọi đầu tiên. Chị Thiết sinh năm 1992, là người dân tộc Tày, ở xã Tùng Bá, về xã Kim Thạch làm dâu chưa lâu nhưng với sự hiểu biết, tuổi trẻ, nhiệt huyết, chân thành, chị nhanh chóng chiếm được tình cảm, sự tin tưởng của bà con và được bầu làm trưởng thôn. Những ngày đầu làm trưởng thôn với chị Thiết thực sự là thử thách khi chị không có kinh nghiệm, bị áp lực từ phía gia đình và trách nhiệm trên vai. Có người nói ra nói vào, rằng phụ nữ thì không làm được trưởng thôn, lại có người nói đang còn trẻ sao bằng các già làng lâu năm. Những lời nói ấy không làm chị nhụt ý chí mà như tiếp thêm động lực và quyết tâm để chị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chị muốn chứng minh cho bà con thấy, phụ nữ hiện đại có thể làm được nhiều việc ngoài xã hội.
Dám nói, dám làm, chị bắt tay vào công việc, từ việc chỉnh trang lại nhà cửa, các tuyến đường nông thôn, vệ sinh môi trường, phát triển các mô hình chăn nuôi, vận động các lao động đi làm tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh để tăng thu nhập, bổ sung các nội dung xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu vào hương ước của thôn... Chị kể: “Những đêm Đông lạnh, đang say giấc ngủ hay ngày lễ, ngày Tết, bất cứ thời gian nào và đủ thứ việc không tên ở thôn đều phải trưởng thôn đến giải quyết, có khi là vợ chồng cãi nhau, hàng xóm xích mích vì tranh chấp cái bờ rào, anh em không đồng thuận, có khi vì nước ruộng nhà trên không cho tháo xuống nhà dưới. Trong thời gian 3 năm làm trưởng thôn, tôi đã nhiều lần tham gia hòa giải thành công, thấu tình đạt lý nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong thôn, không để mâu thuẫn nhỏ phát sinh thành mâu thuẫn lớn và có đơn thư khiếu kiện lên cấp trên, được người dân đồng tình”.
Để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, mỗi chị lại có một cách làm khác nhau trong tuyên truyền, vận động nhân dân, nhưng điểm chung của họ là luôn gần dân, sâu sát với cuộc sống người dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn cho bà con, các chị biết từng nóc nhà, từng hoàn cảnh gia đình, thân thiết, sẻ chia như chị em ruột thịt, thấu hiểu phong tục, tập quán từng dân tộc ở địa phương, lấy ý kiến và tôn trọng ý kiến nhân dân, vận dụng linh hoạt các nghị quyết vào cuộc sống.
Bí thư Đảng ủy xã Kim Thạch, Phạm Đức Chúng chia sẻ: “Kim Thạch có 8 thôn thì có 6 nữ trưởng thôn; là phụ nữ nhưng các chị đã biến điểm yếu của mình thành thế mạnh, có khi là quyết liệt, mạnh mẽ, có khi lại rất mềm dẻo, khéo léo, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và công việc cụ thể. Năm 2023, xã Kim Thạch cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch giao. Kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các vấn đề về y tế, văn hóa, giáo dục, giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm, QP - AN được tăng cường, củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Những thành tựu nổi bật ấy có đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó có các nữ trưởng thôn”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc